Các vụ bạo hành học sinh: Người lớn lo bảo vệ mình, bỏ quên con trẻ?
Nhìn quá trình xử lý khủng hoảng trong các vụ việc bạo hành học sinh xảy ra tại trường học, hầu hết mọi vấn đề chỉ tập trung giải quyết chuyện của người lớn. Nạn nhân chính là trẻ em thì lại thêm một lần bị bỏ rơi...
Sau vụ việc 231 cái tát xảy ra tại trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), từ lãnh đạo, quản lý cho đến dư luận không khỏi sốt sắng, rốt ráo "vào cuộc" để xử lý sự việc.
Quản lý thì chờ báo cáo, tường trình, vào cuộc xử lý nghiêm, phối hợp với cơ quan công an trong việc khởi tố cô giáo; dư luận thì tò mò xem cô giáo sẽ bị xử lý thế nào, có người hùng hổ tuyên bố "nếu học sinh đó là con mình, mình sẽ tát cô giáo 231 cái"...
Phía nhà trường thì vội vàng làm mọi cách để bảo vệ nhà trường, giáo viên. Một lần nữa, sau chấn động khủng hoảng, các em học trò trong lớp lại phải thực hiện một phiếu khảo sát như "mớm cung".
Học sinh bị tát và tát bạn trong sự việc 231 cái tát cần được xin lỗi và hỗ trợ tham vấn tâm lý. |
Trong sự việc này, không chỉ học sinh bị tát, 23 học sinh tát bạn cũng là nạn nhân của vụ bạo hành. Các em bị truyền mầm mống bạo lực mà rồi đây rất khó nói các em xem việc hành xử bạo lực để giải quyết vấn đề là chuyện bình thường. Còn may mắn sau này các em "cưỡng" lại được hành vi bạo lực thì việc vung tay tát vào mặt bạn hôm nay sẽ trở thành nỗi ám ảnh khó có thể xóa nhòa trong ký ức, cuộc đời của các em.
Nhưng dường như ít ai để ý đến những tổn thương các em đang phải gánh chịu. Người lớn miệt mài với những công việc hành chính báo cáo rập khuôn, miệt mài tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Không thấy một lời xin lỗi nào dành cho các em! Việc hỗ trợ các em không những không được quan tâm mà còn bị từ chối.
Một tiến sĩ tâm lý nổi tiếng cho biết, khi xảy ra sự việc 231 cái tát, việc đầu tiên ông muốn làm là đến Quảng Bình để tham vấn cho các em học sinh. Nhưng đề nghị này đã bị từ chối vì... người lớn đang hoang mang, có nhiều việc phải làm hơn.
Trong hành trình này, ông được biết một số người công tác trong lĩnh vực tâm lý cũng có mong muốn làm một cái gì đó để giúp học trò trong sự việc 231 cái tát, hỗ trợ tập huấn cho giáo viên về phương pháp kỷ luật tích cực hoàn toàn miễn phí. Nhưng họ cũng bị từ chối.
Sự việc trên và rồi các vụ bạo hành khác trong giáo dục như cô giáo phạt trẻ uống nước vắt giẻ lau ở Hải Phòng, sự việc cô giáo chỉ đạo học sinh tát bạn ở Hà Nội, vụ cô giáo không giảng bài gần 4 tháng trời lên tiếng gây chấn động ở TPHCM... Người lớn quanh co, giải thích rõ ràng nhưng có một điều không thể phủ nhận: con trẻ, học trò chính là nạn nhân.
Trong quá trình xử lý khủng hoảng, chúng ta đã hoàn toàn bỏ rơi con trẻ. Không một ai đứng ra xin lỗi hay đặt sự quan tâm đến học trò, quan tâm đến những tổn thương của các em.
Giáo dục luôn nói lấy học sinh làm trung tâm - nhưng không, người lớn mới chỉ lo cho mình, lo bảo vệ mình nhiều hơn là để tâm đến con trẻ. Qua các vụ bạo hành giáo viên gây ra cho học sinh, khi sự việc "vỡ lở" thì phần lớn sự xin lỗi lại chỉ dành cho nhà quản lý, cho dư luận.
Chưa kể, có những vụ việc, học trò là nạn nhân nhưng lại bị xem như... thủ phạm. Em học trò trong sự việc bị xe taxi vào trường cán gãy chân ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội từng bị hiệu trưởng cho là nói dối, đặt điều. Nhiều giáo viên chối quanh chối cho là học trò bịa đặt cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ.
Trong sự việc cô giáo không giảng bài nhiều tháng trời ở TP.HCM, nữ sinh đứng ra lên tiếng về sự việc đã phải chịu rất nhiều áp lực. Nhiều người cho rằng, sự lên tiếng của em là quá đáng với cô giáo, ảnh hưởng đến nhà trường... Sau đó, gia đình đã quyết định chuyển trường cho em.
Nhưng còn bao nhiêu vụ bạo hành khác, các em phải đối diện hay vượt qua như thế nào khi các em không nhận được một lời xin lỗi, một sự hỗ trợ?
Một lời xin lỗi chân thành dành cho con trẻ của người lớn khi làm sai có thể giải quyết rất nhiều thứ. Không chỉ làm dịu những tổn thương trong các em, giúp các em lấy lại niềm tin ở người lớn mà chính người gây ra bạo hành sẽ nhẹ lòng đi phần nào. Vậy mà điều đó lại quá hiếm hoi ngay trong môi trường giáo dục, trong các vụ việc bạo hành trẻ...