Các hạng mục cần bảo dưỡng, thay thế cho ôtô định kỳ
Bảo dưỡng định kỳ cho xe ôtô là một việc làm cần thiết, giúp kéo dài tuổi thọ của xe cũng như đảm bảo khả năng vận hành luôn êm ái, mượt mà.
Sau 5.000 km
Bảo dưỡng ôtô sau mỗi 5.000 km sẽ bao gồm các hạng mục như thay dầu máy, vệ sinh lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa. Việc thay dầu máy ở 5.000 km là không bắt buộc nếu xe vận hành ở điều kiện bình thường. Tuy nhiên, sau 5.000 km đầu tiên thì có thể dầu máy đã lẫn vụn kim loại, do đó bạn nên thay.
Sau 10.000 km
Ngoài những hạng mục tương tự như ở trên thì ở cấp bảo dưỡng 2 này, các chuyên viên sẽ kiểm tra thêm lọc gió điều hòa, thay lọc dầu động cơ, kiểm tra trục các-đăng, bơm chân không và đảo lốp. Các chuyên gia khuyên người dùng nên thay lọc dầu cùng lúc với dầu máy sau mỗi 10.000 km.
Với những xe di chuyển từ 20 - 30 km/ngày thì nên thay dầu máy theo mốc bảo dưỡng này. Còn nếu xe chạy dưới 20 km/ngày thì nên thay dầu máy sớm hơn, vì khi xe ít hoạt động sẽ khiến lượng dầu tồn động nhiều hơn, để lâu có thể bị vón cục làm ảnh hưởng đến động cơ.
Bảo dưỡng ôtô định kỳ đúng hạn sẽ giúp xe hạn chế hư hỏng. Ảnh: Khánh Linh
Sau 20.000 km
Ngoài các mục bảo dưỡng như 2 mức trên, lần này xe sẽ cần kiểm tra thêm hệ thống phanh nhằm phát hiện kịp thời tình trạng mòn má phanh, hỏng phanh (nếu có). Bên cạnh đó, chủ xe có thể làm thêm các hạng mục khác nữa như kiểm tra góc đặt bánh xe, vệ sinh bướm ga, dàn lạnh điều hòa...
Sau 40.000 km
Ở cấp bảo dưỡng này, xe sẽ được kiểm tra tất cả các hạng mục và được thay thế lọc nhiên liệu, dầu hộp số, dầu vi sai, dầu phanh/dầu ly hợp, dầu trợ lực lái và thay thế dây cu-roa. Đây là mốc quan trọng, giúp bảo vệ động cơ hoạt động tốt hơn, giảm tiếng ồn, tiết kiệm nhiên liệu.
Trong đó, việc thay dầu hộp số và dầu vi sai sẽ giúp các bộ phận này hoạt động trơn tru, êm ái hơn, cho phép hệ thống truyền động luôn hoạt động hiệu quả. Thay lọc gió là để loại bỏ cặn bẩn và tạp chất làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp nhiên liệu cho động cơ. Thay dầu phanh và dầu ly hợp để đảm bảo hoạt động của phanh, bảo vệ sự an toàn của hành khách. Trong khi đó, thay dầu trợ lực sẽ giúp việc đánh lái nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Thay dây cu-roa để tránh tình trạng chúng bị nứt trong thời gian dài sử dụng, làm giảm khả năng ma sát, dẫn đến hiệu suất truyền động của động cơ kém đi.
Sau 100.000 km
Sau một thời gian dài hoạt động, nước làm mát động cơ có thể bị biến chất, đóng cặn và gây ảnh hưởng đến hệ thống làm mát. Do đó, ngoài việc kiểm tra và bảo dưỡng các hạng mục trên, chủ xe cần súc rửa két nước và thay thế nước làm mát định kỳ, đảm bảo động cơ không bị quá nhiệt.
Kiểm tra thường xuyên các hạng mục
Để hạn chế rủi ro và có được chuyến đi an toàn, suôn sẻ trên mọi hành trình, bạn cần kiểm tra thường xuyên các bộ phận và hệ thống như phanh, hệ thống lái, đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo trên táp-lô, lốp xe, ắc quy,... Nếu thấy nước làm mát hoặc nước rửa kính bị cạn dưới mức quy định thì cần châm thêm.