Các di tích trọng điểm ở Nghệ An nộp hơn 25 tỷ đồng tiền công đức qua Kho bạc Nhà nước

Minh Quân 02/02/2023 09:04

(Baonghean.vn) - Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, trong năm 2022, qua thống kê từ 5 di tích trọng điểm, có nguồn thu do các địa phương quản lý, tổng số tiền từ nguồn công đức do các cơ sở này nộp qua Kho bạc Nhà nước là hơn 25 tỷ đồng.

Đền Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên là di tích thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Minh Quân

Trong số này, đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên) có số tiền công đức nộp qua Kho bạc Nhà nước lớn nhất với hơn 17,5 tỷ đồng. Tiếp sau đó là đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) với hơn 5,5 tỷ đồng, đền Hồng Sơn (thành phố Vinh) hơn 1,3 tỷ đồng, đền Quả Sơn (huyện Đô Lương) hơn 1,1 tỷ đồng, đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương) hơn 200 triệu đồng.

Bàn ghi công đức tại đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: Minh Quân

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao), từ năm 2020 trở về trước, số tiền công đức mà các di tích trên nộp qua Kho bạc Nhà nước hầu hết đạt trên 10 tỷ đồng/di tích. Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như các quy định phòng chống dịch, các hoạt động đi lễ bị hạn chế, các lễ hội gắn với di tích không được tổ chức nên nguồn thu công đức của các di tích bị giảm mạnh.

Năm 2022, trong số các di tích trên, chỉ có đền Ông Hoàng Mười là tổ chức lễ hội vào tháng 10 Âm lịch, thời điểm dịch Covid-19 đã được kiểm soát, còn các lễ hội đầu Xuân gắn với các di tích đền Cờn, đền Hồng Sơn, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã đều không được tổ chức vì đang trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp.

Đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương vừa được đầu tư tôn tạo với số tiền hơn 70 tỷ đồng từ nguồn công đức. Ảnh: Minh Quân

Riêng đối với di tích đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), theo ông Nguyễn Kim Nam - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đô Lương, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến cuối năm 2022, đền trong quá trình tu sửa, tôn tạo theo Dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Quả Sơn, huyện Đô Lương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3771/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 nên số tiền công đức nộp qua Kho bạc Nhà nước năm 2022 chỉ đạt 1,1 tỷ đồng. Trong quá trình tu sửa đền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã ủng hộ, đóng góp công đức xây dựng đền bằng hiện vật, công sức với tổng giá trị hơn 70 triệu đồng trên tổng mức đầu tư hơn 77,6 tỷ đồng.

Du khách dâng lễ tại đền Quả Sơn. Ảnh: Minh Quân

Theo Thông tư 04/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, các di tích phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với tiếp nhận tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận; các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, đến nay các di tích trọng điểm, có nguồn thu lớn ở Nghệ An đều đã mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ.

Mới nhất

x
Các di tích trọng điểm ở Nghệ An nộp hơn 25 tỷ đồng tiền công đức qua Kho bạc Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO