Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế là phù hợp thực tế

Thành Chung (thực hiện) 19/02/2023 13:47

(Baonghean.vn) - Trong năm đầu tiên, việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế tiêu hao ngay tại các đơn vị y tế được triển khai, có nhiều nhà thầu không tham gia.

Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng theo quy định pháp luật, sát tình hình thực tế. Trong những năm tiếp theo, chắc chắn việc đấu thầu mua sắm tại các đơn vị sẽ tiếp tục được thực hiện và thực hiện hiệu quả hơn. Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã có cuộc trao đổi cùng Báo Nghệ An quanh nội dung trên.

P.V: Năm 2022 là năm đầu tiên Nghệ An tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế tiêu hao ngay tại các đơn vị y tế, mà không phải tổ chức đấu thầu tập trung tại Sở Y tế như trước đây. Ông có thể cho biết tình hình khi có sự thay đổi này?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Từ năm 2007 đến năm 2022, ở Nghệ An, đấu thầu tập trung thuốc, một phần hóa chất và một phần vật tư y tế tiêu hao được tổ chức tại Sở Y tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp một số khó khăn.

Việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở 3 cấp. Năm 2022 là năm đầu tiên Nghệ An tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế tiêu hao ngay tại các đơn vị y tế.

Khó khăn thứ nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh ở Nghệ An có nhiều hình thức tổ chức khám, chữa bệnh như bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện và kể cả các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến xã. Do đó, việc sử dụng các mặt hàng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế tiêu hao của các đơn vị này cũng rất khác nhau.

Sau khi Sở Y tế tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng, thì việc áp dụng kết quả đấu thầu của Sở tại các đơn vị để đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng không nhiều, rất nhỏ. Vậy nên, việc các đơn vị tự tổ chức đấu thầu mua sắm sẽ giúp cho các đơn vị lựa chọn được các mặt hàng phù hợp theo hình thức tổ chức của mình, cũng như mua sắm và sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế tiêu hao hiệu quả hơn.

Khó khăn thứ hai là nhân lực làm việc tại Sở Y tế là rất mỏng. Các phòng, ban chuyên môn của Sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Khi tổ chức đấu thầu tại Sở Y tế thì Sở phải tập trung lớn nhân lực các phòng, ban cho công tác đấu thầu. Khi đó thời lượng mà cán bộ phòng, ban chuyên môn dành cho cơ sở, cho công tác quản lý nhà nước về y tế sẽ không nhiều; công tác kiểm tra, giám sát sẽ không được diễn ra thường xuyên.

Bởi vậy, trên cơ sở đó, theo thẩm quyền và các văn bản quy định, việc tổ chức đấu thầu tập trung mua sắm thuốc, một phần hóa chất và một phần vật tư y tế tại Sở Y tế chỉ còn 129 mặt hàng thuốc thuộc danh mục phải đấu thầu tập trung cấp địa phương. Đối với tất cả những mặt hàng còn lại, Sở chỉ đạo các đơn vị y tế tự xây dựng, tổ chức đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế, sát với nhu cầu sử dụng của mình.

P.V: Trước chủ trương mới này, Sở Y tế Nghệ An đã có sự hỗ trợ như thế nào cho các đơn vị vừa đỡ phần lúng túng, vừa phải đúng luật, thưa ông?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Trong quá trình tổ chức mua sắm, Sở Y tế luôn đồng hành cùng các đơn vị. Sở đã thành lập 10 tổ công tác với sự tham gia của các nhân lực có kinh nghiệm, được lựa chọn từ các đơn vị tuyến tỉnh để thường xuyên kết nối, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho các đơn vị. Sở cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về công tác mua sắm để hướng dẫn các quy định pháp luật và xây dựng quy trình đấu thầu chuẩn, quy trình mẫu cho các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định pháp luật…

Việc các nhà thầu không tham gia, trượt thầu nhiều mặt hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh. Ảnh: Internet

Trong năm 2022, Sở Y tế đã có các công văn chỉ đạo rõ về việc triển khai kế hoạch tổ chức lựa chọn nhà thầu năm 2023 đối với thuốc do đơn vị tự tổ chức đấu thầu; dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế trong thời gian chờ kết quả đấu thầu của năm 2023 gửi cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Các công văn đã nêu rõ quy trình, lộ trình thực hiện đấu thầu. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết để thực hiện theo đúng lộ trình đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế sử dụng năm 2023 đặt ra.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc trong năm 2023. Đối với mặt hàng có nhà thầu trúng thầu tiến hành dự trữ lượng hàng đủ sử dụng trong thời gian hoàn thành thủ tục mua sắm theo kết quả đấu thầu năm 2023; đối với mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu, tiến hành dự trữ lượng hàng đủ để sử dụng trong thời gian tổ chức đấu thầu lại… nhằm đảm bảo chủ động, kịp thời cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh năm 2023.

P.V: Ông có thể cho biết thêm về kết quả đấu thầu mua sắm thuốc năm 2023 tại các đơn vị y tế vừa được tổ chức?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Đến thời điểm này, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc mua sắm thuốc. Còn lại việc mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm thì các đơn vị khám, chữa bệnh cũng đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu.

Theo thông tin nắm bắt từ các đơn vị khám, chữa bệnh thì việc lựa chọn nhà thầu để tổ chức mua sắm thuốc vừa qua là không được nhiều, tỷ lệ các mặt hàng trượt cũng lớn… Hiện nay, Sở Y tế đang yêu cầu các đơn vị đánh giá để báo cáo về Sở tổng hợp để có sự phân tích, đề ra giải pháp sát đúng tình hình thực tế.

Đơn cử, do thuốc lidocaine không được đấu thầu thành công, việc điều trị nha khoa tại các đơn vị y tế ở tỉnh cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng. Ảnh: Thành Chung

Việc nhiều mặt hàng trượt thầu có nhiều nguyên nhân, cụ thể như: Không có nhà thầu tham dự; giá kế hoạch khi xây dựng thấp (do quy định của Nhà nước, của Luật), trong đó khâu thẩm định giá trong đấu thầu lại rất mất thời gian, nhiều đơn vị thẩm định độc lập từ chối thẩm định giá vì quan ngại một lý do nào đó (mặc dù Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị khám, chữa bệnh kết nối với gần 300 đơn vị thẩm định giá trên toàn quốc)…

Ngoài ra, còn có thêm một nguyên nhân nữa là các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thuốc bị đứt gãy nguồn cung từ nước ngoài. Các nhà sản xuất trong nước có báo lại là nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài về rất hạn chế, dẫn đến thiếu một số mặt hàng. Việc thiếu thuốc diễn ra trên phạm vi toàn quốc, toàn cầu.

Trên cơ sở báo cáo kết quả đấu thầu mua sắm thuốc của các đơn vị, Sở Y tế và các đơn vị sẽ tiến hành phân tích, đánh giá nguyên nhân cụ thể của việc vì sao nhà thầu không tham gia, vì sao trượt thầu. Nếu trượt do tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải xem lại, xây dựng lại tiêu chuẩn kỹ thuật; trượt do giá kế hoạch thấp thì phải xem xét, đề xuất, thẩm định lại giá và cũng nhanh chóng tổ chức đấu thầu lại.

P.V: Qua nắm bắt từ các cơ sở khám, chữa bệnh và ngay cả đấu thầu tập trung ở Sở Y tế cũng có nhiều mặt hàng thuốc đã không trúng thầu. Với kết quả này, Nghệ An có phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc, sinh phẩm, hóa chất và vật tư y tế tiêu hao trong thời gian tới hay không?

Nhà nước, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo thuốc, hoá chất, vật tư y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ảnh: Thành Chung

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Sắp tới, chúng ta cũng có thể đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc do có một số mặt hàng trượt thầu với những nguyên nhân đã nêu. Để giải quyết nguy cơ thiếu thuốc, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tìm kiếm các sản phẩm để thay thế có tác dụng tương đồng. Với các mặt hàng khan hiếm, các đơn vị phải chủ động trong vấn đề cung ứng để có giải pháp dự trữ đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh.

Với những mặt hàng hiện nay thiếu trên toàn quốc thì Bộ Y tế cũng đã vào cuộc. Một số mặt hàng hết số đăng ký vừa qua đã được Quốc hội thông qua nghị quyết để cho gia hạn thêm hiệu lực số đăng ký… Phải nói rằng, chúng ta đang cố gắng tìm kiếm, triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

P.V: Theo các cơ sở khám, chữa bệnh thì việc triển khai đấu thầu mua sắm tại đơn vị là hết sức vất vả, mất quá nhiều công sức, dễ xảy ra sai sót. Nhiều cơ sở kiến nghị nên quay lại hình thức đấu thầu tập trung tại Sở hoặc tìm một giải pháp khác. Ông có thể nói gì về điều này?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Vấn đề mua sắm các sản phẩm hàng hóa thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật. Hiện nay, đấu thầu tập trung cấp địa phương, theo quy định của luật chỉ thực hiện đấu thầu 129 mặt hàng thuốc. Còn lại các mặt hàng thuốc khác thì luật quy định là các đơn vị tự tổ chức đấu thầu... Riêng hóa chất, vật tư thì hiện không có quy định về đấu thầu tập trung.

Sở Y tế đã kiến nghị lên cấp tỉnh và Trung ương nên chăng thành lập một đơn vị độc lập - trung tâm đấu thầu tập trung để hiệu quả, chuyên nghiệp hơn trong vấn đề tổ chức. Còn Sở Y tế là cơ quan nhà nước, quản lý về đấu thầu chứ không phải là đơn vị tổ chức đấu thầu. Theo quy định pháp luật thì Sở Y tế được giao nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nếu đã thực hiện nhiệm vụ thẩm định rồi mà nay vẫn tổ chức đấu thầu thì đây chính là bất cập, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Vậy nên, việc tổ chức đấu thầu mua sắm chuyển về các đơn vị là phù hợp hơn…

Đây là năm đầu tiên các đơn vị tổ chức đấu thầu. Những năm tiếp theo, công tác đấu thầu ở các đơn vị sẽ tiếp tục được tổ chức. Khi đã quen việc thì việc tổ chức đấu thầu sẽ nhanh, chặt chẽ, hoàn thiện hơn và sát với thực tế các đơn vị. Chắc chắn đấu thầu tại đơn vị sẽ hiệu quả hơn so với đấu thầu tập trung. Sở Y tế là cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tuyệt đối cho các đơn vị.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mới nhất
x
Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế là phù hợp thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO