Cấm

CẤM

Xin được mở đầu bài viết bằng một cái văn bản na ná lệnh cấm vừa chết yểu ngay giai đoạn “trứng vịt lộn” – quy định lợn không được ăn bèo tây và thân cây chuối. Thú thực khi nghe chuyện này tôi đã lỡ hào hứng bởi ít nhất cũng đã có một cơ quan dám đổi mới cách thức tiếp cận theo hướng kỹ năng mềm bằng một văn bản đúng tinh thần “ngày cá tháng Tư”. Bộ đùa! Làm gì có chuyện cấm không được người chuyển qua cấm lợn. Có cấm đâu, chỉ là không được ăn bèo tây, cây chuối thôi mà.

Tưởng ngày mùng 1 tháng 4 các bác ấy troll tý cho bớt căng thẳng, ai dè chuyện thật, thật đến khó tin. Báo chí và cư dân mạng được phen xả stress bằng những “còm men” cũng rất là… “bèo tây cây chuối”. Ai đó bình luận, lợn không được ăn bèo tây là đúng rồi, bèo tây chính là lục bình, mà lục bình thì nở hoa đẹp lắm, hoa đẹp như thế mà để lợn ăn thì còn gì là thanh tao nữa. Ừ nhỉ, chắc người soạn thảo yêu say đắm những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ Vô tư quá để bây giờ xao xuyến/ Bèo lục bình mênh mang màu mực tím/ Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…”. Òa, hoa lục bình thiếu thời, nghiêng trôi như nét chữ trên dòng sông mải miết, lợn dám ăn à? Đắc tội! Lại có ý kiến khác cho rằng, quy định như vậy là người ta rất hiểu và thương em lợn. Năm nay là năm Kỷ Hợi, ra một văn bản bảo vệ con giáp đang linh ứng âu cũng là phải đạo. Ấy là chưa nói đến chuyện bình đẳng nhé, bao nhiêu năm rồi, khi con người đã chuyển từ ăn no lên ăn ngon, từ ăn ngon lên ăn tinh tế hay nói cách khác là con người đã chuyển từ củ khoai củ sắn lên những tôm hùm, yến sào, vi cá mập sao vẫn bắt lợn dùng mãi thứ thức ăn từ trước thế kỷ 19. Lạc hậu và bất bình đẳng quá còn gì!

Lại có ý kiến khác nữa, bộ chỉ thiếu một chút thôi, nhẽ ra phải viết đầy đủ là “cấm lợn cảnh đang được nuôi làm thú cưng ăn bèo tây và thân cây chuối”! Với tinh thần tất cả vì thú cưng thân yêu, cấm lợn cảnh ăn thân cây chuối là quá đúng vì đường nào thì người nuôi cũng không cho thú cưng ăn bèo tây, mà người ta chủ động không cho ăn mình ra văn bản cấm nó mới… hiệu quả! Văn bản ấy mới “đi vào cuộc sống”. Chưa hết, lại có ý kiến cho rằng ngăn chặn lợn ăn cây chuối và bèo tây là một chiến lược dài hơi và sáng suốt mang tầm nhìn chiến lược. Đơn giản vì không cho lợn ăn bèo tây để lợn toàn tâm toàn ý ăn dưa hấu, củ cải, khoai lang, hành tím… ế! Lợn ăn nông sản khỏi phải nhờ vả xã hội giải cứu như mấy dịp vừa rồi. Đấy thấy chưa, tuyệt đối không có lợi ích nhóm, cũng không có bàn tay công ty thức ăn chăn nuôi nhúng vào và tất nhiên không có chuyện bèo tây “nhiễm asen” như vụ nước mắm truyền thống nha. Nói về khả năng làm rộn ràng câu chuyện cấm thì đâu riêng gì cái vụ “đình chỉ” lợn thưởng thức bèo tây này đâu. Chúng ta từng đã được mục sở thị các văn bản có chữ cấm chạy trượt qua tai dân chúng mấy vòng rồi… Nào là cấm rượu quốc lủi, cấm bán thịt sau 8 tiếng, thậm chí còn cấm cả chị em ngực lép chạy xe máy ra đường… Cái cấm nào cũng xứng đáng đưa vào kịch bản Táo Quân cả. Quy định lợn không được ăn bèo tây nhằm nhò gì.

Cách đây vài tuần lãnh đạo nọ hồ hởi đề xuất những người bị mất bằng lái xe đều phải thi lại, ý văn học là… cấm mất! Nói như một đại biểu Quốc hội là những đề xuất buồn cười! Hiệu lực của các văn bản kiểu này đi vào cuộc sống đến đâu thì cứ chiều chiều ra quán nhậu sẽ rõ. Có lẽ 99% thực khách đang miệt mài xài rượu “cuốc lủi” nhé, có chăng thì nó được nhuộm màu bằng ngâm chuối hột, ngâm táo mèo gì đó thôi. Kể cả những gã thợ nhậu chuyên nghiệp có mang theo “hàng xách tay” thì vẫn cứ là cuốc lủi. Trước khi uống làm gì có ai kiểm tra xem cái rượu “cuốc lủi” ấy đã được đăng ký theo quy định Nghị định 105/2017/NĐ-CP hay chưa!

Cấm là không cho phép làm một việc gì đó. Đây là một trong những biện pháp quản lý có lịch sử lâu đời và cũng phổ biến nhất. Luật xưa còn cấm cả việc người dân ra đường mỗi khi Vua đi dạo. Cấm bao giờ cũng có sức mạnh ràng buộc, tính hiệu lực cao và nhất thiết mọi vi phạm đều được xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc. Còn nhớ cách đây mấy năm một người đàn ông Việt Nam đã bị phạt 26 triệu đồng vì vi phạm lệnh cấm hút thuốc lá, tất nhiên là vi phạm ở… Singapore! Đã cấm mà vi phạm là nộp tiền, là lao động công ích, thậm chí có thể đi tù, cũng xin nhắc thêm là đang nói chuyện bên Singapore! Tất nhiên bên ấy họ cũng không rảnh rỗi đến mức nghiên cứu cả chuyện lợn ăn bèo tây bao giờ!

Mình thì cái gì cũng có thể cấm, nhưng cấm cái gì cũng có thể nhờn. Đôi khi chữ cấm bị lạm dụng vô tội vạ. Huyện có lệnh cấm của huyện, xã có lệnh cấm của xã, thậm chí xóm cũng có lệnh cấm của xóm. Mấy ngày vừa rồi một số thôn ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định còn cấm lấy thức ăn thừa trong đám cưới cơ mà. Nhà nào để thực khách lấy đồ ăn đem về là bị phạt tiền nhé. Đừng đùa! Việc sử dụng tràn lan, tùy tiện và cẩu thả đã làm mất đi ý nghĩa của lệnh cấm, tệ hơn nó còn tạo ra hiệu ứng ngược. Cách đây mấy năm trong một bài viết của mình tôi cũng đã từng kể câu chuyện rằng: Người đàn ông nọ muốn lấp ao nuôi cá để lấy đất làm nhà ở cho con trai, nhưng rất tiếc lại không có tiền. “Nhất dạ sinh bá kế”, sau một đêm dài trằn trọc, ngày hôm sau người ta thấy khổ chủ cắm một tấm biển với nội dung “nghiêm cấm đổ đất đá ở khu vực này”. Ai ngờ chỉ 1 tuần sau, bỗng đâu ùn ùn xe cộ, đứa vụng trộm, kẻ ngang nhiên cứ thay nhau tìm cách đổ đất đá xuống ao. Sau vài tháng, từ ao cá lầy lội đã trở thành lô đất được san lấp mặt bằng hoàn chỉnh. Tất nhiên đấy là chuyện bịa, là cái món tiếu lâm vỉa hè mà ai cũng có thể nhận ra dụng ý bôi bác của tác giả. Nhưng, ngẫm đi nghĩ lại thì cái câu chuyện chưa bao giờ là thật ấy có lý, càng cấm bao nhiêu thì vi phạm lại hưng phấn bấy nhiêu!

Chắc hiếm có nơi nào trên thế giới sở hữu nhiều biển cấm như là ở ta. Nhan nhản tứ bề, chỉ cần không nhắm mắt chắc chắn sẽ lần lượt được thấy “Cấm tắm giặt”; “Cấm xả rác”; “Cấm đi ngược chiều”; “Cấm chen ngang”; “Cấm hút thuốc”; “Cấm họp chợ”; “Cấm bán hàng rong”; “Cấm dựng xe”; “Cấm câu cá”; Cấm thả trâu bò”, trong bệnh viện còn có cả “Cấm đưa phong bì”. Ngoài những tấm biển cấm rất chính thống ấy ra còn vô số những kiểu cấm tự phát đầy hài hước khác “Cấm đưa bạn trai vào phòng trọ, bắt được thì đừng trách con này tàn ác”; “Cấm đái bậy, ai vi phạm tạm giữ tang vật”! Nhiều, ví dụ không hết được. Cấm là cấm vậy thôi chứ tiểu tiện nơi công cộng bị xử lý như tấm biển cảnh báo nọ thì lấy đâu ra đủ thùng bảo ôn mà tạm giữ tang vật! Người ta tào lao hóa chữ cấm theo hướng giải trí như vậy đó.

Trở lại với câu chuyện lợn không được ăn bèo tây, rõ ràng đây là một văn bản thể hiện sự quan liêu trong quá trình xây dựng chính sách. Một quy định xa rời thực tiễn và không hề có tính khả thi, vậy mà nó vẫn vượt qua nhiều vòng thẩm định để đến với chữ ký cuối cùng. Chúng ta đã từng có quá nhiều bài học về ban hành chính sách, chúng ta không nhất thiết phải liên tục có cái bài học tương tự khác nữa. Quy định gì thì quy định, đừng để khi ban hành ra lại phải quy định… cấm cười!