Các huyện miền núi cao Nghệ An đề nghị tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
(Baonghean.vn) - Các đại biểu ở 6 huyện miền núi cao đề nghị UBND tỉnh và các ngành cần sớm tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, có chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng.
Chiều 7/12, trong chương trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, 18 đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp tiến hành thảo luận tổ. Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương làm tổ trưởng điều hành thảo luận.
Tham gia thảo luận tại tổ 4 có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Trọng Hoàng - Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Bí thư Huyện uỷ, Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 4. Ảnh: Phạm Bằng |
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY NHANH TRIỂN KHAI 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt là những kết quả mang tính đột phá như thu ngân sách, thu hút đầu tư, chất lượng giáo dục. Điều này khiến cử tri, nhân dân trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi.
Các đại biểu cũng đánh giá công tác điều hành của UBND tỉnh trong năm 2022 rất quyết liệt, hiệu quả, cụ thể hoá kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Các huyện miền núi cao cũng đề cao sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của tỉnh và các sở, ngành trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
Đại biểu Vương Quang Minh - Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Đối với nhiệm vụ năm 2023, đại biểu Vương Quang Minh - Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp tình trạng khắc phục tình trạng số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi và tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán, bởi tình trạng này vẫn còn lớn. Đồng thời, cần bổ sung thêm các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong năm 2022, như việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thiếu hụt nguồn lao động.
"Tỉnh cần kiến nghị với Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án hồ chứa nước Bản Mồng", đại biểu Minh phát biểu.
Đại biểu Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Đánh giá cao những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ ra tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều khó khăn do không có đơn hàng, nhất là doanh nghiệp trong ngành nghề may, da giày, khiến nhiều công nhân không có việc làm, bị cắt giờ làm, chấm dứt lao động.
Theo đại biểu Tám, qua khảo sát ban đầu, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 20 doanh nghiệp đã có hiện tượng này, khiến 3.000 công nhân ảnh hưởng, trong đó có 2 doanh nghiệp ở TP. Vinh và huyện Thanh Chương đã phải ngừng hoạt động. Dự báo trong năm 2023, tình hình diễn biến phức tạp hơn, vì vậy UBND tỉnh cần bổ sung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, công nhân, người lao động.
Nhấn mạnh kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đang đạt cao, doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng theo đại biểu Kha Văn Tám, trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có nhà ở xã hội tập trung cho công nhân, người lao động. Một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mặc dù đã có chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống của công nhân và ảnh hưởng đến việc thu hút lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp.
Đại biểu Trương Minh Cương - Bí thư Huyện uỷ Quế Phong phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Thảo luận về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trương Minh Cương - Bí thư Huyện uỷ Quế Phong cho rằng, tiến độ triển khai rất chậm, trong đó có phần vốn sự nghiệp khó triển khai. Hiện đang là thời điểm cuối năm nên việc cấp cây, con giống cho đồng bào sẽ không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành hướng dẫn cho các huyện miền núi sớm hơn để đẩy nhanh tiến độ triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.
Quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, sau đợt lũ ống, lũ quét vào tháng 10/2022, hiện trạng hạ tầng một số khu vực trên địa bàn huyện đã thay đổi nên việc lập dự toán và phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn có chậm hơn.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Mặt khác, giá nguyên vật liệu trên địa bàn huyện đang tăng cao, huyện đã có văn bản gửi các ngành xin ý kiến hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, các sở, ngành cũng cần hướng dẫn Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn sớm bàn giao đất về cho huyện để giao cho người dân quản lý, canh tác.
Đi sâu phân tích nguyên nhân việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm, đại biểu Lục Thị Liên - Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, cần làm rõ việc lúng túng trong quá trình triển khai là do cấp nào, từ đó mới đề ra được giải pháp giải quyết phù hợp.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG THIẾU ĐẤT SẢN XUẤT
Về các chính sách giảm nghèo bền vững, đại biểu Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, tỉnh và các ngành, các cấp đã quan tâm, có những kết quả nhất định nhưng nhìn chung, sự chuyển biến còn chậm. Trong đó, có 2 vấn đề là tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở các huyện miền núi còn nhiều; số lượng mô hình kinh tế có hiệu quả đếm trên đầu ngón tay.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện uỷ Tương Dương phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Đi sâu phân tích vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện uỷ Tương Dương cho rằng, hiện diện tích đất sản xuất và đất rẫy luân canh của người dân ở các huyện miền núi ngày càng hạn hẹp, trong khi người dân không được hưởng tiền bảo vệ rừng. Vì vậy, UBND tỉnh cần có giải pháp giải quyết để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Các sở, ngành cũng có thể nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về định mức hỗ trợ cho người dân được tái định cư tự do, vì hiện nay nhiều khu tái định cư triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Dẫn chứng một bài báo của Báo Nghệ An về tình trạng cán bộ bảo vệ rừng ở huyện Thanh Chương nghỉ việc nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện uỷ Tương Dương cho rằng, không chỉ ở Thanh Chương mà tình trạng này đang diễn ra tại nhiều huyện miền núi. Nguyên nhân là do công việc nặng nề, áp lực, lương và phụ cấp thấp, không ổn định. Vì vậy, tỉnh cần có giải pháp và kiến nghị Trung ương có những điều chỉnh phù hợp. Bởi đối với các huyện miền núi, diện tích rừng rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời thì hệ luỵ sẽ rất lớn.
Đại biểu Lục Thị Liên - Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn tại các huyện miền núi còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh kịp thời, tránh việc khiếu nại của người dân. UBND tỉnh cũng có thể nghiên cứu bố trí thêm ngân sách cho các huyện miền núi nhằm đẩy mạnh phòng chống ma tuý, vì đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đói nghèo.
Tại phần thảo luận tổ, đại diện các sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường... đã trao đổi, làm rõ ý kiến của các đại biểu.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt trao đổi, làm rõ ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Phạm Bằng |
Phát biểu tại tổ thảo luận số 4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có nguyên nhân chính là sự đồng thuận, đoàn kết của UBND tỉnh, sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, sự tạo điều kiện của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh phát triển toàn diện nhưng có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm.
Đối với tồn tại, hạn chế của năm 2022, Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng cần bổ sung việc 156 cán bộ kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng có đơn xin nghỉ việc, từ đó mới có cơ sở để ban hành chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án hồ chứa nước Bản Mồng còn chậm; tình trạng người dân miền núi thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng giao đất, giao rừng đã triển khai đến năm thứ 4 nhưng kinh phí chưa được bố trí đầy đủ.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng |
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Hải về việc nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho người dân tái định cư tự do, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu đồng tình và cho rằng, Quyết định 1776/QĐ-TTg của Chính phủ đã hết hiệu lực, trong khi nhiều dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân 7 năm cũng chưa hoàn thành nên việc nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ là phù hợp.
Về nhiệm vụ của năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh nhiều khó khăn và cho rằng, những chỉ tiêu, mục tiêu của UBND tỉnh đề ra là phù hợp. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần đề ra các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến giá xăng dầu có thể tăng cao, tình trạng lạm phát có thể phức tạp; giải quyết vấn đề thất nghiệp của người lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn.