Cách làm sạch nước bị ô nhiễm sau bão

18/07/2017 10:23

(Baonghean.vn) - Sau bão, thiếu nước sạch là thực trạng phổ biến, để có nước an toàn sử dụng ngay, người dân nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý.

» Nghệ An: Gần 110.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt sau bão

Nước nhiễm bẩn - nguy cơ tiềm ẩn đáng sợ sau cơn bão

Nguồn nước sinh hoạt sau mỗi trận bão phần lớn lâm vào tình trạng ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng bởi rác, phân, xác động vật… theo nước lũ tràn vào các giếng khoan, bể chứa nước thông thường.

Rất nhiều vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong nước bị ô nhiễm.
Rất nhiều vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong nước bị ô nhiễm.

Trong thành phần của những bể nước bị nhiễm nước ở hồ, ao, sông, suối... ta có thể tìm thấy những sát thủ thực sự như Naegleria fowleri - hay còn gọi là amip ăn não, khuẩn lam Anabaena chuyên sản sinh chất độc thần kinh gây ngừng hô hấp.

Bên cạnh đó phải kể tới khuẩn E.coli trong phân động vật và Salmonella trong nước ô nhiễm, chúng gây ra rất nhiều căn bệnh đường ruột và tiêu hóa như thương hàn, tiêu chảy...

Đó là chưa kể tới các loại hóa chất, kim loại nặng, thuốc trừ sâu từ đất trồng cũng hòa chung nguồn nước. Nguy hiểm nhất có lẽ là asen (thạch tín) - một chất không màu, không mùi, không vị nhiễm trong nước nhưng gây tử vong nếu chỉ dùng một lượng bằng hạt ngô. Vậy làm thế nào để chúng ta loại bỏ được chất độc hại khỏi nguồn nước nhiễm bẩn?

Cách lọc nước sạch từ nước bị ô nhiễm sau bão

Trước tình hình rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh không có nước sạch để sử dụng sau bão, để có nước an toàn sử dụng ngay, người dân nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý.

1. Làm trong bằng phèn chua

Dùng phèn chua lọc nước là phương pháp truyền thống mang lại hiệu quả cao
Dùng phèn chua lọc nước là phương pháp truyền thống mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Internet

Dùng một miếng phèn chua bằng khoảng nửa đốt ngón tay hòa tan vào một gáo nước. Sau khi phèn tan, đổ gáo nước đó vào một xô, chậu đựng nước, khuấy đều, chờ khoảng 30 phút sau khi cặn đã lắng xuống dưới đáy thì gạn lấy nước trong. Nước làm sạch bằng phèn chua chỉ sử dụng để tắm rửa, cần được đun sôi hoặc khử trùng nếu sử dụng để ăn uống.

2. Đun sôi

Đun sôi nước là biện pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là không thể loại bỏ các khoáng chất độc hại hoặc các kim loại nặng không bốc hơi nếu lẫn trong nước.

Bạn có thể dùng vải bông y tế hoặc vải màn sạch để lọc bỏ cặn sau khi đun nước xong.

Đun nước sôi già trong khoảng thời gian 5 phút, khi đó nhiệt độ sẽ tiêu diệt được nhiều hơn các loại vi khuẩn
Đun nước sôi già trong khoảng thời gian 5 phút, khi đó nhiệt độ sẽ tiêu diệt được nhiều hơn các loại vi khuẩn. Ảnh: Internet

3. Khử trùng bằng viên nén lọc nước và hóa chất xử lý nước

Viên Cloramin B hoặc Cloramin T: Hòa tan 1 viên Cloramin B hoặc Cloramin T vào một gáo nước, rồi đổ vào bể chứa nước và khuấy đều. Nước phải có mùi clo mới có tác dụng. Đợi khoảng 30 phút sau là có thể sử dụng được. Một viên Cloramin B 0,25g có thể làm sạch được khoảng 25 lít nước. Tuy nhiên, cần lưu ý, nước dùng để khử trùng không được lấy nước trực tiếp từ sông, suối, ao hồ mà phải sử dụng nguồn nước sau khi đã được làm trong.

Viên Aquatabs: Cho 1 viên Aquatabs 50mg vào chậu chứa nước trong khoảng 15 lít nước, đậy nắp lại, để khoảng 30 phút là có thể dùng được. Đây cũng là một loại hóa chất khử trùng bằng dưới dạng viên nén. Nước khử trùng bằng Aquatabs có thể sử dụng để ăn uống trực tiếp, tuy nhiên nên đun sôi trước khi uống.

Nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Ảnh: Internet
Nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Ảnh: Internet

Chlorine và iodine: Hai hóa chất thường dùng là chlorine (hay còn gọi là thuốc tẩy) và iodine có tác dụng diệt khuẩn. Chlorine và iodine chỉ dùng để khử trùng nước giếng sau khi đã làm trong. Với mỗi lít nước cho khoảng 10 giọt chlorine. Có thể dùng gấp đôi nếu nước đục hay có màu. Đối với iodine, cho 5 giọt iodine 2% vào khoảng 1,5 lít nước.

Hóa chất khử trùng phải khuấy thật kỹ, sau đó để yên trong vòng 30 phút. Nếu chưa thấy mùi clo, cần cho thêm hóa chất vào. Nước sau khi được làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Cần phải kiểm tra nguồn nước sau mưa lũ có bị ô nhiễm, có sử dụng được không để có các biện pháp xử lý nước đảm bảo an toàn

Lưu ý:

Không tiến hành khử khuẩn đồng thời với sử dụng phèn chua vì phèn sẽ hấp thụ clo, làm mất tác dụng của clo.

Khi khử khuẩn, nước phải có mùi clo mới đạt yêu cầu.

Trong trường hợp cho quá liều lượng viên nén lọc nước hoặc hóa chất khử trùng, cần đợi để nước bớt mùi nồng của clo mới sử dụng.

Khi tiếp xúc với các hóa chất khử trùng, phải trang bị găng tay cao su, khẩu trang,...

Các biện pháp làm trong và khử trùng nước giúp người dân có được nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh tại chỗ trong mùa mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh dịch bệnh.

Ngoài ra, các biện pháp vệ sinh thông thường khác cần được thực hiện như đun nấu kĩ thức ăn, nước uống, không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, thu gom rác thải hoặc lao động,…Đồng thời, người dân cũng cần sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch để hạn chế tình trạng thiếu nước./.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cách làm sạch nước bị ô nhiễm sau bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO