Các nhà cung cấp cho ngành ô tô của châu Âu đã lâm vào ngõ cụt?

Hoàng Bách (Theo AFP) 06/05/2024 17:38

(Baonghean.vn) - Cú sốc kép từ việc ngừng sử dụng động cơ đốt trong và thế cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc đã buộc các nhà cung cấp châu Âu như Bosch, ZF và Webasto cắt giảm lao động…

503c5acc9762dfef95e44d13a0041c8d819891ee.jpeg
EU có kế hoạch cấm bán ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035, nghĩa là một số công việc chắc chắn sẽ trở nên dư thừa. Ảnh: AFP

Thay đổi và thích ứng

Emrullah Karaca đã có thâm niên 20 năm trong lĩnh vực chế tạo phanh xe, nhưng hiện tại người đàn ông này đang học cách lắp ráp máy bơm nhiệt, bởi nhà máy Continental nơi ông làm việc ở miền bắc nước Đức sắp phải đóng cửa.

Theo Continental, thương hiệu lốp xe nổi tiếng này sẽ cắt giảm khoảng 7.000 nhân công trên toàn thế giới. Hoạt động sản xuất linh kiện ô tô tại thị trấn Gifhorn của nước Đức sẽ chấm dứt vào năm 2027, sau đó chuyển sang Croatia, Cộng hòa Czech và xứ Wales để duy trì chi phí ở mức “cạnh tranh”.

Việc di dời này đồng nghĩa phải tìm một công việc mới đối với Karaca, hiện đã 49 tuổi, và ông cũng chỉ là một trong số ngày càng nhiều các công nhân tại các công ty cung ứng cho ngành ô tô quan trọng của Đức đang bị ảnh hưởng bởi “cơn sóng thần” mất việc làm.

Đối mặt với cú sốc kép của việc ngừng sử dụng động cơ đốt trong và thế cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, các nhà cung cấp châu Âu như Bosch, ZF và Webasto đều đã thông báo các đợt cắt giảmlao động - dần dà vấn đề này đã phủ bóng đen lên các cuộc bầu cử sắp tới của EU.

Brussels đã hứa sẽ có nhiều động thái hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong khối và giải quyết tình cảnh cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ châu Á với mức giá rẻ hơn.

Nhưng EU có kế hoạch cấm bán ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035, nghĩa là một số công việc chắc chắn cũng sẽ trở nên dư thừa.

Trở lại với việc đóng cửa nhà máy Continental ở Gifhorn sắp tới, đó là chất xúc tác để Karaca và 800 nhân viên khác đang làm việc ở đây bắt đầu đào tạo lại ở lĩnh vực khác.

Một công ty chuyên về hệ thống sưởi của địa phương, Stiebel Eltron, đã đề xuất tiếp quản địa điểm này và giữ lại một số nhân viên để phục vụ sản xuất trong tương lai.

Karaca, người có cả cha và mẹ đều từng làm việc cho Continental tại nhà máy này, cho biết: “Phanh xe hay bơm nhiệt, với tôi đều như nhau”.

Sản xuất ống xả, đèn pha, hộp số hoặc phanh từ lâu đã là một công việc ổn định, chỉ riêng ở Đức đã tuyển dụng khoảng 270.000 người.

Nhưng những công nghệ mà họ chuyên môn hóa nay đã lỗi thời và quá trình sản xuất ô tô chạy pin là một công việc ít ngốn nhiều lao động hơn.

Jutta Rump, giáo sư về kinh doanh tại Đại học Ludwigshafen, cho biết: “Nếu hiện nay bạn cần 100 người để sản xuất một động cơ bình thường thì với động cơ điện bạn chỉ cần 10 người”.

Tại Gifhorn, Stiebel Eltron đang mang đến triển vọng tạo thêm việc làm cho khoảng 300 nhân viên của Continental.

100 người khác có thể tìm được nơi trú ngụ ở tại một nhà máy di động của Siemens gần đó, chuyên cung cấp cho các công ty đường sắt.

Viễn cảnh kém sáng sủa

Những việc làm vẫn còn trụ được lại đang chịu sức ép ngày càng tăng từ các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, khi họ đang chiếm thị phần ngày càng tăng trên thị trường.

Theo công ty tư vấn Roland Berger, nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc đã phát triển trong thời gian ngắn để trở thành nhà cung cấp ô tô lớn thứ ba thế giới, trong lĩnh vực vẫn do Bosch dẫn đầu.

Theo một nghiên cứu của hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đức VDA, tại Đức, một trong ba công ty trong lĩnh vực này đang có kế hoạch chuyển một phần sản xuất ra nước ngoài trong những năm tới để cắt giảm chi phí.

“Lưỡi rìu” này đã giáng xuống đầu 3.400 công nhân tại nhà máy của Ford ở Saarlouis, phía Tây nước Đức.

Việc đóng cửa nhà máy kéo theo cả một mạng lưới các nhà cung cấp địa phương, những công nhân của họ đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 6 ngày hồi tháng 3 để đạt được các điều khoản trợ cấp mất việc tốt hơn.

Trong số đó, Luca Thonet, 33 tuổi, làm việc cho nhà cung cấp Lear của Ford, cho biết anh muốn ở lại khu vực, nơi gần với biên giới Pháp: “Nhưng hầu như không còn ngành công nghiệp nào trong khu vực và các nhà máy khác cũng không ở trong tình trạng ổn lắm”.

Thonet trích dẫn tình hình tại ZF, nhà cung cấp ô tô lớn thứ hai của Đức, nơi đã thông báo đóng cửa hai cơ sở tại thị trường nội địa.

Hội đồng công trình ZF lo ngại khoảng 12.000 việc làm có thể bị cắt giảm.

Đức có thể đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng như nhau.

Chuyên gia Rump cho biết trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm hay bán hàng “đang thiếu nhân sự có trình độ”. Tuy nhiên, ông nói rằng, đó không phải là điều đang diễn ra trong lĩnh vực sản xuất.

Mới nhất

x
Các nhà cung cấp cho ngành ô tô của châu Âu đã lâm vào ngõ cụt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO