Cần bình tĩnh xử lý, có thái độ ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm giao thông

Tiến Đông 20/03/2024 09:04

(Baonghean.vn) - Có những vụ va chạm giao thông rất nhỏ, thậm chí không gây hậu quả nghiêm trọng, hư hỏng tài sản không đáng kể. Thế nhưng, nhiều người đã không kiểm soát lời nói, hành vi, khiến sự việc bị đẩy đi quá xa…

Chuyện bé, xé ra to

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ va chạm khi tham gia giao thông chỉ ở mức nhẹ, có thể bắt tay giảng hòa, nhưng do người điều khiển phương tiện không kiểm soát được hành vi, ứng xử thiếu văn hoá dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Vào sáng 13/3/2024, tại khu vực vòng xuyến Hải quan (TP.Vinh), khi các phương tiện đang lưu thông thì bất ngờ xe máy mang biển kiểm soát 37N9-6899 do Phạm Hải B. (SN 1984, công tác tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Thanh Thuỷ, Thanh Chương) va chạm với chiếc xe ô tô hiệu Vios màu vàng cát. Sau va chạm, B. ngã ra đường. Tuy nhiên, ngay khi vừa đứng dậy, người đàn ông này đã dùng chân đạp vào cửa xe ô tô và lập tức tháo mũ bảo hiểm trên đầu đập mạnh làm vỡ kính cửa xe bên lái, sau đó ném mạnh chiếc mũ bảo hiểm vào trong xe ô tô do một phụ nữ điều khiển.

BNA_Hiện trường sự việc vào sáng 13_3 vừa qua tại vòng xuyến Hải Quan. Ảnh- CSCC.jpg
Hiện trường vụ va chạm dẫn đến hành động đập kính xe ô tô của Phạm Hải B. vào ngày 13/3/2024 vừa qua. Ảnh: CSCC

Vụ va chạm này đã được camera hành trình của các phương tiện lưu thông tại khu vực đó ghi lại, sau khi đăng lên mạng, hành vi côn đồ của Phạm Hải B. đã gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù hành động của Phạm Hải B. không gây thương tích nặng cho người ngồi trong xe ô tô nhưng đã gây hư hỏng đối với chiếc xe. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an thành phố Vinh đã nhanh chóng vào cuộc xác minh xử lý. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Nghệ An cũng đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phạm Hải B. trong vòng 15 ngày, từ ngày 14 đến 28/3/2024.

BNA_Kính phía lái của chiếc xe ô tô bị đập vỡ, chiếc mũ bảo hiểm bị ném vào bên trong. Ảnh CSCC.jpg
Kính phía lái của chiếc xe ô tô bị đập vỡ, chiếc mũ bảo hiểm bị ném vào bên trong. Ảnh: CSCC

Trước đó, vào khoảng 13h50 phút ngày 17/12/2023, Tôn Quang N. (SN 1993, trú tại xã Võ Liệt, Thanh Chương) điều khiển xe máy chở Phan Bảo Ng. lưu thông trên Quốc lộ 46 hướng từ xã Võ Liệt sang xã Ngọc Sơn để đi chơi.

Khi cả 2 đến đoạn giữa cầu Rộ thì ô tô tải mang BKS 37C - 190.21 do anh Lê Doãn Thuận (SN 1996, trú tại xã Thanh Thủy, Thanh Chương) điều khiển đi vượt lên làm N. và Ng. bị ngã. Cho rằng lái xe ô tô cố ý ép xe máy làm mình bị ngã nên N. điều khiển xe máy chở Ng. đuổi theo để yêu cầu lái xe ô tô dừng lại nói chuyện.

Đến đoạn đường rẽ phải về cây xăng Cầu Rộ hướng về Vinh thì Ng. và N. tiếp tục ngã xe. Phan Bảo Ng. đứng dậy, điều khiển xe máy một mình đuổi theo ô tô. Khi đi qua cây xăng Cầu Rộ khoảng 200m, ô tô dừng lại, Ng. dừng xe ở lề đường, nhặt 1 cành cây đập vào gương chiếu hậu và kính cánh cửa bên lái làm 2 gương bị vỡ. Chưa dừng lại, Ng. còn dùng gậy đập nhiều phát vào vị trí người lái xe, nhưng anh Thuận tránh được.

Quá trình xảy ra vụ việc, Hoàng Văn Th. (SN 1998, trú tại xã Thanh Long, Thanh Chương), đi sau chứng kiến, sau đó cũng chạy đến hỗ trợ Ng. dùng cành cây ném về phía người điều khiển ô tô nhưng không trúng. Khi bị nhóm thanh niên hung hãn đập xe, tài xế liên tục lái xe tiến - lùi, khiến người đi đường lo sợ.

Sự việc sau đó đã được người đi đường ghi lại và tung lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Ngay sau đó, Công an huyện Thanh Chương cũng đã xác minh danh tính và tiến hành tạm giữ hình sự đối với Phan Bảo Ng. và Hoàng Văn Th. để điều tra làm rõ hành vi huỷ hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.

BNA_thanh chương.png
Nhóm thanh niên chặn đầu và đập phá xe tải sau va chạm giao thông trên Quốc lộ 46 đoạn qua huyện Thanh Chương vào ngày 17/12/2023. Ảnh cắt từ clip người dân cung cấp

Không kiểm soát hành vi sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Trọng Hải - Giám đốc Công ty TNHH Luật Trọng Hải & Cộng sự cho rằng, những vụ va chạm giao thông trên đường là tình huống không may nhưng thường xuyên xảy ra hiện nay. Vấn đề là người tham gia giao thông ứng xử như thế nào trước tình huống đó. Nếu là người văn minh, lịch sự, có văn hoá khi tham gia giao thông, họ sẽ bình tĩnh xử lý, phân tích tình hình đúng, sai; thậm chí có thể bắt tay làm hoà nếu sự việc không quá nghiêm trọng; hoặc sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, với những người thiếu hiểu biết, dù đúng sai chưa rõ ràng, họ vẫn sẵn sàng dùng hành vi bạo lực, tấn công người khác mà không cần hòa giải hay dùng lý lẽ phân tích phải trái.

Nhiều người vì hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân trước bạn bè đã gây thương tích cho người khác. Thậm chí có người trên xe còn để sẵn hung khí như ống tuýp sắt, dao, gậy… sẵn sàng lao vào tấn công người khác sau khi va chạm giao thông. Để rồi, bản thân họ cũng vướng vòng lao lý và phải bồi thường những tổn thất về vật chất lẫn tinh thần cho người bị hại...

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Trọng Hải - Giám đốc Công ty TNHH LUẬt Trọng Hải & Cộng sự

Theo Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuỳ vào mức độ gây thiệt hại cho tài sản mà mức xử phạt cho hành vi này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

ls hải.jpg
Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho rằng người tham gia giao thông phải có những ứng xử văn minh sau khi xảy ra va chạm. Ảnh: PV

Không những vậy, hành vi đánh nhau hiện nay cũng được xem là một trong những hành vi gây mất trật tự công cộng. Thông thường, khi đánh nhau thì tuỳ vào mức độ tính chất của hành vi vi phạm mà người đánh nhau có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng có các tình tiết được quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 (trong đó có tính chất côn đồ) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Mức phạt đối với hành vi này là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt tối đa đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo ngành chức năng, để không tái diễn tình trạng đánh nhau, huỷ hoại tài sản sau khi va chạm giao thông, trước hết mỗi người cần chấp hành pháp luật về giao thông. Trong trường hợp không mong muốn, xảy ra va chạm giao thông, phải bình tĩnh xử lý, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, mời cơ quan chức năng giải quyết và phải chấp hành mọi quy định của pháp luật khi vi phạm…

Một vấn đề đáng lưu tâm là, những năm gần đây, hướng tới chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng; chính quyền các địa phương, ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp xây dựng văn hoá giao thông. Vì vậy, trước hết, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… phải tiên phong, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, mỗi người dân khi lưu thông trên đường cũng cần phải lên tiếng trước các hành vi thiếu văn hoá khi tham gia giao thông. Dùng camera hành trình ghi lại vi phạm, ghi lại hành vi bạo lực khi va chạm giao thông xảy ra… để cơ quan chức năng xử lý cũng là một giải pháp nhằm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần xây dựng văn hoá giao thông an toàn…

Mới nhất

x
Cần bình tĩnh xử lý, có thái độ ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO