Các địa phương tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm

07/02/2014 18:11

 Để phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm và thực hiện nghiêm túc Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Để phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm và thực hiện nghiêm túc Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm A (H7N9) trên các đàn gia súc; xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành Y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người; tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện kiểm tra ngăn chặn các vụ nhập lậu gia cầm qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh gia cầm trái phép…

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã... huy động các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; giám sát chặt chẽ với cơ quan y tế thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống cúm A (H7N9).

Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; tổ chức chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus A (H7N9) trên các đàn gia cầm; khi phát hiện virus cúm A (H7N9) trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành Y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.

Đồng thời, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan, Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu vào Thành phố, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại tỉnh Thái Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép”; chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và các hoạt động bắt giữ; cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, đề xuất phương án tái cơ cấu các chợ có buôn bán gia cầm sống theo hướng bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus sang người.

Tỉnh Lào Cai cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để dịch cúm xâm nhập vào địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán ăn, nhà hàng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng buôn lậu gia cầm qua biên giới, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của dịch cúm A (H7N9) đến nhân dân; tăng cường giám sát dịch, chủ động phát hiện sớm và bao vây dập dịch kịp thời; duy trì hoạt động của 164 tổ giám sát dịch bệnh tại 164 xã, phường, thị trấn...

Theo Chinhphu.vn

Mới nhất
x
Các địa phương tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO