Cách phòng tránh bị ngạt khói khi gặp hỏa hoạn
(Baonghean.vn) - 13 người chết ở chung cư Carina được xác định nguyên nhân chủ yếu do ngạt khói. Vậy phải làm gì để không bị ngạt khói khi gặp hỏa hoạn.
13 người chết, 28 người bị thương, 13 ôtô và 150 xe máy cháy rụi trong vụ hỏa hoạn tại chung cư 20 tầng ở quận 8, TP HCM rạng sáng nay.13 người chết ở chung cư Carina chủ yếu do ngạt khói
Nguyên nhân tử vong do ngạt khói
Khi hít phải khói, con người sẽ bị thiếu oxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, lâu dần yếu đi. Cùng đó, một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp. Nặng hơn, ngạt khói có thể gây co giật, bất tỉnh.
Theo tác dụng hóa sinh trong cơ thể, khi đi vào trong cơ thể, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Ảnh: Internet |
Cách nhận biết người bị ngạt khói
- Triệu chứng tổn thương bị ngạt khí là khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da, lông, tóc… nặng thì bỏng đường thở, rối loạn các chức năng do nhiễm độc khí.
- Nếu nhẹ, thường có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu.
- Ở mức độ trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu.
- Nặng sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong.
Những trường hợp tử vong do ngạt khí thường diễn ra rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.
Cách sơ cứu khi nạn nhân bị ngạt khói
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.
- Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng.
- Trong quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.
Cách sơ cứu khi bị ngạt khói. Nguồn Internet |
Cách phòng tránh ngạt khói khi hỏa hoạn
Bình tĩnh: Khi thấy cháy, bạn không được hoảng sợ. Điều đầu tiên bạn làm là phải thật bình tĩnh, gọi điện ngay báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (114). Tiếp đó, tìm cách chạy ra ngoài khu vực ban công hoặc sân thượng để tìm sự giúp đỡ.
Xác định nguồn khói: Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Đặc biệt, không sử dụng thang máy để thoát hiểm khi tòa nhà xuất hiện cháy.
Nếu trường hợp khói xuất phát từ các tầng dưới, điều đầu tiên bạn cần phải làm là di chuyển nhanh xuống dưới và thoát ra ngoài ( nếu bạn ở tầng thấp). Nhưng nếu ở tầng cao, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát.
Xác định hướng gió: Mục đích của việc xác định hướng gió là để chọn góc lánh nạn hợp lý, làm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói thổi....
Dùng khăn ướt che kín mũi để thoát ra ngoài: Trong trường hợp người dân bị lửa bao vây thì phải bình tĩnh tìm lối thoát ra ngoài. Trước khi thoát ra ngoài phải làm ướt mình, lấy khăn ướt che kín, miệng, mũi. bởi lúc này, tấm vải sẽ trở thành mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn.
Cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển. Nguồn Internet |
Cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển: Khói thường nhẹ hơn không khí nên thường bốc lên cao. Vì vậy phía dưới sát sàn thường có một lượng oxi đủ để chúng ta thở và tránh được việc ngạt khói.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nín thở vài mươi giây khi khói độc tới, chú ý không la to vì sẽ bị ngạt khói ngay.