Cảm nhận từ một mái trường

23/03/2011 11:08

Nằm ở địa đầu của thành phố, nơi đây có nhiều đứa trẻ lần đầu được bố mẹ đem vào gửi không thể nói, không thể nghe... chỉ khi về sống dưới mái trường này các em mới gọi được tiếng "bố", "mẹ" và nói lên được ý nghĩ của mình.

Trung tâm Giáo dục, dạy nghề người tàn tật tỉnh. Từ lâu đã thực sự tạo niềm tin cho trẻ khuyết tật, các bậc phụ huynh và đông đảo nhân dân quanh vùng. Thầy Trần Văn Mão - Giám đốc Trung tâm cho biết : "Thầy bây giờ đã già, tai, mắt có kém hơn trước một chút, đã thấy khổ sở đủ điều, huống chi các cháu nhỏ ngay từ lúc sinh ra tạo hoá đã không ban cho cái quyền được nói, được nghe. Thương lắm chứ".


Thầy Mão - người từng một thời xông pha lửa đạn chiến trường và đã bỏ một phần xương máu của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông hiểu rõ những hậu quả nặng nề sau chiến tranh với trẻ em có bố mẹ bị nhiễm chất độc màu da cam, trẻ em tật nguyền, câm điếc. Ý tưởng và ước nguyện tha thiết được làm một cái gì đó vơi bớt nỗi đau cho các em trở thành hiện thực, và ngôi trường được thành lập vào năm 1988 với 160 trẻ tật nguyền.

Lớp học chữ Brai cho trẻ khiếm thị tại Trung tâm Giáo dục Dạy nghề người khuyết tật tỉnh. Ảnh: Lan Xuân


Lúc đó, cơ sở vật chất của nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên còn thiếu trầm trọng. Vượt lên mọi khó khăn ban đầu, tập thể giáo viên ở đây phải chạy đủ đường không quản ngày đêm để xin trợ cấp của các ngành, các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm yếu tố xanh- sạch- đẹp, để nơi đây là điểm tin yêu của gia đình và con trẻ.

Sau ba năm, thấy được sự tiến bộ vượt bậc của trẻ khuyết tật, nhà trường quyết định mở rộng cơ sở để tiếp nhận thêm các em. Đầu năm thứ ba, nhà trường tiếp tục mở 4 lớp tiểu học và hai lớp dạy nghề, chủ yếu là cắt may, mộc. Ở các em, khái niệm " nghe" và " nói" gần như mất hẳn, việc khôi phục lại là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải đầu tư một lượng thời gian, công sức rất lớn. Từ sự tận tuỵ và luôn biết dành cho trẻ tật nguyền trái tim nhân ái, sau một thời gian, mái trường đã lấy lại cho các em một phần những thiệt thòi mà tạo hoá đã "lỡ bỏ quên".


Hiện Trung tâm có 18 lớp học văn hóa, 12 lớp học nghề. Bình quân mỗi năm có 40- 65 em tốt nghiệp trở về hoà nhập céng đồng tốt, có việc làm ổn định tại địa phương. Thầy Mão khoe: Được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Him Lam (Sài Gòn) nên từ năm 2009 đến nay, Trung tâm xây mới hội trường gần 400m2, một nhà ăn đủ phục vụ cho 250 học sinh; sửa sang lại nhà nội trú; một số phòng làm việc cho cán bộ; nhà dạy nghề và khuôn viên sân vườn...


Thăm lớp học văn hoá, mỗi lớp đều được trang bị đầy đủ dụng cụ học tập, đồ chơi cần thiết. Bên cạnh các phòng, nơi các em học và chơi chung, còn một căn phòng bé hơn được cách âm, là nơi dùng để dạy các em điếc nặng tập nói, tập đánh vần, làm toán. Một giáo viên tâm sự: "Dạy các cháu ở đây vất vả lắm, còn chăm hơn chăm con mình, nhiều lúc buồn đến bật khóc, nhưng thấy các cháu tiến bộ lại vui, lại đủ bình tĩnh nhiệt tâm để dạy tiếp".


Chúng tôi gặp một số phụ huynh khi họ đến đón con về. Đủ mọi nghề nghiệp, chức trách, tầng lớp. Song họ cùng chung lòng biết ơn và sự tin tưởng đối với các thầy cô giáo nơi đây.


Tạm biệt ngôi trường, bên tai tôi vẫn văng vẳng âm vang của những tiếng nói trẻ thơ tật nguyền và của những tấm lòng nhân ái cao cả.


Thu Hương

Mới nhất
x
Cảm nhận từ một mái trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO