Cần biết rõ nguồn gốc lợn sạch bệnh để chung đụng mổ ăn Tết
(Baonghean.vn) - Trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rải rác ở một số địa phương, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chung nhau mổ lợn ăn Tết cần biết rõ nguồn gốc là sạch bệnh.
Người dân cần biết rõ nguồn gốc lợn sạch bệnh để giết mổ trong dịp Tết. Ảnh: Xuân Hoàng |
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, giá thịt lợn tăng mạnh so với ngày thường do vậy người dân thường chung đụng mổ lợn. Đó là vấn đề lo lắng đối với cơ quan chuyên môn, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rải rác ở một số địa phương. Người dân không khỏi băn khoăn, liệu trước nhu cầu thịt lợn nhiều, đồng nghĩa với số lợn phải giết mổ tăng đột biến, bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ hội bùng phát.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Hiện đàn lợn của Nghệ An còn khoảng 900.000 con, đáp ứng đủ thực phẩm cho người dân ăn Tết. Tuy nhiên, dự báo giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao, do vậy người dân sẽ mổ lợn để chung đụng.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn, người dân cần lưu ý một số vấn đề khi tham gia giết mổ lợn và sử dụng thịt lợn. Đối với những địa phương đã công bố hết dịch, được phép giết mổ lợn, nhưng không nên mua lợn từ vùng khác đến, nếu có thì phải xác định rõ nguồn gốc là lợn sạch bệnh. Trong quá trình giết mổ lợn, cần tránh xa khu vực chăn nuôi; sau khi làm xong, phải vệ sinh dụng cụ: dao, thớt… sạch sẽ; các chất thải cũng phải được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường và tiến hành phun hóa chất khử trùng.
Trước, trong và sau Tết, cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra chất lượng thịt lợn bán trên thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng |
Đối với những xã chưa hết dịch, người dân không nên giết mổ lợn, thay vào đó là sử dụng các loại thực phẩm tươi sống khác, hoặc sử dụng thịt lợn cấp đông.
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được chấm dứt, người dân không nên chủ quan, bởi trong dịp Tết số lượng lợn thịt giết mổ nhiều, đặc biệt là lượng người và phương tiện đi lại nhiều trên các tuyến đường, khiến mầm dịch có cơ hội bùng phát trở lại.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trong thời gian vừa qua, số xã qua 30 ngày dịch giảm nhanh, từ chỗ 367 xã xảy ra dịch, thì đến ngày 11/1, chỉ còn 25 xã chưa qua 30 ngày dịch. Hiện đã có 6 huyện hết dịch tả lợn châu Phi là Quỳ Châu, Con Cuông, Nam Đàn, Tương Dương, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa.