Cách đặt tên con “có một không hai” ở làng biển Nghệ An

Hồ Viết Thịnh 22/03/2018 09:58

(Baonghean.vn) - Sinh nhiều con, cộng thêm quan điểm xưa cũ, người dân đã có những cách đặt tên con vô cùng độc đáo. Đó là câu chuyện ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai).

Tên siêu độc, siêu lạ

Theo các cụ cao niên ở phường Quỳnh Phương, địa phương này vốn là một vùng dân cư với phần lớn người dân sống dựa vào nghề biển. Cũng chính vì công việc đòi hỏi nhiều lao động mà người Quỳnh Phương có truyền thống sinh đẻ rất nhiều con. Việc một nhà có 8- 9 người con trước đây không phải là chuyện lạ.

Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tẩu, người mà dân địa phương cho biết là con trong một gia đình đông anh em, được bố mẹ đặt tên theo vần điệu, được cho là "siêu độc, siêu lạ". Tuy nhiên, ông Tẩu đi biển, tiếp chúng tôi chỉ có bà Nguyễn Thị Chính (vợ ông Tẩu) và các con.

Ảnh: Hồ Viết Thịnh
Bà Chính cầm trên tay chứng minh nhân dân của chồng. Ảnh: Hồ Viết Thịnh

Biết chúng tôi đến tìm hiểu về cách đặt tên của gia đình chồng, bà Chính cho biết: Ban đầu tôi mới về nhà chồng, nghe đọc hết tên của các anh chị em trong nhà tôi cũng không tin là thật, nhưng thấy chồng khẳng định lại và tìm hiểu thêm mới chắc chắn.

Bà Chính bấm ngón tay, cố hình dung ra đầy đủ thứ tự tên các anh chị em trong nhà chồng, theo đó từ con cả cho đến con út, các tên gọi lần lượt như sau: Sằn, Siu, Đíu, Tẩu, Lảu, Hoa, Cành, Đào,Việt. Để cho vần điệu hơn, người dân còn sắp xếp lại thứ tự theo cách đọc: Sằn Siu Đíu Tẩu Hoa Lảu Cành Đào.

Đang vui chuyện nhà chồng, bà Chính à lên một tiếng như nhớ ra điều gì đó quan trọng, rồi bà kể, thời bà đi bộ đội còn ở cùng với một cô bạn đồng hương có tên anh chị em mà mỗi lần kể lại ai cũng phải bịt mồm cười, đó là: Đánh, Đình, Đoàng, Xình, Xooàng, Phàng, Phoòng, Phèng.

Trò chuyện với nhiều người dân ở Quỳnh Phương chúng tôi còn sưu tập được không ít tên gọi độc đáo khác như: Biển,Vàng, Ngọc, Kim, Cương, Đô La hay Cúc,Phúc,Túc, Đúc,Thúc.

Đặc biệt, có gia đình còn đặt tên con kết lại thành câu: Hĩm, Hợi, Đợi, Chờ, Chực, Rình, Bưng, Chạy.

Hay như gia đình vợ chồng ông Phan Văn Giá và bà Phan Thị Loan đặt tên con theo tên các loại hoa quả như: Thị, Mơ, Mận, Đào,...

Có nhà lại đặt con theo một nghĩa như một sự kỳ vọng, mong mỏi: Thương, Nhớ, Đợi, Chờ, Vô, Duyên, Cần,Vượt.

Phiền vì tên lạ

Theo tìm hiểu, sỡ dĩ người Quỳnh Phương có cách đặt tên “không giống ai” một phần vì do sinh nhiều con, họ muốn có những cái tên theo vần điệu cho dễ nhớ, mặt khác cũng là theo quan niệm đặt tên con càng xấu thì càng dễ nuôi...

Theo bà Chính, việc chồng có tên lạ cũng có tí phiền phức. Ví dụ như khi còn bộ đội, mỗi khi viết thư cho ông bà đều phải giấu để đồng đội không biết, nhưng cũng chẳng giấu được mãi, đọc đến tên là tất cả cười ồ lên.

“Tôi nhớ nhất là có lần đưa ông ấy đi phòng khám. Người ta hỏi tên chồng tôi, tôi bảo ông ấy tên Tẩu, nói đi nói lại mấy lần mà người ta không nghe ra. Tôi phải cầm bút viết lên giấy mà họ còn phải hỏi lại xem đã đúng chưa”, bà Chính nói.

Ảnh: Hồ Viết Thịnh
CMND của bà Đíu. Ảnh: Hồ Viết Thịnh

Tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Đíu cách đó không xa, tiếp chúng tôi là con gái đầu của bà, chị Hồ Thơm. Cầm trên tay chiếc chứng minh nhân dân mới tinh của mẹ, chị Thơm kể: “Tên mẹ lạ thế nên cũng hay gặp trục trặc về giấy tờ. Như lần gần đây nhất mẹ đổi chứng minh nhân dân, mẹ khai tên là Nguyễn Thị Đíu, nhưng đã bị nhầm thành Nguyễn Thị Điếu. Cuối cùng mẹ phải đi làm lại”.

Hiện nay, người Quỳnh Phương không còn sinh đẻ ồ ạt như thế hệ trước nữa, tên gọi ngày nay cũng hiện đại hơn. Tuy nhiên, những cái tên độc, lạ của các bậc đi trước vẫn là câu chuyện vui được người dân kể lại với con cháu qua nhiều thế hệ.

Mới nhất

x
Cách đặt tên con “có một không hai” ở làng biển Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO