Cách phòng chống nguy cơ cháy xe ô tô, đặc biệt trong những ngày nắng nóng
Giữa cao điểm của mùa hè, nguy cơ cháy xe ôtô ngày càng gia tăng.
Hà Nội liên tiếp xảy 2 vụ cháy ô tô trong cùng một ngày. Trong khi đó, thời gian qua, trên địa bàn cả nước cũng xảy ra hiện tượng xe ôtô bốc cháy khi vừa mới khởi động, có xe bốc cháy khi đang di chuyển trên đường, có xe bốc cháy khi vừa dừng lại hoặc để trong nhà, dừng đỗ ở nơi công cộng... Hiện tượng này rất đa dạng, phức tạp vì các phương tiện gặp sự cố bao gồm cả xe cũ lẫn xe mới sử dụng.
Trong hai vụ cháy xe ôtô vào trưa ngày 17.5, tại quận Đống Đa và Ba Đình (Hà Nội), một vụ được xác định nguyên nhân do chập điện.
Theo đó, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo cho người dân người dân về các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra cháy xe ôtô, xe máy trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục những ngày qua.
Vụ cháy xe ôtô trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) vào chiều ngày 17.5.2023. Ảnh: Bộ Công an |
Cụ thể, để bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, Bộ Công an khuyến cáo người sử dụng phương tiện không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… hoặc nếu lắp thêm phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và chỉ thực hiện ở những nơi uy tín, chất lượng; thường xuyên chủ động kiểm tra để kịp thời phát hiện dấu hiệu khác thường (khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét). Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Mặt khác, chủ phương tiện nên sử dụng nhiên liệu đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh; không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ. Chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.
Về vấn đề cháy nổ xe ôtô, theo kỹ sư Lê Văn Tạch, đám cháy thường xuất phát từ hệ thống điện trên xe không đảm bảo an toàn. Nguyên nhân có thể do bị chuột cắn, do đấu nối thêm không đảm bảo, hoặc cũng có thể có bu lông tiếp mát không được vặn đủ lực. Trên mỗi xe ôtô có hàng trăm vị trí siết lực quan trọng mà đôi khi chỉ một trong số đó không đúng tiêu chuẩn có thể gây ra tác hại rất nghiêm trọng.
Một số chuyên gia cho biết, một trong số lý do gây hoả hoạn bắt nguồn từ nhiều lái xe giữ thói quen hút thuốc trên ôtô. Khi đó, tàn thuốc có thể bay vào những phần dễ cháy, làm tăng rủi ro cháy nổ.
Một thói quen khác cũng có khả năng làm tăng nguy cơ cháy nổ. Ngoài bật lửa, những những vật dụng tưởng như vô hại như lọ nước hoa, bình xịt thơm cũng có khả năng phát nổ nếu nhiệt độ ngoài trời nắng nóng.
Trong những ngày mùa hè, nhu cầu đi chơi xa tăng cao. Điều này có nghĩa, chiếc xe phải liên tục hứng chịu nắng mặt trời và nhiệt độ từ mặt đường hắt lên, cộng với nhiệt lượng tỏa ra khi vận hành xe.
Sau khi di chuyển quãng đường khoảng 100km, nên cho xe nghỉ tầm 15-20 phút để làm giảm nhiệt độ khoang xe. Nên đỗ xe vào bóng mát. Lúc khởi động xe, chủ phương tiện nên kiểm tra kỹ nước làm mát.
Khi phát hiện xe bốc khói, không được mở nắp capo vì sẽ tiếp thêm ôxy cho ngọn lửa cháy lớn hơn nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thiết bị chống cháy./.