Các doanh nghiệp ở Nghệ An chủ động sản xuất '3 tại chỗ' để phòng dịch
(Baonghean.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt với tình trạng lây lan nhanh ra cộng đồng, trong đó có nhiều trường hợp F0 không rõ nguồn lây, việc phòng, chống dịch trong các nhà máy ở các khu công nghiệp (KCN) càng phải được coi trọng.
Khẩn trương thực hiện nghiêm công tác phòng dịch
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 tại TP. Vinh, nhất là thời điểm toàn thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, với tinh thần "ai ở đâu, ở yên đó", theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, các giải pháp nhằm kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đã ngay lập tức được triển khai.
BQL KKT Đông Nam cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh; duy trì hợp lý hoạt động sản xuất trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Một số doanh nghiệp đã tiến hành test nhanh Covid-19 cho công nhân sau khi bùng phát dịch bệnh. Ảnh: T.Đ |
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng BQL KKT Đông Nam cho biết: Ngày 23/8, BQL KKT Đông Nam đã có Văn bản 1162 về việc bổ sung một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong KKT và các KCN, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, các KCN phải thực hiện nghiêm để tránh xảy ra việc lây lan dịch bệnh trong môi trường nhà máy, xí nghiệp.
Theo đó, đối với các doanh nghiệp trong KCN Bắc Vinh, thuộc địa bàn TP. Vinh sẽ phải thực hiện nghiêm theo các nội dung quy định tại Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 22/8/2021 của UBND TP. Vinh và Công văn 5569/UBND-KT ngày 23/8/2021 sửa đổi một số nội dung của Kế hoạch 189.
Các doanh nghiệp phải bố trí người lao động ăn, nghỉ, làm việc tập trung tại nhà máy (3 tại chỗ), nếu không thực hiện được phương án "3 tại chỗ" thì yêu cầu doanh nghiệp phải thuê khách sạn hoặc cơ sở lưu trú trong nội thành để bố trí cho công nhân ăn, ở tập trung tại chỗ và bố trí xe ô tô đưa, đón công nhân từ nơi tập trung đến cơ sở sản xuất. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện cá nhân đến nơi làm việc.
Phun thuốc khử khuẩn xung quanh khu vực doanh nghiệp tại KCN VSIP. Ảnh: T.Đ |
Đối với các doanh nghiệp trong KCN VSIP (thuộc huyện Hưng Nguyên), được yêu cầu thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND huyện Hưng Nguyên về phòng, chống dịch.
Ngoài ra, người lao động thường trú ngoài địa bàn huyện Hưng Nguyên vào làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN VSIP phải bố trí xe đưa, đón công nhân tập trung và phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định như người lao động thường trú trên địa bàn huyện.
BQL KKT Đông Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN này khẩn trương điều chỉnh quy mô sản xuất, bố trí người lao động "3 tại chỗ". Tạm dừng việc bố trí xe đưa, đón công nhân tập trung (đi, về hàng ngày) trước 0h00 ngày 25/8/2021 để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào địa bàn KCN.
Công văn chỉ đạo của BQL KKT Đông Nam. Ảnh: T.Đ |
Riêng đối với các doanh nghiệp tại KCN Nam Cấm, WHA và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc thì được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Đồng thời, khẩn trương điều chỉnh quy mô sản xuất, bố trí người lao động "3 tại chỗ" tại nhà máy; tạm dừng việc bố trí xe đưa, đón công nhân tập trung (đi, về hàng ngày) trước 0h00 ngày 25/8/2021 để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào địa bàn KCN.
Ngoài ra, tại các doanh nghiệp trong địa bàn KKT Đông Nam và các KCN: Hoàng Mai, Đông Hồi, Nghĩa Đàn, cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của cấp huyện và các quy định của các cơ quan liên quan. Trường hợp tự đánh giá nguy cơ dịch bệnh xét thấy tình hình cấp bách, các doanh nghiệp cần phải chủ động xem xét, áp dụng ngay các phương án, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như các doanh nghiệp trong KCN Nam Cấm và WHA.
Chủ động đối phó với dịch bệnh
Tại KCN VSIP, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 13/20 doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở tại chỗ cho người lao động theo phương án "3 tại chỗ" với tổng cộng 3.598 công nhân.
Ban Quản lý KCN VSIP đã thường xuyên tiến hành phun khử khuẩn trên các trục đường chính trong KCN. Ảnh: T.Đ |
Ông Lê Đức Giáp - Trưởng phòng An toàn an ninh và Môi trường, kiêm Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết, hiện nay phía công ty cũng đã tuyên truyền để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh và của BQL KKT Đông Nam. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhưng đồng thời vẫn phải đáp ứng kế hoạch sản xuất, đơn hàng, còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị đã bố trí được phương án "3 tại chỗ", trợ cấp 3 bữa ăn/ngày cho công nhân khi ở lại và có doanh nghiệp còn hỗ trợ từ 1 -1,5 triệu đồng/tháng trong thời gian ở lại doanh nghiệp, nhưng một số lao động vẫn có tâm lý lo sợ, không muốn ở lại. Điều này vô tình khiến cho công nhân có nguy cơ bị lây bệnh bên ngoài cộng đồng nếu như không thực hiện "3 tại chỗ" ở doanh nghiệp.
Hiện tại trong KCN VSIP đã có 13/20 doanh nghiệp bố trí "3 tại chỗ" cho khoảng 3.598 người lao động. Ảnh: T.Đ |
Ông Giáp cũng cho biết, hiện tại trong số gần 12.000 công nhân trong KCN VSIP nhưng mới chỉ có vài trăm lao động được tiêm phòng vắc-xin đợt 1, vì thế điều mà các doanh nghiệp mong muốn nhất hiện nay là sớm được ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân.
Hiện tại, KCN VSIP cũng đang lên kế hoạch tìm kiếm địa điểm để xây dựng khu cách ly F1, để đề phòng nếu như xuất hiện các ca F1 trong KCN thì sẽ tập trung cách ly, góp phần giảm tải áp lực cho cộng đồng bên ngoài KCN.
Tại KCN Bắc Vinh, bà Lê Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Công ty đầu tư phát triển KCN Bắc Vinh cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của chính quyền địa phương và BQL KKT Đông Nam, hiện nay công ty cũng đã thông tin đến tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN, một số doanh nghiệp có số công nhân ít đã bố trí được phương án "3 tại chỗ", còn một số doanh nghiệp có lượng công nhân đông cũng đành chấp nhận tạm dừng hoạt động. Dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp cũng đành phải chấp nhận để cùng đồng hành với địa phương chống dịch.
Hiện tại, để phòng, chống dịch bệnh, Công ty CP may Minh Anh Kim Liên đã quyết định tạm thời ngừng mọi hoạt động sản xuất và cho hơn 3.000 công nhân nghỉ việc. Ảnh tư liệu: Thu Huyền |
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP may Minh Anh Kim Liên cho biết, trước khi TP. Vinh thực hiện tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó”, phía công ty cũng đã bố trí cho hơn 200 lao động ngoại tỉnh ăn, nghỉ và làm việc tại công ty, số còn lại đến từ các huyện vẫn tổ chức xe đưa, đón công nhân. Tuy nhiên, hiện nay do rất khó bố trí chỗ ăn ở tập trung cho công nhân trong thành phố nên Ban Giám đốc công ty đã quyết định tạm thời ngừng mọi hoạt động sản xuất và cho hơn 3.000 công nhân nghỉ việc trong thời gian thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.