Giáo dục

Các khoản thu đầu năm học phải đúng hướng dẫn và sát với thực tế

Mỹ Hà 08/10/2024 14:35

Sau những cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới, dư luận lại xôn xao vấn đề “thu – chi” và xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, để đảm bảo công khai, minh bạch, thì việc triển khai các khoản thu phải được thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn và sát với thực tế của từng địa phương, từng nhà trường.

Trường vùng khó linh hoạt trong vận động tài trợ

Đợt mưa to vào giữa tháng 9 vừa qua khiến Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2 (Nam Đàn) bị ngập gần 1 tuần. Khi học sinh đi học trở lại sau nhiều ngày bị gián đoạn, phụ huynh không khỏi lo lắng vì trường nằm ở vùng trũng thấp, hàng năm đều chịu ngập lụt, trường nhanh xuống cấp.

Về phía Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2 cũng trăn trở vì trường được sáp nhập từ nhiều xã và còn phải duy trì 2 điểm trường, nên việc đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa cũng chỉ được phần nào, vì phụ huynh chủ yếu sống bằng nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn nhiều vất vả.

ảnh - Mỹ Hà (5)
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2 (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

Để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy và học, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2 đã làm khá tốt công tác vận động tài trợ từ các doanh nghiệp và các mạnh thường quân.

Công trình giá trị nhất chính là dãy phòng học và dãy nhà hiệu bộ được Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm – một người con của xã đầu tư từ năm 2003 và tiếp tục cấp ngân sách để tiến hành tu sửa qua các năm.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã kêu gọi huy động ngoài để mua sắm cơ sở vật chất, xây dựng quỹ khuyến học cho nhà trường. Cuối tháng 9 vừa qua, qua các mạnh thường quân, nhà trường cũng đã vận động được 20 bộ máy tính trị giá 200 triệu đồng để trang bị phòng Tin học cho nhà trường.

ảnh - Mỹ Hà
Tiết học thư viện của học sinh Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2. Ảnh: Mỹ Hà

Do những đặc thù riêng nên ban giám hiệu nhà trường xác định, nguồn thu từ xã hội hóa sẽ không nhiều. Trong khi đó, hàng năm trường phải đầu tư đến 2 điểm trường cần một số tiền rất lớn. Để đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu, trước khi vào năm học mới, nhà trường tiến hành khảo sát, đánh giá cơ sở vật chất và lên kế hoạch cụ thể cho từng hạng mục cần đầu tư và công khai trên bảng tin của nhà trường để phụ huynh nắm bắt. Quá trình thực hiện sẽ tuyên truyền, vận động để phụ huynh hiểu rõ chủ trương và cùng chung tay thực hiện. Những khoản lớn hơn nhà trường sẽ chủ động kêu gọi các nhà tài trợ ngoài để bớt gánh nặng cho phụ huynh.

Cô giáo Lê Thị Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2 (Nam Đàn)

ảnh - Mỹ Hà (2)
Phòng đọc thông minh từ nguồn tài trợ của Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương). Ảnh: Mỹ Hà

Nằm ở vùng khó khăn nhất của huyện Thanh Chương, Trường THPT Đặng Thai Mai cũng không thuận lợi trong việc vận động xã hội hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tất cả các chủ trương của nhà trường đều được phụ huynh trong vùng ủng hộ. Cụ thể, mỗi năm nhà trường vận động được từ 500 – 700 triệu đồng từ nguồn đóng góp của phụ huynh để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho học tập. Song song với đó, bằng sự kết nối của ban giám hiệu nhà trường, nhiều nhà tài trợ là cựu học sinh, con em trên địa bàn cũng đã chung tay góp sức cho sự học của con em xã nhà.

ảnh - Mỹ Hà (3)
Thư viện của Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương). Ảnh: Mỹ Hà

Gần đây nhất, Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương) được tài trợ 1 thư viện điện tử, tài trợ bàn học cho học sinh, sân vận động nhà trường. Về phía các lớp học, hội phụ huynh các lớp cũng chủ động vận động để mua sắm ti vi, quạt và các vật dụng khác để phục vụ trong từng lớp.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng với mục đích Nhà nước và Nhân dân cùng đóng góp, cùng xây dựng. Để tạo được lòng tin từ phụ huynh, học sinh, nhà trường xác định việc đầu tư cơ sở vật chất phải phục vụ đúng mục đích, phải công khai, minh bạch. Quá trình triển khai không nóng vội, đúng nguyện vọng phụ huynh, thiết thực và sát với điều kiện kinh tế, tránh trường hợp duy ý chí, đánh nhanh, rút gọn. Những khoản tài trợ trong từng lớp học sẽ do các lớp tự triển khai, tự quản lý và sau khi kết thúc khóa học, các lớp sẽ được chủ động để thanh lý tài sản.

Thầy giáo Lê Văn Thành – Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai

Đúng mục đích và đảm bảo thu đúng - chi đúng

Sau gần 1 tháng bước vào năm học mới, đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp phụ huynh và công bố các khoản thu đầu năm. Ngoài các khoản thu theo quy định như học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền xe đạp, phụ huynh quan tâm nhiều đến các khoản xã hội hóa (vận động tài trợ), tiền quỹ lớp, quỹ hội.

bna_anh-my-ha-1-99eed0ca3a81709223a8da5f680bbacc.jpg
Khuôn viên Trường THCS Khánh Sơn (Nam Đàn) do phụ huynh đóng góp và xây dựng. Ảnh: Mỹ Hà

Ngay khi bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn thu chi, trong đó, có quy định rõ các khoản thu bắt buộc, các khoản thu tự nguyện và một số các khoản thu khác theo quy định.

Nói về công tác xã hội hóa đầu năm học mới, anh Trần Văn Hòa – phụ huynh ở xã Nghi Kim (thành phố Vinh) cho biết: "Năm nay con tôi vào lớp 6 nên việc đóng góp nhiều hơn các bậc học khác do hầu hết các trang thiết bị trong lớp đều phải mua sắm lại từ đầu. Là phụ huynh tôi ủng hộ chủ trương của lớp, của nhà trường, vì việc mua sắm trong lớp là để phục vụ cho việc học của các con. Các khoản thu còn lại, tôi nghĩ, nếu thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn thì sẽ nhận được sự đồng tình".

Trên các diễn đàn, vấn đề thu – chi cũng được nói đến khá nhiều. Trong đó, được đề cập nhiều nhất chính là các khoản đóng góp về quỹ hội, quỹ lớp, tiền xã hội hóa, tiền sổ liên lạc điện tử. Một số ý kiến lại băn khoăn khi năm học nào các lớp cũng phải đóng tiền để mua sắm lại tủ, quạt, điều hòa...

Qua thực tế triển khai ở các nhà trường, năm nay, việc thực hiện các khoản thu được thực hiện khá bài bản nhằm hạn chế ít nhất tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong dư luận.

ảnh - Mỹ Hà (4)
Giờ học của học sinh Trường THCS Khánh Sơn (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

"Trường có 3 hình thức vận động bằng hiện vật, ngày công hoặc bằng tiền mặt. Tuy nhiên, để nhận được sự đồng tình, chúng tôi xác định việc triển khai phải đảm bảo quy định, quy trình và nguyên tắc mà các văn bản quy định trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân".

Thầy giáo Đặng Ngọc Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Sơn (Nam Đàn)

Liên quan đến việc thực hiện các khoản thu, nhất là các khoản xã hội hóa, theo quy định các nhà trường phải khảo sát, xây dựng kế hoạch và phải được chính quyền địa phương, các phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt mới được triển khai. Để bớt áp lực cho phụ huynh, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường phải giãn các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong một thời điểm. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích chế độ miễn, giảm các khoản thu cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có thanh, kiểm tra việc thực hiện thu - chi tại các nhà trường và nếu vi phạm, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm. Trong hướng dẫn của sở cũng yêu cầu việc vận động tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm). Ngoài ra, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo

Mới nhất

x
Các khoản thu đầu năm học phải đúng hướng dẫn và sát với thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO