Trong chuyến công tác tại xã Thạch Ngàn, huyện miền núi Con Cuông, ngoài chia sẻ về hiệu quả mô hình “Ngân hàng bò” do Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông chủ trì giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, cán bộ và người dân nơi đây còn “bật mí” về cách giúp nhau thoát nghèo cũng hiệu quả không kém. Đó là tổ chức chơi nhiều loại "phường" như "phường nhà", "phường lúa", "phường bờ rào".
“Không như cách chơi phường, hụi góp tiền mặt ở các huyện miền xuôi dễ gặp nhiều rủi ro, vỡ nợ, lừa đảo… thì dân bản chúng tôi chơi phường bằng các hình thức thiết thực hơn, đảm bảo người chơi luôn được hưởng lợi”, chị Lương Thị Thắng - Trưởng bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn kể.
Bản Đồng Thắng có 123 hộ dân, các hộ gia đình được chia thành 6 tổ liên gia, mỗi tổ có từ 15 - 23 hộ. Các tổ liên gia tự bầu tổ trưởng, tổ phó để điều hành, sinh hoạt và phổ biến các nội dung công tác của cấp trên, của cộng đồng thôn, bản. Cũng từ các cuộc sinh hoạt của tổ liên gia, việc hình thành các “phường” đã xuất hiện.
Theo người dân bản Đồng Thắng, hình thức tổ chức “phường” ra đời sớm nhất là tại Tổ liên gia số 1 với tên gọi “phường nhà”. Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp đến bản Đồng Thắng, có mặt tại Tổ liên gia số 1, được nghe người dân vui vẻ kể về những tác dụng tích cực của “phường nhà”.
“Phường nhà” của Tổ liên gia số 1 có 20 hộ tham gia. Trưởng bản Đồng Thắng Lương Thị Thắng chỉ tay về phía ngôi nhà ngói 3 gian khang trang, đối diện phía bên kia con đường liên thôn, bản cho biết, “đó là nhà ông Lô Văn Hùng, thuộc diện hộ nghèo, là hộ đầu tiên xây được nhà mới của phường nhà”.
Ngôi nhà của ông Hùng nằm bên mép con đường chính của bản, sơn màu vàng nâu chắc chắn và xung quanh cây cối xanh mơn mởn. Được biết, nhà của ông Lô Văn Hùng cách đây khoảng 5 năm còn là nhà tranh tre, nứa lá, khá xập xệ như nhiều hộ khác. Sau khi "phường nhà" của Tổ liên gia số 1 thành lập, các hộ thống nhất mỗi năm sẽ xây dựng, sửa chữa nhà cho 2 hộ gia đình. Và nhà ông Hùng là 1 trong 2 hộ đầu tiên được hưởng lợi.
Cách hoạt động của "phường nhà" này là hàng năm sẽ đóng góp vật liệu xây dựng giúp hộ được “bốc phường” các loại vật liệu gồm 1 tấn xi măng hoặc số lượng gạch ngói tương đương và toàn bộ ngày công xây dựng. Số kinh phí còn lại sẽ do chủ nhà lo liệu.
Khi hộ nhà ông Hùng được “bốc phường”, 9 hộ còn lại của “phường nhà” đã đóng góp xi măng và toàn bộ ngày công xây dựng. Mỗi nhà cử 1 lao động đến phụ giúp gia đình ông Hùng cho đến khi hoàn thành. Đàn ông thì trộn hồ, xây lắp, phụ nữ thì nấu nướng, dọn dẹp và phụ giúp các việc nhẹ hơn. Gia đình ông Hùng cho biết, năm 2015 gia đình đã làm lại nhà ở với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.
Từ 2 hộ đầu tiên được làm nhà vào năm 2015, đến năm 2023, "phường nhà" này đã có 10 hộ được nâng cấp, tu sửa nhà ở khang trang, sạch, đẹp hơn trước, đơn cử như các hộ Lương Thiện Thắng, Ngô Đức Quý, Ngô Thị Bình, Lương Thị Nhung, Lương Văn Bằng, Vi Văn Tự…
Hộ nào đã có nhà xây kiên cố thì xây dựng bờ rào, cổng chào, hoặc các công trình phụ như sân vườn, nhà bếp,… với mức đóng góp vật liệu như nhau, ngày công lao động thì tùy quy mô xây dựng, sửa chữa của chủ nhà.
Ở Tổ liên gia số 3, cách không xa Tổ liên gia số 1, các hộ gia đình nơi đây lại chọn tổ chức “phường bờ rào”. Phương châm mỗi năm sẽ xây dựng 2 bờ rào, bờ tường cho 1 - 2 hộ với cách đóng góp chủ yếu là ngày công lao động. Sở dĩ các hộ ở đây chọn thực hiện “phường bờ rào” vì hầu hết các hộ đã có nhà kiên cố, song lại ít nhà có bờ rào đẹp, chắc chắn. Sau 4 năm thực hiện, đã có 7/10 hộ có bờ rào, bờ tường sạch, đẹp.
Thấy được hiệu quả thiết thực của việc giúp nhau xây dựng nhà cửa, nâng cao đời sống, các tổ liên gia còn lại của bản Đồng Thắng cũng làm theo với các hình thức như “phường lúa”, “phường tiền”. Ví như Tổ liên gia số 4 và Tổ liên gia số 5 thực hiện “phường lúa”, mỗi vụ mùa tùy theo sản lượng mỗi hộ sẽ góp 1 hoặc 2 tạ lúa.
Chị Lô Thị Thúy ở Tổ liên gia số 4 cho hay, tổ có 20 hộ chia ra 2 “phường lúa”, mỗi phường 10 hộ. Mỗi năm, các hộ thường góp phường lúa 2 lần. “Ở Thạch Ngàn chủ yếu trồng lúa vụ xuân, còn lúa vụ mùa thì ít. Như vụ mùa năm 2023 này, phường không góp lúa vụ mùa vì nắng hạn lâu ngày, đất đai khô cằn, nứt nẻ, nhiều ruộng không có nước nên nhiều nhà đến giữa tháng 7 vẫn chưa gieo cấy lúa, khả năng phải bỏ vụ mùa. Đã 1 tháng nay, trên địa bàn xã Thạch Ngàn chưa có mưa. Cho nên, năm 2023 các hộ chỉ góp phường lúa vụ xuân".
Theo đó, sau khi thu hoạch lúa, phơi khô các gia đình sẽ góp phường mỗi hộ 2 tạ lúa. Mỗi năm có 2 gia đình được “bốc phường”, trung bình vụ xuân sẽ được khoảng 2 tấn lúa/hộ. Tùy nhu cầu sử dụng của mỗi nhà sẽ “xử lý” số lúa được góp. “Có hộ thì bán lấy tiền để mua sắm, trang trải các nhu cầu trong gia đình. Có hộ thì xay xát thành gạo một phần để sử dụng, một phần thì bán lấy tiền. Cách góp lúa vừa giúp các gia đình đảm bảo lương thực quanh năm, còn có thêm thu nhập để đầu tư mua sắm vật dụng gia đình, có hộ thì mua con giống để chăn nuôi”, anh Vi Văn Diệu - cán bộ UBND xã Thạch Ngàn cho biết.
Cũng trong dịp công tác ở xã Thạch Ngàn, chúng tôi theo chân cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông và xã Thạch Ngàn đến thăm các gia đình được tặng bò giống theo mô hình “Ngân hàng bò” của huyện Con Cuông, do Ủy ban MTTQ huyện chủ trì. Theo chương trình của “Ngân hàng bò”, mỗi hộ nghèo được lựa chọn triển khai sẽ được tặng bò giống trị giá 12 triệu đồng. Các hộ được nhận bò cũng cam kết về đầu tư xây dựng chuồng trại, đảm bảo nguồn thức ăn để bò phát triển, sinh sản (mỗi hộ có ít nhất 500m2 trồng cỏ voi).
Hộ chị Nguyễn Thị Hai là 1 trong những hộ ở bản Đồng Thắng được nhận bò giống theo mô hình “Ngân hàng bò”, và hiện nay bò đã sinh được 1 con bê. Chị Hai cho biết, cùng với mô hình hỗ trợ bò của Ủy ban MTTQ huyện, xã, tổ liên gia cũng đang triển khai thêm “phường bò” để giúp được nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo.
“Các cách chơi phường ở bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn hiện nay không chỉ mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế, mà còn giúp tình cảm xóm, làng ngày càng được thắt chặt, gắn bó hơn. Cũng từ đó, các phong trào, hoạt động ở cơ sở cũng ngày càng hiệu quả hơn”, ông Vi Văn Biên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Ngàn khẳng định.