Các làng nghề Nghệ An linh hoạt tiếp cận thị trường

Thanh Phúc 31/08/2022 08:46

(Baonghean) - Thời gian qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình tích cực nhằm thích ứng linh hoạt, mở ra hướng đi mới trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Đó là đa dạng mẫu mã sản phẩm, chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng thương mại điện tử…

Đa dạng hóa các sản phẩm

Các hộ sản xuất hương thẻ Tây Lân ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc) chủ động thay đổi mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng thị trường. Ảnh: Thanh Phúc

Từ đầu năm đến nay, các hộ sản xuất hương thẻ ở Làng nghề hương thẻ Tây Lân, xã Nghi Trường (Nghi Lộc) tất bật với các đơn hàng trong nước và từ nước bạn Lào. “Trước đây, doanh thu chủ yếu dựa vào vụ sản xuất Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tháng Giêng. Nhưng giờ đây, đơn hàng hầu như quanh năm, bán trong tỉnh, sang các tỉnh bạn và xuất sang Lào. Trung bình mỗi ngày, xưởng bán khoảng 3.000 - 5.000 thẻ hương ra thị trường; riêng đầu năm đến nay, đã xuất sang Lào gần 70 vạn thẻ”, chị Nguyễn Thị Lý, chủ hộ sản xuất hương ở Làng nghề hương thẻ Tây Lân cho biết.

Theo các hộ sản xuất ở làng nghề, sở dĩ, hương thẻ Tây Lân ngày càng chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng là nhờ các hộ sản xuất đã từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất để đạt năng suất cao hơn, cây hương được đều hơn, đẹp hơn. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất phải luôn giữ được chữ tâm, chữ tín, sản xuất sạch từ nguyên liệu, quá trình làm và đóng gói.

Hợp tác xã làng nghề Mây tre đan bản Diềm chú trọng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Ảnh: Thanh Phúc

“Thay vì sử dụng hóa chất độc hại, làm hương đậu tàn thì bà con Làng nghề hương thẻ Tây Lân lại lựa chọn làm hương từ các nguyên liệu thảo mộc, không ngâm tẩm hóa chất. Do đó, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu hàng năm từ sản xuất hương thẻ tăng đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động và gần 200 lao động thời vụ với thu nhập khá”, ông Nguyễn Đoàn Tấn - Phó Làng nghề hương thẻ Tây Lân chia sẻ.

Có thời gian, Làng nghề Mây tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) đứng trước nguy cơ “xóa sổ” khi sản phẩm không thể cạnh tranh nổi với các mặt hàng cùng loại được sản xuất đồng loạt, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ trên thị trường. Trước thực trạng đó, mỗi thành viên làng nghề đều trăn trở tìm cách để thay đổi, thích ứng với thị trường.

Bà Lang Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề Mây tre đan bản Diềm cho biết: “Sau khi họp bàn thì chúng tôi nhận thấy, để cứu vãn làng nghề thoát khỏi bế tắc là phải thay đổi từ chính các sản phẩm mà mình làm ra. Giờ mâm mây, ghế mây hay rổ, rá mây tre không còn thịnh hành, không được ưa chuộng không cạnh tranh nổi với hàng nhựa, hàng i-nox thì chuyển sang đan những sản phẩm tinh xảo hơn, đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm để bán ra thị trường.

Mẫu mã đa dạng, phong phú, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng đã "cứu" Hợp tác xã làng nghề Mây tre đan bản Diềm khỏi nguy cơ bị mai một. Ảnh: Thanh Phúc

Do đó, chúng tôi đã học, đã mày mò đan hộp đựng mỹ phẩm, túi xách, hộp đựng đồ dùng học tập, đĩa đựng hoa quả, các vật dụng trang trí nội thất với hoa văn hiện đại, mẫu mã đa dạng… Nhờ đó, dần dần, các sản phẩm làng nghề của chúng tôi được thị trường đón nhận, đơn đặt hàng nhiều hơn".

Đa dạng mẫu mã, phù hợp thị hiếu khách hàng được xem là một trong những yếu tố sống còn giúp sản phẩm làng nghề cạnh tranh với thị trường. Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất làng nghề như dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu); mây tre đan bản Diềm (Con Cuông); hương thẻ Tây Lân (Nghi Lộc); làng nghề mộc Thuận Giang, Nam Thắng (Quỳnh Lưu); chế biến hải sản Bình Minh (TX Cửa Lò)… đã chọn phát triển theo hướng này.

“Để làng nghề sống được các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cần tái cấu trúc sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, soát xét lại danh mục sản phẩm hiện có, cần xác định những sản phẩm chủ lực cần duy trì, phát triển, những sản phẩm không có thị trường thì nên kiên quyết loại bỏ. Phải ứng dụng công nghệ mới, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu đổi mới mẫu mã, khai thác thị trường…”.

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn.

Kết nối thương mại điện tử gắn với phát triển du lịch

Làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh (bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ). Ảnh: Thanh Phúc

Những năm gần đây, thương mại điện tử trở nên khá sôi động, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Nhờ đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến và giao dịch trên sàn thương mại điện tử một số làng nghề có mức tăng trưởng tốt.

Tại nhiều cơ sở làng nghề, doanh thu từ thương mại điện tử chiếm bình quân 50% tổng doanh thu. Đơn cử, tại Làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh (bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ), nếu như trước đây, sản phẩm dệt thổ cẩm như chân váy, vỏ chăn, vỏ gối, khăn, túi… do bà con dệt ra bán cho đồng bào Thái ở các bản làng trong huyện, các huyện phụ cận, thì nay, nhờ quảng bá trên Zalo, Facebook, tham gia các sàn giao dịch nên sản phẩm dệt thổ cẩm Thái Minh ngày càng được đông đảo người dân biết đến.

Nhờ triển khai mô hình du lịch cộng đồng Homstay nên nhiều du khách đã đến bản tham quan, nghỉ dưỡng, sản phẩm dệt Thái Minh cũng có cơ hội được nhiều người biết đến. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Lào Thị Hải - Trưởng làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh cho biết: “Gần đây, sản phẩm dệt của bà con trong bản được kết nối tiêu thụ rộng hơn, ngoài thị trường nội tỉnh thì đã vươn ra các tỉnh bạn và sang cả nước bạn Lào. Đặc biệt, cũng nhờ triển khai mô hình du lịch cộng đồng Homstay nên nhiều du khách đã đến bản tham quan, nghỉ dưỡng, mua các sản phẩm dệt thủ công của làng nghề về làm quà nên sản phẩm dệt Thái Minh cũng có cơ hội được nhiều người biết đến”.

Cũng nằm trong xu thế chung về thương mại điện tử, 2 năm nay, Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) một mặt thay đổi mẫu mã sản phẩm, mặt khác đẩy mạnh các phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nước mắm Hải Giang trên các nền tảng số. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm làng nghề nước mắm Hải Giang 1 cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 lít nước mắm. Trong đó, có đến 30% sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử.

Mỗi năm Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 lít nước mắm. Trong đó, có đến 30% sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, ngoài đầu tư hệ thống hạ tầng, cảnh quan môi trường; tạo các điểm check-in cho du khách; xây dựng các gian hàng, quầy giới thiệu sản phẩm thì làng nghề cũng đã thay đổi dây chuyền sản xuất để du khách tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, thay thế bể chượp từ xi măng, nhựa sang chum, vại sành; đóng chai nhựa theo thể tích 1 lít, 2 lít, 5 lít sang chai thủy tinh với thể tích nhỏ gọn hơn, đóng gói trong các hộp giấy đẹp mắt, phù hợp cho khách du lịch, hàng làm quà biếu, tặng…

Đây là một bước tiến mới giúp làng nghề cải tiến dây chuyền sản xuất, cải thiện môi trường sản xuất, tiếp cận và mở rộng thị trường. Nhờ đó, doanh thu Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 đạt 30-40 tỷ đồng/năm, tăng 20% so với trước đây.

Việc chủ động thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề thông qua việc đổi mới mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trưng bày… đang được cơ sở sản xuất làng nghề triển khai mạnh mẽ nhằm kết nối khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng nghề chế biến hải sản Bình Minh (Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò). Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, thông qua các nền tảng mạng xã hội thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng trở nên rộng lớn hơn, không chỉ trong nước mà còn ra ngoài nước. Đồng thời, gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch đang được hình thành sẽ mở thị trường mới, tiềm năng mà các làng nghề có thể khai thác, nâng doanh thu, thu nhập cho lao động làng nghề…

Mới nhất
x
Các làng nghề Nghệ An linh hoạt tiếp cận thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO