Cán bộ cơ sở cần và muốn gì?

Đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên thực tiễn đặt ra nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ này. Từ thực tiễn kinh nghiệm những năm công tác, đồng chí Trương Công Anh – nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có một số chia sẻ liên quan đến đội ngũ cán bộ cơ sở.

Phóng viên: Lâu nay, hoạt động của các cấp, các ngành đang tập trung hướng về cơ sở, trong đó có sự quan tâm đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Vậy, cảm nhận của đồng chí về sự thay đổi này như thế nào?

Đồng chí Trương Công Anh: Đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa công dân với Nhà nước cũng như thúc đẩy các phong trào ở các địa phương phát triển. Bởi chính vai trò quan trọng đó, cho nên, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc gặp mặt với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Cuộc gặp mặt này chính là một sự đổi mới cách tiếp cận mới giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ chủ chốt cơ sở. Cuộc gặp mặt không chỉ khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, mà thông qua cuộc gặp mặt, tỉnh đã cung cấp nhiều thông tin và động viên đội ngũ này tiếp tục trăn trở, nỗ lực giải quyết tốt các vấn đề đang đặt ra tại cơ sở; đồng thời tỉnh cũng được nghe nhiều phản ánh từ cơ sở đang thiếu, yếu và cần cái gì.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các đại biểu bên lề cuộc gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh tư liệu
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các đại biểu bên lề cuộc gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh tư liệu

Từ đó để tỉnh xem xét lại nhiều vấn đề, trong đó quan tâm nhất là công tác cán bộ cơ sở – đội ngũ trực tiếp triển khai đưa các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống và đội ngũ cán bộ trực tiếp gần dân nhất, có tác động trực tiếp đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Mặt khác, từ cuộc gặp mặt này cũng nhằm nhắc nhở các đơn vị cấp huyện rằng, tỉnh còn làm như vậy thì huyện cần phải làm hơn.

Phóng viên: Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần thu hẹp phạm vi gặp mặt, vậy ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Trương Công Anh: Đúng như vậy! Theo tôi để thiết thực hơn thì không nên tổ chức cuộc gặp mặt chung cho tất cả các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh mà cần phải tổ chức theo nhiều đợt theo từng nhóm, từng vùng và nên duy trì thường niên. Bởi mục đích cuộc gặp mặt không phải dừng lại ở vấn đề gặp mặt để động viên mà quan trọng hơn là lắng nghe cơ sở và nói cho cơ sở nghe. Theo đó tỉnh cần tổ chức gặp mặt riêng đối với cán bộ chủ chốt các xã đặc biệt khó khăn; các xã ven biển; các phường, thị trấn; hay Ban Thường vụ các Đảng bộ cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp tỉnh… Khi tổ chức được các cuộc riêng này, tỉnh sẽ hiểu và nắm bắt rõ hơn những đặc thù và khó khăn ở các loại hình này; từ đó có những chỉ đạo sát, cụ thể cho từng loại hình thông qua các đơn vị cấp huyện và các đơn vị cấp huyện chỉ đạo, tác động đến từng cơ sở.

Phóng viên: Theo đồng chí, mặt mạnh của đội ngũ cán bộ bây giờ là gì?

Đồng chí Trương Công Anh: Lâu nay, từ sự tác động, chỉ đạo của cấp trên nên nhìn chung đội ngũ cán bộ cơ sở trong tỉnh đã có bước trưởng thành. Phần lớn họ đã nắm chắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, chịu khó học hỏi, trau dồi kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào ở địa phương cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Hay nói cách khác, họ đã tự mình nâng mình lên để hoàn thành nhiệm vụ ở cấp cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Lãnh đạo xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè.
Lãnh đạo xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè.

Phóng viên: Còn mặt yếu và thiếu ở họ là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Công Anh: Mặt yếu nhất của cán bộ cơ sở hiện nay là thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ví dụ trong việc trồng rừng, cán bộ cơ sở chỉ mong muốn chỉ đạo trồng được nhiều diện tích rừng nguyên liệu, nhưng lại không tư duy đến việc trồng các cây gỗ lớn xen  rừng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gỗ tự nhiên của thị trường và nâng cao giá trị rừng trồng. Hay đối với một số địa phương có một số các cây dược liệu quý, trong khi người dân tự thu hái để bán, nhưng cán bộ cơ sở lại không biết đứng ra tổ chức trồng và xây dựng thương hiệu như thế nào, hoặc trên cơ sở tiềm năng của địa phương để có đề xuất với huyện, với tỉnh hay các đơn vị Trung ương nhằm phát huy thế mạnh đó. Đó còn việc ứng dụng KHCN cũng chưa biết làm cách nào để tăng năng suất, sản lượng, đủ sức cạnh tranh, từ đó nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi…

Riêng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở một số vùng đặc thù, như vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế kém phát triển…, đang có những khó khăn riêng, đó là thông tin, là tri thức, kể cả khó khăn ở chỗ huyện và tỉnh chưa tạo điều kiện cho họ, mà chính họ đang loay hoay với thực tiễn khó khăn ở đó, trồng cây gì, nuôi con gì, tiêu thụ ở đâu… Mặc dù đã có không ít chương trình, dự án đầu tư cho cơ sở, song hiệu quả chưa cao và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế từ cơ sở.

Cán bộ thị trấn Dùng (Thanh Chương) trao đổi công việc.
Cán bộ thị trấn Dùng (Thanh Chương) trao đổi công việc.

Phóng viên: Theo đồng chí, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ cơ sở hiện nay là gì?

Đồng chí Trương Công Anh: Cấp cơ sở là nơi trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách và pháp luật  của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, cho nên yêu cầu trước hết đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt là phải nắm chắc các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật; nếu chưa nắm rõ phải đi học, đi hỏi, tuyệt đối không được làm theo ý chủ quan của mình. Thực tế, thời gian qua đã có một số sai phạm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở cơ sở cũng do xuất phát không nắm bắt được các quy định, cơ chế, chính sách.

Mặt khác, mối quan hệ giữa Bí thư Đảng ủy với Chủ tịch UBND xã, giữa Đảng ủy với UBND xã cũng chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao; có tình trạng chính quyền cứ thế là làm, còn cấp ủy thì không nắm được để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Ví dụ như đưa ra chủ trương thu, Đảng ủy phải nắm, nếu đúng thì cho chủ trương thu, nếu không thì không cho chủ trương thu; trường hợp chính quyền không chấp hành thì trách nhiệm của Đảng ủy phải báo lên cấp trên để xử lý, song đáng tiếc một số cơ sở chưa làm được như vậy.

Cán bộ cơ sở đòi hỏi phải sâu sát, gắn bó với phong trào. (Ảnh trên xuống, trái sang: Cán bộ thị trấn Nam Đàn trao đổi với các Chi bộ về nhiệm vụ phát triển đảng viên; Cán bộ xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn kiểm tra mô hình trồng ớt hàng hóa; Cán bộ, công chức xã Trung Sơn, huyện Đô Lương trực tiếp chỉnh trang trụ sở xã, xây dựng NTM).
Cán bộ cơ sở đòi hỏi phải sâu sát, gắn bó với phong trào. (Ảnh trên xuống, trái sang: Cán bộ thị trấn Nam Đàn trao đổi với các Chi bộ về nhiệm vụ phát triển đảng viên; Cán bộ xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn kiểm tra mô hình trồng ớt hàng hóa; Cán bộ, công chức xã Trung Sơn, huyện Đô Lương trực tiếp chỉnh trang trụ sở xã, xây dựng NTM).

Phóng viên: Ngoài sự tự nỗ lực, vươn lên của chính đội ngũ cán bộ cơ sở, theo đồng chí cấp trên cần giúp đỡ, hỗ trợ gì cho đội ngũ cán bộ cơ sở để họ có thể đảm đương được nhiệm vụ được giao?

Đồng chí Trương Công Anh: Về nguyên lý, cấp trên không thể làm thay cho cấp cơ sở được mà chính cơ sở phải tự làm, tự giải quyết. Song để cấp cơ sở làm được thì cũng cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên đối với cơ sở, Trước hết, cấp trên cần đổi mới, khắc phục tính chung chung trong quán triệt các chủ trương, nghị quyết, bởi đối với cán bộ cơ sở, điều họ cần là cái cụ thể. Suy cho cùng các chủ trương đều xây dựng trên cơ sở cái chung, nhưng trong cái chung đó không bao quát được cái riêng, cái đặc thù và với Nghệ An lại càng cần phải chú ý khi có nhiều cơ sở rất đặc thù.

Mặt khác, cấp trên cũng cần khắc phục tính bình quân trong lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở. Bởi thực tế, trình độ, năng lực tiếp nhận của đội ngũ cán bộ và điều kiện của mỗi cơ sở khác nhau; có nơi chỉ cần hướng dẫn là họ có thể làm được, nhưng có nơi thì cán bộ huyện phải trực tiếp về cùng ăn, cùng làm với cán bộ cơ sở mới có thể ra kết quả trên cơ sở chọn khâu yếu, nhiệm vụ đột phá để giúp cơ sở.

Một giải pháp khá quan trọng nữa, đó là cấp trên cần đưa cán bộ có năng lực, nhiệt huyết, trách nhiệm từ cấp huyện về làm cán bộ chủ trì ở cấp xã, đảm bảo đạt được cả 2 phương diện, vừa vực địa phương đó lên, vừa đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ ở địa phương khi cán bộ tăng cường được rút về huyện.

Cùng với các giải pháp nêu trên thì vấn đề mang tính lâu dài và bền vững là làm thế nào để cán bộ cơ sở lớn lên từ sự giúp đỡ của cấp trên, đảm đương được nhiệm vụ được giao. Muốn làm được điều này thì cấp trên cần phải đổi mới chương trình huấn luyện cán bộ cơ sở nói chung và chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã nói riêng. Không thể bồi dưỡng kiến thức chung chung về chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc các lý thuyết “sách vở” như lâu nay, mà cần có chương trình, bài giảng cụ thể, thực tế. Và cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng riêng cho từng đối tượng, Bí thư Đảng ủy phải biết công việc của mình và cần phải làm như thế nào nhưng cũng phải biết các công việc của Chủ tịch UBND cấp xã và ngược lại Chủ tịch UBND xã cũng vậy. Khi thực hiện được các vấn đề trên thì sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).