Quốc tế

Các đảng phái công bố kế hoạch cứu Đức khỏi suy thoái kinh tế

Hoàng Bách 17/12/2024 19:07

Các đảng chính trị chính của Đức sẽ công bố cương lĩnh tranh cử vào ngày 17/12, đưa ra các tầm nhìn cạnh tranh để vực dậy nền kinh tế lớn nhất châu Âu khỏi tình trạng suy thoái, đồng thời chống lại làn sóng cực hữu đang trỗi dậy trước cuộc bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025.

Screenshot 2024-12-17 at 18.05.06
Lãnh đạo phe đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) Friedrich Merz phát biểu vào ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do Thủ tướng Đức Olaf Scholz triệu tập để mở đường cho cuộc bầu cử sớm, tại Hạ viện Bundestag ở Berlin, Đức, ngày 16/12. Ảnh: Reuters

Người dân Đức sẽ đi bỏ phiếu sau khi liên minh 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào tháng trước, điều này có thể sẽ chấm dứt nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo kém được lòng dân nhất trong lịch sử hiện đại của nước Đức và mở đường cho sự trở lại nắm quyền của đảng bảo thủ đối lập chính.

Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm đầy thử thách đối với nước Đức. Nền kinh tế nước này dự kiến sẽ sụt giảm năm thứ hai liên tiếp, các tập đoàn công nghiệp lớn như Volkswagen đang đối mặt với mối đe dọa sống còn từ các đối thủ nước ngoài và thái độ chính trị đối với người di cư đang ngày càng trở nên gay gắt.

Chi tiết về cương lĩnh tranh cử của các đảng đã bị rò rỉ, trong bối cảnh các vấn đề kinh tế, phúc lợi, di cư và chiến tranh ở Ukraine chiếm ưu thế trên các mặt báo. Chiến dịch tranh cử đã tăng tốc sau khi ông Scholz mất phiếu tín nhiệm vào ngày 16/12, đúng như điều đã được dự đoán trước.

Ứng cử viên hàng đầu của phe bảo thủ, Friedrich Merz và đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của ông muốn cắt giảm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp, cũng như hạ giá điện như một cách để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong khi phát tín hiệu về một chút cởi mở đối với cải cách ở mức độ vừa phải, ông cho đến nay vẫn tuyên bố kế hoạch tuân thủ giới hạn chi tiêu của chính phủ được hiến pháp quy định, hay còn được gọi là "phanh nợ". Công cụ này được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, nhưng những người chỉ trích cho rằng nó cản trở tăng trưởng bằng cách hạn chế vay nợ và đầu tư.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz muốn cải cách "phanh nợ" này.

Trong nỗ lực giành lại thế chủ động, SPD cũng đề xuất khuyến khích đầu tư tư nhân và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng bằng quỹ 100 tỷ euro nằm ngoài ngân sách. Họ dự định giới thiệu một chính sách "Made in Germany" nhằm thúc đẩy đầu tư.

Mâu thuẫn về vấn đề Ukraine

Dưới thời ông Scholz, Đức đã tăng chi tiêu quốc phòng và trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine, chỉ sau Mỹ.

Tuy nhiên, Merz muốn tiến xa hơn bằng cách cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev, một động thái mà ông Scholz lo ngại có thể kéo Đức vào thế đối đầu trực tiếp với Nga.

Ngược lại, đảng cực hữu Sự Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), hiện đang xếp thứ hai sau phe bảo thủ trong các cuộc thăm dò ý kiến, muốn chấm dứt việc giao vũ khí cho Ukraine và khôi phục quan hệ tốt đẹp với Moskva.

Di cư cũng là một vấn đề nhức nhối khác.

Đức, quốc gia từng mở rộng vòng tay chào đón người tị nạn Syria và những người khác trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, đã cứng rắn hơn kể từ đó và năm nay đã tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới.

Merz đã thúc đẩy việc từ chối người di cư ngay tại biên giới Đức và muốn chuyển việc xử lý các đơn xin tị nạn sang một quốc gia thứ ba.

Theo Reuters
Copy Link

Mới nhất

x
Các đảng phái công bố kế hoạch cứu Đức khỏi suy thoái kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO