Các huyện vùng cao Nghệ An nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Hiện là thời điểm dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát. Tại các huyện vùng cao của Nghệ An một số địa phương đã xuất hiện dịch. Vì vậy, các cấp chính quyền và người dân đang tích cực khoanh vùng dập dịch.
Dập dịch ở các thôn, bản
Bản Na Kho của xã Nga My, huyện Tương Dương cách thị trấn Thạch Giám khoảng 70km. Nguồn sinh kế chính của người dân bản Xốp Kho là chăn nuôi và trồng trọt, trong đó chăn nuôi trâu, bò, lợn đóng vai trò chủ đạo. Tuy cách trung tâm xã Nga My gần 20km, song Xốp Kho là 1 trong 2 bản xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 9/10, ông Kha Văn Thứ - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, đầu tháng 9/2024, trên địa bàn xã đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại bản Canh và bản Xốp Kho. Số lợn bị chết do dịch bệnh của 2 bản đã lên đến 125 con. UBND xã đã và đang tích cực chỉ đạo nhân dân tiêu hủy lợn bệnh bị chết theo đúng quy định và tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế lây lan.
Toàn xã Nga My có tổng đàn lợn trên 1.000 con. Để ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, người dân các thôn, bản ở xã Nga My đang thực hiện khuyến cáo, hướng dẫn của UBND xã cách ly, dập dịch, không mua bán sản phẩm thịt lợn từ địa phương khác. Đồng thời, ban quản lý các thôn, bản cũng thực hiện hạn chế người bán hàng rong đi vào các thôn, bản.
“Trên các tuyến đường liên xã, liên bản nơi đã có dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi lập chốt canh gác không cho phương tiện chở hàng hóa, nhất là thịt lợn, từ các nơi khác đi vào. Ở các điểm chốt đều có rải vôi, hoá chất khử trùng phòng, chống mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, xã cũng đã triển khai công tác tiêm phòng gia súc vụ Xuân. Tính đến cuối tháng 9/2024, đàn trâu, bò đã tiêm được 1.250/2.348 con; tổng đàn chó tiêm được 300 con, tổng đàn lợn tiêm được 190/1.000 con” – ông Kha Văn Thứ cho biết.
Trên địa bàn huyện Tương Dương, ngoài 2 bản ở xã Nga My, đã xuất hiện rải rác các ổ dịch tả lợn châu Phi ở các bản của xã Yên Tĩnh, Yên Na, Lưu Kiền. Tổng đàn lợn của huyện Tương Dương trên 25.800 con, chủ yếu được chăn nuôi ở các khu sản xuất của người dân, và là nguồn thu nhập lớn của các hộ gia đình. Vì vậy, huyện Tương Dương đang triển khai khoanh vùng, dập dịch, không để lan rộng. Tại huyện khác như Kỳ Sơn, Anh Sơn hiện dịch tả lợn châu Phi cũng đã xuất hiện ở một số địa phương.
Tại huyện Kỳ Sơn đã xảy ra ở xã Na Loi với số lượng ít, địa phương đã khoanh vùng, dập dịch. Tại huyện Anh Sơn, đến 10/10 xã đã có 6 xã xảy ra tình trạng lợn chết do dịch tả châu Phi, với số lượng lên đến con số hàng trăm con. Ví như ở xã Cao Sơn có 2 ổ dịch, làm chết 7 con lợn. Các xã khác như Vĩnh Sơn, Hoa Sơn, Phúc Sơn… cũng đã xuất hiện dịch.
Sáng 11/10, ông Lê Văn Trí - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết, UBND huyện đang cử các đoàn công tác về các xã để chỉ đạo phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Những hộ gia đình có lợn bị chết do dịch được hướng dẫn tiêu hủy theo đúng quy định. Các xã lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn lây lan.
Chủ động, tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, dập dịch
Quế Phong là một trong những địa phương đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng với 11 xã. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 22 thôn, bản với hơn 100 hộ chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng, làm hơn 10 tấn lợn chết, phải tiêu huỷ. “Đến thời điểm hiện nay (ngày 11/10), huyện Quế Phong vẫn còn 3 xã, thị có ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, đó là xã Châu Thôn, Đồng Văn và Tiền Phong. Rải rác ở một số xã khác có xảy ra dịch song số lượng ít, chỉ một hộ như ở Đồng Văn, thị trấn Kim Sơn”.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cũng cho biết thêm, dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch khó kiểm soát và lây lan nhanh chóng, khó xử lý dứt điểm mầm bệnh nếu người dân thiếu ý thức, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch một cách triệt để. Cụ thể, khi xuất hiện ổ dịch, cần phải khoanh vùng cách ly chuồng trại, vật nuôi, hạn chế đối tượng vào, ra khu vực có lợn bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, khi người chăn nuôi vào vùng chuồng trại có dịch cũng phải đảm bảo khử khuẩn tư trang; vệ sinh chuồng trại hàng ngày và sau mỗi lần cho vật nuôi ăn. Đối với lợn bị chết do dịch, ngoài chôn lấp đúng quy định thì khu vực chuồng nuôi và nơi chôn lấp gia súc bị bệnh vẫn phải khử trùng liên tục ít nhất 7 ngày, rắc vôi và dung dịch sát khuẩn đúng liều lượng, phạm vi quy định.
Để giảm thiểu thiệt hại, ngăn dịch lây lan, các cấp, ngành ở huyện Quế Phong còn phối hợp các lực lượng để kiểm soát người, phương tiện ra, vào các địa bàn có dịch và liên xã, bản có nguy cơ. Đã có một số trường hợp bán hàng rong vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh bị các lực lượng chức năng địa phương xử phạt. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc gia cầm huyện Quế Phong cũng đã cho các hộ dân ký cam kết thực hiện nghiêm phòng, chống dịch và xử phạt các trường hợp không tuân thủ.
Cũng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo chung của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cấp, ngành ở các địa phương khác, ngoài tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa phát thanh, qua các kênh hội nhóm, chính quyền các địa phương đều lập ban chỉ đạo, lập các chốt kiểm dịch và cử các đoàn công tác về cơ sở nắm tình hình, hỗ trợ chỉ đạo kịp thời, hạn chế dịch lây lan. Ví như tại xã Yên Hoà (Tương Dương), dù đã có các địa phương giáp ranh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, song trên địa bàn xã đàn vật nuôi vẫn an toàn một phần nhờ triển khai ngăn ngừa kịp thời.
Ông Lô Văn Thẩm - Trưởng bản Yên Tân, xã Yên Hoà cho biết, khi có thông tin các xã bên cạnh có dịch tả lợn châu Phi, theo chỉ đạo của UBND xã, thôn bản đã cử tổ công tác nhắc nhở tận các hộ gia đình thực hiện rắc vôi khử trùng, tăng cường thức ăn cho vật nuôi để tăng khả năng phòng dịch. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng tự giác thực hiện hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, sử dụng đồ bảo hộ khử khuẩn khi vào chuồng trại. Nhờ vậy, đến nay bản Yên Tân có 149 hộ, hầu hết các hộ đều có nuôi lợn, song chưa có hiện tượng vật nuôi bị nhiễm dịch.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, ngoài thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương xã, bản thực hiện các quy định phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, huyện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng dịch bệnh vụ Xuân cho gia súc, gia cầm. Tổng đàn lợn của huyện đạt trên 25.800 con, đến nay huyện đã triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân 2024 với tổng số 46.251 liều vắc-xin các loại. Trong đó đã tiêm được 2.650 liều vắc-xin phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.