Cái bắt tay oan gia

19/03/2017 21:27

(Baonghean) - Không có kẻ thù nào là mãi mãi, đây là “luật chơi” mới của chính trường quốc tế, khi mà cán cân thế lực không ngừng biến đổi để tìm kiếm lợi ích lớn hơn cho mỗi bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào cái bắt tay hợp tác cũng được đáp lại, hay được nhìn nhận một cách thiện chí.

Bà Merkel và ông Trump tại Washington ngày 17/3.

Cuộc gặp không suôn sẻ

Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Sáu ngày 17/3 vừa qua tại phòng Bầu dục đã diễn ra trong không khí lạnh nhạt đến mức đáng ngạc nhiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngại tỏ rõ thái độ xa cách khi làm lơ lời đề nghị bắt tay để chụp hình của bà Angela Merkel. Trước đó, vào tháng Hai, ông Trump không chỉ bắt tay mà thậm chí còn nắm tay dẫn Thủ tướng Anh Theresa May đến tận văn phòng.

Lần gần đây nhất đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng ở Nhà Trắng, ông Trump thậm chí còn bắt tay ông Abe nhiệt tình một cách đáng ngạc nhiên. Cái bắt tay kéo dài 20 giây giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật đã trở thành chủ đề bình bàn của giới truyền thông sau đó. Sự “phân biệt đối xử” này có thể hiểu được, bởi ông Trump và bà Merkel trước giờ vẫn luôn bất đồng quan điểm kịch liệt trong vấn đề thương mại và người nhập cư. Tuy nhiên, mâu thuẫn đến mức thể hiện thái độ như vậy trong các nghi thức ngoại giao thì quả là vẫn đáng ngạc nhiên.

Sự bất ngờ từ ông Trump chưa dừng lại ở đó. Tổng thống Mỹ sau đó nhắc đến cáo buộc nghe lén đối với người tiền nhiệm Barack Obama và nói với Thủ tướng Đức: “Ít nhất thì có lẽ chúng ta có một điểm chung”. Dĩ nhiên, ông Trump muốn ám chỉ việc Thủ tướng Đức từng bị tình báo Mỹ nghe lén trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama.

Khoảng cách giữa hai bên càng thể hiện rõ hơn khi bắt đầu bàn về thương mại quốc tế và người nhập cư. Trong khi ông Trump nhắc lại quan điểm “Nhập cư là một sự ưu ái, không phải là quyền lợi” thì bà Merkel cũng giữ lập trường của mình rằng “Việc nhập cư phải được cải thiện. Phải tạo điều kiện cho người tị nạn gây dựng cuộc sống của mình ở nơi họ cư trú”.

Về vấn đề hợp tác thương mại quốc tế, ông Trump khẳng định không hướng nước Mỹ theo “chủ nghĩa biệt lập” mà chỉ muốn điều chỉnh lại các quan hệ hợp tác quốc tế. Theo ông, từ trước đến nay, nước Mỹ đã chịu thiệt trong nhiều thoả thuận hợp tác quốc tế.

Ông cũng nhận xét thẳng thừng rằng “Đức đã xoay xở rất tốt trong các thoả thuận thương mại với Mỹ” và khiến “người lao động Mỹ chịu thiệt”. Bà Merkel đáp lại rằng “Liên minh châu Âu mới là tổ chức chịu trách nhiệm đàm phán các thoả thuận thương mại” và đảm bảo thoả thuận nào cũng đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Về vấn đề an ninh, ông Trump nhắc lại quan điểm cho rằng các đồng minh khác trong NATO phải chi trả một phần thoả đáng cho lợi ích an ninh chung. Có vẻ như đây là vấn đề mà bà Merkel “nhượng bộ” nhất khi khẳng định từ nay đến năm 2024, Đức sẽ nâng mức đóng góp lên đạt 2% GDP nước này.

Nhìn chung cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và bà Merkel khó có thể nói là hoà hợp và đưa quan hệ hai nước chuyển biến theo chiều hướng tích cực, khi mà những mâu thuẫn lớn nhất vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin trong một sự kiện tại Nga mà ông này được trả tiền khi tham dự năm 2015.Ảnh: Reuters
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin trong một sự kiện tại Nga mà ông này được trả tiền khi tham dự năm 2015. Ảnh: Reuters

Cựu cố vấn Flynn bị “soi” vì nhận tiền của Nga

Michael Flynn, người từng được ông Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia và bị ép từ chức chỉ sau chưa đầy 1 tháng mới đây tiếp tục bị “đào bới” vì đã từng nhận tiền của các doanh nghiệp Nga hoặc có liên quan đến Nga trong quá khứ.

Theo các tài liệu công bố hôm 16/3 tại Nghị viện Mỹ, năm 2015, ông này nhận được hơn 50.000 USD từ 3 doanh nghiệp có mối liên hệ với Nga. Thông tin này như đổ thêm dầu vào lửa bởi trước đó, ông Flynn đã bị công kích mạnh mẽ chỉ vì có liên lạc với đại sứ Nga tại Washington dẫn đến phải từ chức.

Thông tin chi tiết cho biết thêm, khi còn là giám đốc tình báo quân sự dưới thời ông Obama, ông Flynn đã nhận được 11.250 USD vào tháng 8/2015 bởi Tập đoàn hàng không Nga Volga-Dnepr và 11.250 USD khác vào tháng 10/2015 bởi chi nhánh ở Mỹ của Tập đoàn an ninh mạng Nga Kaspersky Lab. Sau cùng, ông nhận được 33.750 USD khi tham dự một bữa tiệc kỷ niệm thành lập kênh truyền hình Nga Russia Today vào tháng 12/2015.

Trong bữa tiệc tối, ông Flynn ngồi ngay cạnh Tổng thống Nga Putin. Các đại biểu của đảng Dân chủ nằm trong uỷ ban điều tra thường trực của Hạ viện đã thu thập được và công bố các tin nhắn cũng như hoá đơn, séc ghi rõ các khoản tiền. Nghị viện đang chất vấn về tính hợp pháp của các khoản tiền này bởi Bộ Quốc phòng Mỹ cấm các quan chức tại nhiệm và đã nghỉ hưu nhận tiền từ các chính phủ nước ngoài.

Ngoài cáo buộc nhận tiền từ các tổ chức liên quan đến Nga, ông Flynn từng thừa nhận đã nhận 530.000 USD tiền “lobby” cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng giữa tháng 8 và tháng 11/2016. Ở thời điểm này, ông đang là cố vấn cho ông Trump tranh cử Tổng thống Mỹ.

Các đại biểu đảng Dân chủ đã viết thư cho Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc FBI để hỏi “liệu tướng Flynn đã công khai toàn bộ các liên hệ của mình với các quan chức, tổ chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay của bất kỳ nước nào khác, cũng như những khoản tiền có nguồn gốc từ nước ngoài chưa”.

Cuộc điều tra nhắm vào ông Flynn nằm trong loạt điều tra của Nghị viện và FBI về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như nghi vấn về mối liên hệ giữa ê kíp của ông Trump với Nga - điều mà Tổng thống Donald Trump không ngừng phủ nhận.

Hải Triều

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cái bắt tay oan gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO