Các quốc gia châu Á đang phát triển thành phố thông minh như thế nào?

Phan Văn Hoà 05/12/2022 10:54

(Baonghean.vn) - Thành phố thông minh (smart city) là thành phố kiểu mẫu, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ chính quyền quản lý và cải thiện điều kiện sống về mọi mặt cho người dân.


Thành phố thông minh hứa hẹn sẽ tạo ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội như cung cấp các nền tảng một cửa để người dân có thể truy cập tất cả các dịch vụ của Chính phủ, từ hồ sơ khai sinh và giao dịch thuế đến cập nhật thông tin về khoản vay thế chấp và quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân.

Về bản chất, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Trong khi nhiều quốc gia đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, các chính phủ cũng bắt đầu lập biểu đồ lộ trình cho các thành phố thông minh.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ chiếm 40% khoản đầu tư vào thành phố thông minh toàn cầu, tương đương 800 tỷ USD vào năm 2025.

Dưới đây là một số dự án thành phố thông minh đáng chú ý của các quốc gia khác nhau ở khu vực châu Á.

Nhật Bản

Một số thách thức xã hội liên quan mà Nhật Bản đang phải đối mặt ngày nay là sự gia tăng dân số già, giảm tỷ lệ sinh và dẫn đến số lượng dân số trong độ tuổi lao động giảm đi. Do đó, Nhật Bản đang tìm cách biến xã hội 5.0 thành hiện thực.

Hiện nay, tại Nhật Bản các công ty công nghệ lớn đã hợp tác với Chính phủ để xây dựng và phát triển các thành phố thông minh. Fujitsu – Công ty công nghệ hàng đầu của Nhật Bản hiện đang tham gia vào các dự án nhằm phát triển thành phố thông minh và cộng đồng thông minh tại hơn 20 khu vực.

Một trong số đó là ở thành phố Aizuwakamatsu, nằm trong vùng thảm họa do sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy hạt nhân Fukushima. Fujitsu đã hợp tác với chính quyền thành phố và một nhà cung cấp điện tại địa phương để có kế hoạch xây dựng một nền tảng CNTT-TT để hỗ trợ sự quan tâm rộng rãi đến năng lượng tái tạo, đồng thời đóng góp và kích thích nền kinh tế địa phương.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghệ Panasonic cũng đã xây dựng Thị trấn thông minh bền vững Fujisawa, nằm cách Thủ đô Tokyo chỉ 50 km về phía Nam. Đây là cộng đồng đầu tiên trong số 3 cộng đồng thông minh bền vững được xây dựng tại Nhật Bản.

Các mục tiêu của cộng đồng thông minh này là tự cung cấp năng lượng, đạt được bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tự nhiên khác. Ngoài ra, cư dân ở đó cũng được khuyến khích giảm thiểu rác thải và được cung cấp quyền truy cập vào các ứng dụng hiển thị mức độ tiêu thụ của họ cùng với các cách thức để giảm thiểu rác thải.

Một thành phố thông minh khác đang được triển khai là Fukuoka, nơi đang lên kế hoạch thực hiện tự động hóa bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như AI và robot. Để hợp lý hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe, Fukuoka đề xuất phát triển hệ thống y tế từ xa thông qua các mạng truyền thông tiên tiến, giúp truyền hình ảnh và âm thanh chất lượng cao trong quá trình khám sức khoẻ và phẫu thuật từ xa.

Tập đoàn công nghệ của Nhật Bản NEC cũng đã triển khai nền tảng hệ điều hành thành phố (City OS), với công nghệ độc quyền về sinh trắc học, phân tích dữ liệu AI, hệ thống quản lý nhận dạng cá nhân (ID) và bảo mật toàn lớp, kết hợp với công nghệ nguồn mở FIWARE để cung cấp các giải pháp độc đáo cho các vấn đề xã hội trong khu vực.

Hàn Quốc

Ảnh minh hoạ

Nhằm mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực thành phố thông minh, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ đầu tư 8,8 tỷ USD vào dự án phát triển thành phố thông minh, góp phần tạo thêm 150.000 việc làm mới cho tới năm 2025.

Songdo - thành phố thông minh đầu tiên trên thế giới được bắt đầu xây dựng vào năm 2003, cách trung tâm Thủ đô Seoul 65km, với diện tích 6,1km2. Tại đây, mọi bộ phận, dịch vụ và thiết bị đều được kết nối với nhau qua công nghệ vô tuyến, tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả rất cao. Điều này tác động rõ nhất tới việc điều hành giao thông, làm cho Songdo trở thành nơi hiếm hoi trên thế giới không có tình trạng tắc đường.

Seoul là thành phố thông minh nhất xét về mặt quản trị kỹ thuật số và dữ liệu công cộng. Hiện nay, thành phố có hơn 1.200 bộ dữ liệu mở cho công chúng và rất sáng tạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ người dân tham gia, chẳng hạn như hệ thống OASIS trực tuyến, cho phép công chúng đưa ra đề nghị lập các kế hoạch trực tuyến.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang phát triển các thành phố thông minh thí điểm, chẳng hạn như Sejong và Busan. Quốc gia này sẽ sử dụng các công nghệ mới bao gồm AI, chuỗi khối và 5G để phát triển các giải pháp sáng tạo như máy bay không người lái, xe tự lái và năng lượng thông minh.

Thành phố thông minh được xây dựng ở Sejong sẽ được xây dựng dựa trên công nghệ AI để nhằm mục đích thay đổi cuộc sống hàng ngày của công dân theo nhiều cách khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, đi lại, giáo dục, việc làm và năng lượng,...

Trong khi đó, thành phố thông minh Busan sẽ được xây dựng dựa trên dữ liệu lớn và công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality) nhằm phát triển một thành phố ven sông hiện đại tập trung vào các yếu tố như công nghệ nước, năng lượng và người máy.

Trung Quốc

Trung Quốc được xem là quốc gia đang dẫn đầu thế giới về phát triển thành phố thông minh, đang bắt tay xây dựng và phát triển 500 thành phố thông minh, chiếm gần một nửa tổng số thành phố thông minh của thế giới, trong đó có một số điển hình như Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu.

Thâm Quyến bắt đầu giới thiệu khái niệm thành phố thông minh của mình từ đầu năm 2010 và gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến, Huawei, là công ty công nghệ đầu tiên tham gia lĩnh vực thành phố thông minh.

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng thông minh đã cung cấp nhiều loại dịch vụ thông minh hơn cho người dân và doanh nghiệp. Một trong số đó là việc phát triển cơ sở hạ tầng cho các phương tiện tự lái. Dữ liệu từ chính quyền thành phố cho thấy rằng đến cuối năm 2021, Thâm Quyến đã mở một con đường dài 145 km để phục vụ cho việc thử nghiệm xe tự lái.

Thâm Quyến cũng là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra các quy định về phương tiện tự lái hoàn toàn, tức là không cần sự tương tác của tài xế. Cho đến nay, Thẩm Quyến đã cấp 93 giấy phép, trong đó có 23 giấy phép thử nghiệm không người lái với hành khách.

Thâm Quyến cũng đã kết hợp cơ sở hạ tầng chính và các dịch vụ của thành phố, triển khai một loạt dự án cho cư dân, cung cấp công nghệ thông minh cho các lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, giáo dục và hàng hải, cũng như toàn bộ cộng đồng.

Cùng với Huawei, họ sẽ phát triển một nền tảng quản lý hồ chứa thông minh để thực hiện giám sát tự động, báo cáo cảnh báo và quản lý hồ chứa thông minh. Công nghệ tiên tiến như thuyền không người lái điều khiển bằng 5G và các công cụ AI sẽ được sử dụng để bảo trì các hồ chứa.

Về các dự án giao thông đô thị lớn, thành phố cũng sẽ mở các tuyến tàu điện ngầm đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ máy tính và dữ liệu lớn để triển khai các hệ thống dịch vụ tàu điện ngầm khác nhau trong ngành vận tải đường sắt đô thị trong nước.

Khi nói đến chăm sóc sức khỏe, một số bệnh viện trong thành phố hiện có thể cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến và 22 bệnh viện đã được cấp giấy phép bệnh viện internet để cung cấp thêm dịch vụ tư vấn cho các bệnh thông thường và mãn tính.

Chính quyền Thâm Quyến cũng đang thúc đẩy sự tiến bộ của các dịch vụ được cá nhân hóa như giao thuốc trực tuyến, bác sĩ tại nhà trực tuyến và chăm sóc y tế qua Internet để cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng và thuận tiện hơn ngay tại nhà của họ.

Singapore

Tương lai đang mở ra cho Singapore khi quốc gia này tiếp tục tiến lên phía trước với sự phát triển quốc gia thông minh.

Theo bảng xếp hạng chỉ số thành phố thông minh (Smart City Index) năm 2021, Singapore là thành phố thông minh nhất thế giới trong năm thứ ba liên tiếp. Chỉ số thành phố thông minh của Singapore khác biệt ở chỗ mang tính toàn diện, không chỉ về công nghệ mà còn về mức độ hài lòng của người dân trong việc sử dụng công nghệ, coi phản hồi của người dân là một trong những thước đo.

Trong số các yếu tố làm nên thành công của các sáng kiến ​​quốc gia thông minh của Singapore là ứng dụng dữ liệu lớn cho quy hoạch đô thị và quản lý tài nguyên, triển khai thành công ID kỹ thuật số của công dân và hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) đang phát triển nhanh chóng.

Các Dự án Chiến lược Quốc gia của Singapore là cơ sở để hiện thực hóa tầm nhìn thành phố thông minh. Singapore hiện có nền tảng GoBusiness dành cho các doanh nghiệp trên toàn quốc để truy cập các tài nguyên và dịch vụ điện tử của chính phủ.

Singapore cũng đã hợp lý hóa các giao dịch tài chính của mình bằng cách tiếp tục phát triển một nền tảng kỹ thuật số đơn giản và an toàn hơn, hoạt động trên các hệ thống khác nhau.

Sáng kiến ​​quốc gia thông minh của Singapore cũng thay đổi cuộc sống của người dân bằng cách số hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cổng dịch vụ Sức khỏe tích hợp HealthHub của Singapore cho phép công dân truy cập vào tất cả các hồ sơ sức khỏe. Đây là ứng dụng di động với mục đích sử dụng công nghệ để kết nối tốt hơn với các tổ chức y tế, cung cấp các thông tin y tế, các dịch vụ trực tuyến của Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan cho người dân của Singapore.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đã cung cấp các nền tảng công nghệ thông minh để phục vụ cho tất cả người dân. Hệ thống nhận dạng kỹ thuật số quốc gia Singpass hiện có thể được sử dụng để truy cập hơn 2.000 dịch vụ cho hơn 4,5 triệu người dùng; ứng dụng này cũng được chấp nhận tại tất cả các cơ quan của chính phủ và hiện có sẵn bằng cả 4 ngôn ngữ chính thức. Trong khi đó, ứng dụng LifeSG cung cấp nền tảng một cửa để truy cập hơn 100 dịch vụ của chính phủ.

Ngoài các quốc gia kể trên thì các quốc gia khác ở khu vực châu Á cũng đang lên kế hoạch phát triển các thành phố thông minh trong tương lai gần. Chẳng hạn như Thái Lan mới đây phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với số tiền khoảng gần 37 tỷ USD tại một trung tâm công nghiệp gần Thủ đô Bangkok. Philippines cũng đang bắt đầu biến giấc mơ thành phố thông minh thành hiện thực, xác định các dự án thành phố thông minh là một phần trong cam kết của mình đối với Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, tạo điều kiện hợp tác phát triển các thành phố thông minh trong khu vực. Các dự án bao gồm nâng cấp trung tâm chỉ huy và dịch vụ chính phủ điện tử ở Metro Manila, hệ thống giao thông kỹ thuật số và hệ thống vận chuyển nhanh bằng xe buýt ở thành phố Cebu và sự hội tụ của hệ thống chỉ huy kiểm soát, giao thông thông minh, hệ thống giao thông và an ninh ở thành phố Davao.

Thành phố thông minh vẫn là mục tiêu trong tương lai để các thành phố hướng tới. Các chuyên gia cho rằng đây là xu hướng tất yếu trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Cần có những giải pháp để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội của quá trình đô thị hóa, và thành phố thông minh chính là giải pháp hữu hiệu nhất.

---

Tài liệu tham khảo

[1].https://www.telecomreviewasia.com/index.php/news/featured-articles/3048-rebuilding-the-future-a-glimpse-of-how-some-smart-cities-will-look-in-asia

[2].https://www.techtarget.com/iotagenda/definition/smart-city

Mới nhất

x
Các quốc gia châu Á đang phát triển thành phố thông minh như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO