Quốc tế

Cái giá của hòa bình: Đằng sau yêu cầu của ông Trump với Ukraine

Hoàng Bách 23/02/2025 19:18

Theo nhận định của chuyên gia phân tích Sergey Poletaev, người đồng sáng lập dự án Vatfor, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đồng nghĩa với việc Kiev sẽ phải tự thanh toán các “hóa đơn” của mình.

Bài phân tích của tác giả Sergey Poletaev được RT đăng tải đưa ra nhận xét rằng, trong bối cảnh Washington đẩy mạnh việc nắm lấy tài nguyên khoáng sản của Ukraine, những căng thẳng gần đây giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Zelensky đã làm nổi bật vết rạn nứt ngày càng lớn. Tổng thống Mỹ và đội ngũ của ông đang tích cực gây sức ép buộc Kiev ký kết một thỏa thuận, theo đó cho phép Mỹ tiếp cận các kim loại đất hiếm của Ukraine để đổi lấy việc tiếp tục viện trợ quân sự. Nhưng liệu thỏa thuận như vậy có khả thi hay không? Và làm thế nào mà trữ lượng tài nguyên dưới lòng đất của Ukraine bỗng dưng trở thành tâm điểm trong mối quan hệ Mỹ-Ukraine?

67ba1c9685f540093648af96.jpg
Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Global Look Press

Báu vật gia truyền

Ukraine sở hữu trữ lượng khoáng sản quý giá, bao gồm lithium (2% trữ lượng toàn cầu), graphite (4%), nickel (0,4%), mangan, urani và các kim loại đất hiếm. Đặc biệt, titan là một tài nguyên nổi bật với ước tính Ukraine nắm giữ tới 20% trữ lượng toàn cầu. Tuy nhiên, gần 40% các mỏ này hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc ở các khu vực tiền tuyến, khiến cho bất kỳ nỗ lực khai thác nào của phương Tây đều trở nên không hề đơn giản.

Kể từ khi giành độc lập, Ukraine đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai khoáng. Thành công đáng kể duy nhất là việc ArcelorMittal tư nhân hóa Nhà máy Luyện kim Krivoy Rog vào giữa những năm 2000. Ngoài ra, các công ty phương Tây hầu như không tham gia vào các dự án mới, một phần là do Điều 13, Hiến pháp Ukraine, quy định rõ ràng rằng, tài nguyên thiên nhiên không được tư nhân hóa.

“Lời nguyền” của Thượng nghị sĩ Graham

Theo bài viết, ý tưởng dùng tài nguyên khoáng sản của Ukraine để đảm bảo hỗ trợ quân sự từ Mỹ lần đầu tiên được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ Mỹ-Ukraine. Graham thường xuyên đến Kiev trong thời chiến, đưa ra những bài diễn văn mạnh mẽ mà về cơ bản là: "Các bạn đang làm đúng hết thảy, nhưng các chính trị gia ở Washington đang khiến các bạn thất vọng".

Khi viễn cảnh ông Trump trở lại nắm quyền không còn xa, Graham cho rằng, Trump không quan tâm nhiều đến các giá trị – ông ấy là một doanh nhân và suy nghĩ theo cách thức giao dịch. Ông gợi ý rằng Ukraine nên đề xuất điều gì đó với Trump để thuyết phục ông đầu tư vào nền quốc phòng của Ukraine. Ví dụ, tại sao không đề nghị ông ấy các tài nguyên khoáng sản của quốc gia?

Giới thân cận của ông Zelensky đã nắm bắt ý tưởng này và nhiệt tình đề xuất với Trump khi ông nhậm chức. Theo các tờ báo của Ukraine, Kiev tin rằng đổi lại họ sẽ nhận được vũ khí, đầu tư, công nghệ khai thác khoáng sản mới, một phần đáng kể trong các tài nguyên đã được khai thác, và thậm chí có thể là quân đội Mỹ hiện diện ở Ukraine. Về cơ bản, họ tưởng tượng ra một viễn cảnh mọi thứ sẽ diễn ra một cách tự động và họ sẽ không phải làm gì cả.

Thỏa thuận "được ăn cả, ngã về không" của ông Trump

67b6cc2b203027401f570fd8.jpg
Nhân viên chờ thang máy đưa xuống lòng đất để bắt đầu ca làm việc tại một mỏ than vào tháng 2/2024 gần Dnepr, Ukraine. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, theo Poletaev, Tổng thống Trump lại hành động như một… ông trùm trong phim Hollywood. Ông cử một "kế toán" đến Kiev, người này đưa ra một tài liệu để ông Zelensky ký và giải thích thẳng thắn: Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi; và cái gì của các ông cũng là của chúng tôi. Ồ, và các ông nợ chúng tôi rất nhiều, trong khi chúng tôi không nợ các ông gì cả. Bút đây — ký vào đây.

Theo các nguồn tin của truyền thông phương Tây, đề xuất của ông Trump quy định rằng, Ukraine sẽ phải bàn giao tài nguyên khoáng sản của mình như một khoản thanh toán hồi tố cho hàng tỷ USD viện trợ quân sự Mỹ đã cung cấp. Đổi lại, sẽ không có lời hứa nào về việc cung cấp vũ khí trong tương lai hay các đảm bảo an ninh. Ông Zelensky, người đã dành 3 năm qua để tìm kiếm những đảm bảo này, được cho là rất tức giận và từ chối ký kết.

Cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm tại Hội nghị An ninh Munich, nơi ông Zelensky gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance. Vấn đề về khoáng sản đã chiếm trọn cuộc thảo luận, và sau khi ôngZelensky liên tục từ chối ký kết, phía Mỹ đã tỏ rõ thái độ thất vọng.

Không có gì ngạc nhiên khi điều này gây ra phản ứng gay gắt từ Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, người cho biết "cá nhân ông cảm thấy rất khó chịu" với cuộc trò chuyện giữa các quan chức cấp cao Mỹ và ông Zelensky xoay quanh thỏa thuận khoáng sản, đồng thời ngụ ý rằng nhà lãnh đạo Ukraine đã thay đổi quan điểm.

Không có thỏa thuận nào nếu không có Nga

Ngay cả khi Ukraine cuối cùng ký kết thỏa thuận, khả năng ông Trump thực sự đạt được điều gì từ đó cũng rất thấp — ít nhất là nếu không có sự chấp thuận của Moskva.

Thứ nhất, bất kỳ sáng kiến khai thác lớn nào cũng cần có sự hợp tác của Nga. Ông Trump sẽ cần Tổng thống Nga Vladimir Putin đảm bảo rằng các khu vực khai thác thuộc sở hữu Mỹ sẽ không trở thành mục tiêu quân sự. Dù điều này có thể xảy ra, nhưng sẽ phải nằm trong một thỏa thuận lớn hơn giữa Washington và Moskva. Ngoài ra, các thông tin cho rằng, quân đội Mỹ hoặc các nhà thầu quân sự tư nhân có thể được triển khai để bảo vệ các khu vực này có vẻ rất phi thực tế. Điện Kremlin sẽ không bao giờ chấp nhận kịch bản như vậy.

Ngoài những lo ngại về an ninh, khả năng thương mại cũng là một vấn đề khác. Khai thác kim loại đất hiếm là một ngành kinh doanh có biên lợi nhuận thấp, và việc sở hữu trữ lượng lớn đơn thuần không đồng nghĩa với việc có thể khai thác có lãi. Nhiều mỏ tiềm năng nhất của Ukraine hiện đã cạn kiệt, nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc nằm trong các khu vực chiến tranh. Việc phát triển các mỏ mới sẽ đòi hỏi khoản đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD - một viễn cảnh không thực tế trong bối cảnh bất ổn hiện nay.

Tình thế này có nhiều điểm tương đồng đáng chú ý với đề xuất năm 2017 của ông Trump về việc khai thác kim loại đất hiếm ở Afghanistan, mà ông tin rằng có thể giúp Mỹ bù đắp chi phí cho cuộc chiến tranh. Mặc dù các ước tính cho thấy Afghanistan có trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, nhưng chưa có công ty Mỹ nào từng khai thác được dù chỉ một ounce. Thay vào đó, 3 năm sau, ông Trump đã đạt được thỏa thuận với Taliban và rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Thế lưỡng nan của ông Zelensky

Bài phân tích trên trang RT đặt câu hỏi, vậy tại sao ông Trump lại quan tâm đến vấn đề này như vậy? Một phần, đó chỉ là tư duy kinh doanh của ông - luôn tìm kiếm các giao dịch tiềm năng, ngay cả khi hầu hết không bao giờ thành hiện thực. Nhưng đó cũng là phép thử lòng trung của ông Zelensky – liệu Tổng thống Ukraine sẵn sàng nhún nhường đến đâu trước sức ép từ chính quyền mới của Mỹ?

Nếu rốt cuộc ông Zelensky ký, ông Trump sẽ có một chiến thắng chính trị để bày ra trước những người ủng hộ mình. Ông có thể lập luận rằng viện trợ quân sự không còn là hành động "cho không" nữa, mà thay vào đó là một giao dịch làm ăn mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Trên thực tế, thậm chí không cần khai thác gì - chỉ cần hình ảnh cũng đủ rồi.

Tuy nhiên, đối với ông Zelensky, ký kết một thỏa thuận như vậy có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của mình. Những người chỉ trích trong nước sẽ coi ông như một kẻ phản bội vì đã bán tài nguyên của Ukraine cho một Tổng thống Mỹ rõ ràng đang ưu tiên đạt được thỏa thuận với Nga hơn là bảo vệ chủ quyền của Ukraine.

Lựa chọn thật nghiệt ngã: ký thỏa thuận và đối mặt với sự chỉ trích trong nước, hay từ chối và có nguy cơ mất đi sự ủng hộ từ nhân vật còn có thể cung cấp viện trợ quân sự. Dù chọn thế nào, nhà lãnh đạo Ukraine cũng rơi vào tình thế không có cửa thắng – thậm chí được Poletaev ví như quân tốt trong một ván cờ mà ông không còn kiểm soát.

Theo RT
Copy Link

Mới nhất

x
Cái giá của hòa bình: Đằng sau yêu cầu của ông Trump với Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO