Cách tính tuổi đạo và phẩm trật trong đạo Phật

An Thanh 16/04/2019 14:45

(Baonghean.vn) - Đức Phật đã dạy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, nghĩa là đạo Phật hiện hữu ngay tại thế gian, việc đạo không thể tách rời việc đời. Các phẩm trật trong đạo Phật liên quan nhiều đến tuổi đời và tuổi đạo.

Liên quan đến danh xưng trong đạo Phật, đó là cách tính tuổi và các phẩm trật trong đạo Phật. Có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là: tuổi đời và tuổi đạo. Tuổi đời là tuổi tính theo đời, kể từ năm sinh ra. Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất gia tu đạo. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thụ cụ túc giới và hằng năm phải tùng hạ tu học theo chúng và đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ. Nghĩa là tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ (hay hạ lạp).

Cách tính tuổi đạo

Trong nhà đạo, tất cả mọi việc, kể cả cách xưng hô, chỉ tính tuổi đạo, bất luận tuổi đời. Ở đây không bàn đến việc những vị chạy ra chạy vào, quá trình tu tập trong đạo không liên tục. Bây giờ, chúng ta bắt đầu từ việc một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú tiểu, hay điệu. Đó là các vị đồng chơn nhập đạo.

Khi gia nhập, tùy theo số tuổi, vị này được giao việc làm trong chùa và học tập kinh kệ, nghi lễ. Thời gian sau, vị này được thụ 10 giới, gọi là Sa di (nam) hay Sa di ni (nữ), hoặc Chú (nam) hay Ni cô (nữ). Khi tuổi đời dưới 14, vị này được giao việc đuổi các con quạ quấy rầy khu vực tu thiền định của các vị tu sĩ lớn tuổi hơn, cho nên gọi là “khu ô sa di” (sa di đuổi quạ).

kỳ khảo hạch giới chọn ứng sinh tham dự Đại giới đàn nhằm xét tuyển chọn người xuất gia học đạo chính thức đứng vào hàng ngũ chư tăng hoạt động Phật sự chuyên nghiệp.  Ảnh tư liệu
Kỳ khảo hạch giới chọn ứng sinh tham dự Đại giới đàn nhằm xét tuyển chọn người xuất gia học đạo chính thức đứng vào hàng ngũ chư tăng hoạt động Phật sự chuyên nghiệp. Ảnh tư liệu

Khi có ít nhất 20 tuổi đời, và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tánh cũng như tu tướng, vị này được thụ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Thầy (nam) hay Sư cô (nữ). Trên giấy tờ thì ghi là Tỳ Kheo (nam) hay Tỳ Kheo Ni (nữ) trước pháp danh của vị xuất gia. Ở đây xin nhắc thêm, trước khi thụ giới tỳ kheo ni, vị sa di ni (hoặc thiếu nữ 18 tuổi đời xuất gia và chưa thụ giới sa di ni) được thụ 6 chúng học giới trong thời gian 2 năm, được gọi là Thức xoa ma na ni. Cấp này chỉ có bên ni, bên tăng không có.

Tuy nhiên trong tạng luật, có đến 100 chúng học giới chung cho cả tăng và ni. Cũng cần nói thêm, danh từ tỳ kheo có nơi còn gọi là tỷ kheo, hay tỳ khưu, tỷ khưu. Bên nam tông, tỷ kheo có 227 giới, tỷ kheo ni có 311 giới. Giới cụ túc (tỳ kheo hay tỳ kheo ni) là giới đầy đủ, viên mãn, cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời (thường gọi là viên tịch), không phải thụ giới nào cao hơn.

Việc thụ bồ tát giới (tại gia hay xuất gia) là do sự phát tâm riêng của từng vị theo bắc tông, nam tông không có giới này. Ở đây, xin nói thêm rằng: Bắc tông (hay bắc truyền) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương bắc của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bổn và Việt Nam. Nam tông (hay nam truyền, nguyên thủy) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương nam của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và Việt Nam.

Phẩm trật trong đạo Phật

Trong lúc hành đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng như sau theo hiến chương của Giáo hội Phật giáo:

1. Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức.

2. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.

3. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.

Còn đối với bên nữ (ni bộ):

1. Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô (hiện nay ở Canada, có giáo hội gọi các vị tỳ kheo ni này là Đại Đức).

2. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.

3. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).

Đại đức giảng sư Thích Tâm Luân chia sẻ, hướng dẫn tại khóa tu  cho các phật tử tại chùa Phúc Lạc. Ảnh tư liệu
Đại đức giảng sư Thích Tâm Luân chia sẻ, hướng dẫn tại khóa tu cho các phật tử tại chùa Phúc Lạc. Ảnh tư liệu

Đó là các danh xưng chính thức theo tuổi đời và tuổi đạo (hạ lạp), được dùng trong việc điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo, không được lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong, nhân dịp đại lễ hay đại hội Phật giáo, trong các giới đàn, hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm.

Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: Sư cô nghĩa là Đại đức bên ni bộ. Ni sư nghĩa là Thượng tọa bên ni bộ. Sư bà (hay Ni trưởng) nghĩa là Hòa thượng bên ni bộ. Bởi vậy cho nên, các buổi lễ hay văn thư chính thức, thường nêu lên là: “Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni”, chính là nghĩa đó.

Tuy vậy, trên thực tế, chưa thấy có nơi nào chính thức dùng các danh xưng: Đại đức ni, Thượng tọa ni, hay Hòa thượng ni. Nếu có nơi nào đã dùng, chỉ là cục bộ, chưa chính thức phổ biến, nghe không quen tai nhưng không phải là sai.

Đại lão Hòa thượng

Đối với các bậc Hòa Thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở Giáo hội Phật giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại tùng lâm, Phật học viện, Tu viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng.

Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các hội đồng trưởng lão, hoặc hội đồng chứng minh tối cao của các Giáo hội Phật giáo. Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn (có nghĩa là: thầy tu).

Mới nhất

x
Cách tính tuổi đạo và phẩm trật trong đạo Phật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO