Cái khó của những ngôi trường thiếu phòng học ở Nghệ An
(Baonghean) - Nhiều năm nay, tình trạng thiếu phòng học vẫn diễn ra ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ở đó, việc đầu tư, xây dựng trường lớp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì nhiều lý do khác nhau...
Mòn mỏi... ngóng dự án
Nằm ở trung tâm thành phố và là một trường có chất lượng ổn định nhiều năm liền, nhưng cho đến nay Trường Tiểu học Trường Thi (thành phố Vinh) vẫn chưa đạt chuẩn so với mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là trường không đủ diện tích khuôn viên và phòng học thì thiếu trầm trọng. Như trong năm học 2018 - 2019 này, trường có trên 1.300 học sinh với 35 lớp nhưng hiện tại chỉ có 25 phòng, học sinh các khối phải nghỉ học luân phiên rất vất vả.
Nhiều năm nay, nhà trường vận dụng 4 phòng xép mà theo thiết kế ban đầu là dãy nhà vệ sinh, để làm phòng học cho học sinh. Trong những phòng học này, dù sĩ số mỗi lớp lên đến gần 40 em nhưng tổng diện tích của mỗi phòng chỉ khoảng 20m2 - chưa đạt một nửa diện tích đề ra. Diện tích nhỏ nên dù cố gắng nhà trường cũng chị đặt được 2 dãy bàn, lối đi của giáo viên chỉ rộng chưa đến 3 gang tay. Trong khi học sinh phải nép mình mỗi lần đi lại thì giáo viên không tổ chức được các hoạt động sinh hoạt tập thể trong lớp...
Phòng thực hành Tin học ở Trường Tiểu học Trường Thi (TP. Vinh) chật chội vì tận dụng từ những phòng gác xép. Ảnh: Mỹ Hà |
Do điều kiện cơ sở vật chất của những lớp học này quá xuống cấp nên để phụ huynh yên tâm, nhà trường luôn dành nhưng ưu tiên đặc thù như trích kinh phí để lắp máy điều hòa cho học sinh, cử những giáo viên có kinh nghiệm, có uy tín làm chủ nhiệm lớp. Tuy nhiên, cũng vì lớp quá bé nên các phòng học này chỉ tổ chức được cho các học sinh lớp 1, 2.
“Nhà trường không đủ điều kiện để xây dựng trường chuẩn, để đánh giá kiểm định chất lượng. Năm học tới, do học sinh tăng nên nhà trường đang thiếu thêm 3 phòng học nữa. Vì thế, dù có tổ chức học luân phiên thì việc bố trí thế nào vẫn đang là bài toán rất nan giải...”.
Trước đó, dự án mở rộng Trường Tiểu học Trường Thi đã được triển khai từ năm 2003 và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể. Tuy vậy, sau hơn 15 năm dự án vẫn dẫm chân tại chỗ vì những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết, khu tập thể ban điện (Điện lực cũ) có 26 hộ nhưng hiện chỉ mới có 23 hộ chấp thuận các phương án đền bù. Số còn lại chưa chấp nhận di dời vì nhiều lý do khác nhau như không đồng ý với diện tích được đền bù, chưa đồng ý với vị trí đất tái định cư mà thành phố bố trí hoặc chưa thống nhất được các phương án mà thành phố xây dựng cho toàn khu dân cư... Cũng vì những lý do này, nên tại thời điểm này, mặc dù kế hoạch đầu tư xây dựng đã được thông qua với kinh phí đầu tư 37 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai.Lối đi vào chật hẹp của Trường Mầm non Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai). Ảnh: M.H |
Còn Trường Mầm non Quỳnh Lập, dù là một trong những ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất thị xã Hoàng Mai nhưng trường gần như không có lối đi vào. Mỗi một ngày hàng trăm phụ huynh và học sinh của trường phải qua lại ở một lối đi rộng chưa đến 1m, chật chội và bí bách. Trước đó, dự án cải tạo và mở rộng nhà trường cũng đã được xây dựng và theo kế hoạch sẽ xây dựng thêm 8 phòng học mới. Nhưng vì ngân sách xã gặp nhiều khó khăn, người dân còn chưa đồng tình nên cho đến hiện tại việc giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong.
Nhiều năm nay cô và trò chỉ mong có một sân trường đủ rộng để các cháu có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và để học sinh trong toàn xã được về học một điểm, tránh tình cảnh “ba chốn bốn nơi”, phải học nhà văn hóa như hiện nay...”. Năm nào đầu năm học mới hiệu trưởng cũng bị phụ huynh kiện lên kiện xuống vì không bố trí cho con em trong xã vào học”,
“Cha chung không ai khóc”Năm 2005, do quy mô dân số trên địa bàn ngày càng giảm nên 3 trường THCS thuộc các xã Hưng Xá, Hưng Lam, Hưng Xuân (Hưng Nguyên) được sáp nhập vào Trường THCS Hưng Xuân với tên gọi mới là Trường THCS Nguyễn Biểu. Theo mục tiêu được đặt ra, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và là một điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, sau 13 năm, việc triển khai dường như ngày càng khó khi mà quy mô trường lớp ngày càng tăng, nhu cầu dạy và học ngày càng lớn nhưng việc đầu tư xây dựng đang ngày càng thu hẹp lại. Từ nhiều năm nay, chính quyền huyện Hưng Nguyên cũng đã đưa vào quy hoạch để xây dựng Trường THCS Nguyễn Biểu đạt trường chuẩn quốc gia. Thế nhưng đã phải “nâng lên đặt xuống” bao nhiêu lần, vì trường đang thiếu 8 phòng học chức năng, đặc biệt là các phòng bộ môn thực hành các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ.
Phòng thực hành ngoại ngữ của Trường THCS Nguyễn Biểu (Hưng Nguyên). Ảnh: M.H |
Để xây dựng thêm 8 phòng học, thầy Thái Huy Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết cần 5 - 6 tỷ đồng. Số tiền này theo hiệu trưởng không quá nhiều, trường đã lập kế hoạch nhiều lần và tổ chức họp chính quyền 3 xã Hưng Xá, Hưng Lam, Hưng Xuân nhiều lần, nhưng phương án xã nào đầu tư, đầu tư bao nhiêu vẫn chưa được thông qua.
“Chúng tôi lâm vào tình cảnh “con rơi”, “cha chung không ai khóc” bởi xã nào cũng có “lý” riêng khi không đầu tư vào trường. Bởi lẽ, nếu như Hưng Xuân đầu tư thì lại bảo đầu tư cho con em xã khác học. Hai xã còn lại, họ cũng viện dẫn lý do tương tự”.
Việc đùn đẩy giữa 3 xã chưa biết đến khi nào là ngã ngũ nhưng việc học của con em 3 xã bị ảnh hưởng là điều đã nhìn thấy trước mắt. Ở đây, vì thiếu phòng thực hành nên học sinh học các môn Vật lý, Hóa học, thay vì được thực hành thí nghiệm thì chỉ được học mô phỏng. Phòng học Tiếng Anh, dẫu có được trang bị khá đầy đủ các phương tiện hiện đại như máy chiếu, tai nghe nhưng vì học sinh quá đông, phòng học lại nhỏ nên khó đạt được hiệu quả. Trang thiết bị môn Tin học thì chỉ có 20 máy tính, trong khi nhu cầu sử dụng luôn gấp đôi...
Một phòng học tiêu chuẩn cấp THCS. Ảnh: EDU |
Việc thiếu phòng học, học sinh phải học ở các phòng mượn, phòng tạm cũng diễn ra ở không ít trường học khác trên toàn tỉnh. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho học sinh, dù rằng đây là nhu cầu tối thiểu và các em xứng đáng được hưởng, được quan tâm và đầu tư.