Cách mạng Tháng Tám và tinh thần đoàn kết để đẩy lùi đại dịch Covid-19 hôm nay
Bài học về tinh thần đoàn kết từ Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đến ngày hôm nay khi cả nước đang đồng lòng quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và cuộc sống của hàng triệu gia đình Việt Nam, tạo nên một bức tranh chưa từng có trong lịch sử đất nước.
Nhưng trong chính hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, hy vọng lại được thắp sáng. Đó là ánh sáng của tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, của sự sẻ chia, của tinh thần tương thân, tương ái.
“Đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa”
Đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản”.
Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
76 năm qua kể từ ngày giành được độc lập, chính tinh thần đoàn kết keo sơn của hàng triệu người dân Việt Nam đã đưa con thuyền đất nước đi qua bao cuộc xâm lăng, giành thắng lợi trước những kẻ thù lớn mạnh rồi lại ghi những dấu ấn đậm nét trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đoàn kết đánh giặc, đoàn kết để chống chọi với thiên tai và nay, lại đoàn kết để đầy lùi dịch bệnh.
Tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trước hết được thể hiện trong sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cho đến địa phương đều thống nhất nhận thức: Phải chặn bằng được dịch bệnh để nhân dân sớm quay trở lại với “trạng thái bình thường mới”, khôi phục sản xuất, đời sống để trẻ em lại được đến trường, người lớn lại quay trở lại cơ quan, nhà máy, công xưởng.
Trong thư gửi lực lượng tuyến đầu ngày 2/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Hơn 500 ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây ra nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng không làm giảm tinh thần vì cộng đồng của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tôi cảm nhận được tinh thần của những phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"… của những năm xưa như càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các anh, các chị "sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Nhân dân và Tổ quốc cần".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, động viên các lực lượng phòng chống dịch, đội ngũ cán bộ, y tá, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vũ Khuyên |
“Giãn cách xã hội, nhưng tình người lại gần hơn”
Tinh thần đoàn kết của dân tộc, sự hi sinh thân mình vì người khác không chỉ thể hiện trong hành động của các lực lượng tuyến đầu mà còn lan tỏa khắp các hang cùng, ngõ hẻm. Tuy giãn cách xã hội nhưng tình người lại gần gũi nhau hơn.
Nhiều “bếp lửa” ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp thực phẩm cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch; các máy ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM Oxy được đưa vào sử dụng; phong trào vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo, hộ cận nghèo…; “Gian hàng 0 đồng”, “ Bếp ăn yêu thương”, “Siêu thị nghĩa tình”; “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân”, “Quà đến tận nhà”, “Giao hàng tình nguyện”, chốt “Bảo vệ vùng xanh”… được hình thành và nở rộ ở nhiều địa phương.
Ông Lương Văn Sâm, một hộ người ở bản Minh Thành, xã Lượng Minh cho biết “Nhà tôi vốn đã nghèo dịch bệnh lại càng khó khăn hơn. Nếu như không có cấp trên hỗ trờ thì không biết gia đình chúng tôi phải xoay xở thế nào”. Ảnh tư liệu: Đình Tuân