Cách 'thoát hiểm giữa hai làn đạn' của Canada trong xung đột Mỹ - Trung

Hoàng Phạm 16/07/2020 07:01

Theo ông Hanlon, Canada không ở trong một vị thế có thể thay đổi cách hành xử của Trung Quốc hay Mỹ, nhưng Ottawa vẫn có những các lựa chọn khác.

Trong một bài viết trên The Conversation, tác giả Robert J. Hanlon, Giảng viên Đại học Thompson Rivers, chuyên về quan hệ quốc tế và chính trị châu Á cho rằng, điều rõ ràng là cả Trung Quốc và Mỹ sẽ sẵn sàng “thao túng” hệ thống luật pháp của Canada cho những mục đích chính trị sau cùng của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản tháng 6/2019. Ảnh: Indian Express

Đề nghị của chính quyền Mỹ về việc bắt giữ và dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, tiếp sau đó là sự đáp trả của Trung Quốc bằng cách bắt giữ công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, khiến chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau bị rơi vào tình huống bị kẹt giữa 2 cường quốc.

Phiên tòa liên quan đến việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu (sang Mỹ) dự kiến sẽ được tiếp tục vào tháng 8 tới. Trong một tuyên bố cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định, sẽ không thả bà Mạnh Vãn Chu để đổi lấy tự do của 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ.

Lợi ích “cường quốc tầm trung”

Kịch bản bắt giữ Kovrig và Spavor là cho thấy các “cường quốc hạng trung” nên tìm cách “xử lý” sự đối đầu giữa các nước có tầm ảnh hưởng lớn hơn mình như thế nào.

Một mặt, chính sách “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy các đồng minh truyền thống cũng có thể bị phá bỏ, trong khi Trung Quốc có thể thực hiện các vụ bắt giữ người nước ngoài vì các đòn bẩy chính trị. Mặt khác, các cường quốc hạng trung – hay các nước có tầm ảnh hưởng vừa phải, phải tìm cách để bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình.

Khi Canada trở thành “sân chơi” cho sự đối đầu giữa các nước lớn, Ottawa phải chuẩn bị cho chính mình về một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong một cuộc xung đột liên quan tới cả khu vực cũng như toàn cầu, Canada là nước “yếu thế” một cách đáng chú ý khi xét về sự gần gũi địa lý với Mỹ và sự phụ thuộc về kinh tế vào cả Mỹ và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ 2 của Canada.

Tình huống “không thể thắng”

Rõ ràng, Huawei là một công ty bị đặt vào tình huống nguy hiểm có yếu tố chính trị, và việc Mỹ đề nghị dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu cũng dấy lên những rủi ro đáng kể đối với người Canada.

Như David Zweig, một Giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hong Kong đã nói, nếu bà Mạnh Vãn Chu bị trục xuất (sang Mỹ), hàng trăm nghìn người Canada ở Trung Quốc có thể sẽ gặp nguy hiểm. Canada bị đẩy vào một tình huống “không thể thắng”.

Vợ của Michael Kovrig, bà Vina Nadjibulla, đã từng nói rằng: “Chúng ta không thể chiến thắng trong một cuộc đua đến cùng với Trung Quốc, chúng ta không thể hung hăng hơn, vì sự đối đầu không phải là một chiến lược”.

Giáo sư Zweig và Nadjibulla, cùng với nhiều quan chức chính trị cấp cao ở Canada kêu gọi thả Mạnh Vãn Chu để đổi lấy 2 công dân Michael Kovrig và Michael Spavor. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối gay gắt về một thỏa thuận kiểu “trao đổi tù nhân” như vậy, cùng với lời kêu gọi hành động cứng rắn hơn trong khi các nỗ lực ngoại giao hậu trường vẫn đang được thực hiện.

Theo ông Robert J. Hanlon, một cuộc trao đổi như vậy trên thực tế sẽ chỉ làm tổn hại đến uy tín của Canada và cho thế giới cũng như các đồng minh thấy rằng, Ottawa chấp nhận kiểu ngoại giao “bắt cóc con tin”. Theo nhiều cách, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ tương lai của Canada với châu Á.

Thủ tướng Trudeau cũng từng nhấn mạnh, việc thả Mạnh Vãn Chu sẽ chỉ “thể hiện với Trung Quốc rằng, tất cả những gì họ cần là bắt giữ tùy tiện các công dân Canada để gây sức ép chính trị, buộc với Chính phủ [Canada] phải làm điều họ muốn”.

Chiến lược an ninh con người

Trong khi nhiều người suy đoán rằng Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ rơi vào “bẫy Thucydides” – trong đó chiến tranh là không thể tránh khi một cường quốc đang lên thách thức một cường quốc nguyên trạng - Canada cần phải chuẩn bị cho mình kịch bản xấu nhất và tìm các giải pháp sáng tạo nhằm đối phó với sự đối đầu siêu cường này.

Theo ông Robert J. Hanlon, để làm điều đó, các nhà hoạch định chính sách Canada cũng phải hiểu rằng họ không ở trong một vị thế có thể thay đổi cách hành xử của Trung Quốc hay Mỹ.

Tuy nhiên, Canada có các lựa chọn khác, đó là củng cố an ninh con người.

Thứ nhất, Canada nên trở lại với các nguyên tắc thời hậu Chiến tranh Lạnh và ủng hộ các nguyên tắc rõ ràng của an ninh con người.

Thứ hai, Canada nên rút kinh nghiệm thời Chiến tranh Lạnh với tư cách một cường quốc hạng trung khi đối phó với sự đối đầu nước lớn thông qua các tổ chức đa phương. Việc chính quyền Trump rút khỏi các thể chế toàn cầu là một cơ hội cho các đồng minh phương Tây thực hiện chính sách tiến bộ với trọng tâm rõ ràng vào an ninh con người.

Thứ ba, Canada cần phải quảng bá mạnh mẽ chiến dịch an ninh con người ở những nước đóng vai trò quan trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, ủng hộ nhân quyền và quy tắc pháp luật.

Canada cũng cần phải nhắc nhở các đồng minh rằng mối quan hệ đối tác kinh tế sẽ đi tới đâu một khi họ can thiệp vào chủ quyền hợp pháp của một nước nếu nước đó không chiều theo mong muốn của họ.

Theo ông Hanlon, Trung Quốc không nhất thiết phải đồng tình với các nguyên tắc của Canada, và Canada cũng không thể áp đặt các giá trị của mình với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thế giới cũng cần biết rằng, quy tắc thượng tôn pháp luật của Canada đang bị “áp chế” giữa Mỹ và Trung Quốc như thế nào. Đó là lý do Canada cần phải bảo vệ các giá trị của mình./.

Theo vov.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Cách 'thoát hiểm giữa hai làn đạn' của Canada trong xung đột Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO