Cảm xúc về "Cuộc trường chinh nhẹ cánh bay"

16/05/2015 17:48

(Baonghean) - Mỗi khi được hỏi câu chuyện nào em thích nhất, khiến em cảm động nhất, em trả lời đó là chuyện kể Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Không hiểu sao mỗi khi đọc chuyện về Bác, nhìn thấy Bác trên ti vi em lại liên tưởng đến ông ngoại, người mà em vô cùng yêu thương, kính trọng. Bác Hồ có chòm râu bạc và nụ cười hiền.

Ông ngoại em cũng thế, ông rất thương các cháu, có gì ngon ông cũng để dành cho các cháu và bao giờ em cũng được phần nhiều. Ông bảo: “Huyền bé nhất, ông ưu tiên phần nhiều để Huyền mau lớn như các anh chị”. Ông còn là người bạn lớn để em có thể tâm sự những câu chuyện về bạn bè, thầy cô ở trường.

Mỗi khi đọc truyện về Bác Hồ, em lại thấy nhớ ông ngoại vô hạn. Qua những mẩu chuyện về Bác và thiếu nhi, em thấy Bác Hồ sao mà giống ông ngoại thế, cả hai đều yêu thương trẻ em. Chuyện kể rằng có hoa quả gì ngon Bác trồng được trong vườn Phủ Chủ tịch cũng để dành cho các cháu thiếu nhi đến chơi. Tết Trung thu, Bác viết thư ân cần dặn dò thiếu nhi và mua cả một đĩa kẹo to phát cho các cháu. Ai được Bác cho kẹo thì sung sướng vô cùng, có bé còn để dành không dám ăn.

Bác Hồ biết vậy và thường cho những cháu bé nhất thêm cái nữa, cái để ăn, cái để cất dành. Đọc những câu chuyện ấy, em thường nói với mẹ em: “Bác Hồ y hệt như ông tiên của trẻ em mẹ nhỉ? Ước gì con cũng được gặp Bác Hồ!”. Mẹ xoa đầu em, bảo rằng Bác Hồ là ông tiên của cả dân tộc mình, của ông, bà, cha, mẹ chứ không riêng gì thiếu nhi chúng em. Mẹ còn kể Bác Hồ suốt đời lo cho dân cho nước, suốt đời hy sinh để dân có cơm ăn, trẻ em được vui chơi, học hành, sống trong hòa bình hạnh phúc. Tình yêu thương của Bác chia cho tất thảy mọi người, nhưng phần nhiều nhất Bác vẫn để dành cho thiếu nhi. Dù ở đâu, làm gì, Bác đều nghĩ đến thiếu nhi và Bác tin tưởng rằng thiếu nhi là tương lai của đất nước.

Em Vũ Thị Khánh Huyền (ngoài cùng, bên phải, hàng đầu) trong lần ra thăm Phủ Chủ tịch. Ảnh:  T.N
Em Vũ Thị Khánh Huyền (ngoài cùng, bên trái, hàng đầu) trong lần ra thăm Phủ Chủ tịch. Ảnh: T.N

Khi liên đội tổ chức cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, em đã đọc đi đọc lại những câu chuyện mình thích, những câu chuyện khiến em rơi nước mắt... Bao nhiêu câu chuyện hay về Bác mà em muốn kể, đắn đo mãi em đã chọn câu chuyện “Bác Hồ với câu hát dân ca”. Câu chuyện diễn ra trong căn nhà A67 tại Phủ Chủ tịch vào sáng ngày mồng 2 tháng 9, đây là buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác. Bởi, chỉ sau buổi sáng ấy thôi Bác đã thực sự bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay“. Ngay từ những câu đầu tiên em đã thấy cay sống mũi, và nước mắt cứ thế trào ra.

Dù đã kể câu chuyện này cả chục lần cho không biết bao nhiêu người nghe, nhưng mỗi khi nhắc đến “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay” là em lại không cầm được nước mắt. Những phút giây cuối đời, Bác muốn nghe một khúc hát dân ca để nhẹ lòng bay đến thế giới người hiền. Thế mà không ai thuộc, chỉ duy nhất cô y tá hát được câu hát quan họ Bắc Ninh “Người ơi, Người ở đừng về”, để cả căn phòng cùng lặng đi rồi thổn thức vỡ oà. Không phép lạ nào có thể giữ Bác ở lại, để Bác đừng đi.

Và cũng không có phép lạ nào để nhớ và hát được câu Dân ca xứ Nghệ, để Người được sống lại lời ru thuở ấu thơ, để giúp Người được thoả một ước nguyện cuối cùng: Ước nguyện tìm về câu hát xứ sở, tìm về một chốn neo đậu đến vĩnh hằng cho đứa con một đời bôn ba đi khắp bốn phương trời. Một ước muốn nhỏ nhoi vậy thôi, cũng không thể thành hiện thực, để Bác Hồ phải bước vào cuộc trường chinh trong nỗi tiếc nhớ khôn nguôi.

Em Vũ Thị Khánh Huyền được gặp bác Nguyễn Thị Doan - Phó chủ tịch nước

Trong lần tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh vừa rồi, chúng em được ra Hà Nội, điểm đến đầu tiên chính là Phủ Chủ tịch, nơi xưa kia Bác Hồ đã từng tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Tại đây, em được kể cho bác Nguyễn Thị Doan và đoàn đại biểu nghe câu chuyện này. Không hiểu sao hôm ấy em thấy lòng hồi hộp lạ thường, không giống như những lần kể trước, lần này em thực sự run và giọng kể yếu hơn. Đến đoạn “…hai mươi phút sau Bác Hồ tỉnh lại, lần này giọng nói của Bác có phần đã yếu đi nhiều, Bác lại hỏi: “Trong các cô, các chú có ai có thể hát đươc một khúc dân ca ví, giặm không…” cả căn phòng lại chìm trong im lặng, mọi người cùng nhìn nhau bối rối…

Trước mắt em hiển hiện căn phòng A67 ấy, em tưởng như thấy lại cảnh tượng Bác Hồ nằm im trên giường bệnh, đôi mắt mỏi mòn nhìn về phía khoảng không, đợi chờ, đợi chờ một tiếng hát vang lên…Tâm trí em vụt quay trở lại với thực tại, cả khán phòng cũng đang chăm chú nhìn em, đợi chờ, đợi chờ những lời kể tiếp theo đẫm trong nước mắt. Bác Doan và cả đoàn đại biểu cũng cùng em trở về quá khứ trong phút chốc hay sao, mà mắt ai cũng ngân ngấn nước? Câu chuyện này em đã kể nhiều lần, có lẽ lần này giọng kể của em không thực sự diễn đạt một cách xuất sắc nhất, nhưng cảm xúc mạnh mẽ dậy lên từ bối cảnh xung quanh đã khiến câu chuyện chạm được đến cảm xúc thẳm sâu nhất trong lòng người nghe, khiến người nghe được sống trong những thời khắc lịch sử, thời khắc đau thương và mất mát, thời khắc Bác Hồ mãi mãi bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay“!

Dù sinh ra và lớn lên khi Bác đã đi xa hàng thập kỷ, dù chưa được Bác cho kẹo lần nào nhưng trước tình cảm của Người dành cho nhân dân, cho thiếu niên, nhi đồng chúng em - những thế hệ măng non Hồ Chí Minh, những câu chuyện về Bác khiến em cảm thấy như Bác luôn ở rất gần bên cạnh chúng ta. Đọc những câu chuyện về Bác, em càng thấy Bác giản dị, thân thương như một người ông. Những lúc như thế, em lại thầm ước ao nếu được có mặt tại nơi ấy, ngày tháng ấy, nhất định sẽ nhớ và hát cho Bác nghe trọn vẹn khúc hát quê hương xứ sở.

Đó chính là cách để thiếu nhi chúng em thể hiện tình yêu Tổ quốc - cũng là điều đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy. Mỗi học sinh, mỗi đội viên muốn trở thành người có ích cho đất nước trước hết phải yêu quê hương, yêu bản sắc cổ truyền mà cụ thể là phải biết bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa như khúc Dân ca ví, giặm. Bởi vậy, em và các bạn trong CLB dân ca của trường mỗi tuần đều ôn lại những điệu ví, giặm cổ, đồng thời tích cực sáng tác những lời ca mới trên làn điệu ví, giặm. Vào những ngày này, mỗi khi hát dân ca, chúng em thật sự thấy nhớ Bác như nhớ người ông thân thương của mình. Lại muốn được sà vào lòng ông để kể cho ông nghe: Cháu được là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh, và được ra Thủ đô thăm Lăng Bác Hồ.

Thanh Nga (ghi theo lời kể của em Vũ Thị Khánh Huyền -HS lớp 5 B, Trường TH Yên Hợp - Quỳ Hợp, đoạt giải Nhì hội thi kể chuyện Bác Hồ cấp tỉnh)

Mới nhất
x
Cảm xúc về "Cuộc trường chinh nhẹ cánh bay"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO