'Cán bộ phường có 2 con, thu nhập 4,5 triệu' chắc chắn diện hộ nghèo

28/03/2017 09:38

Ông Hoàng Văn Tài, chủ tịch UBND phường 13 (quận Tân Bình) cho biết, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng (bán chuyên trách 3 triệu đồng/tháng), cán bộ nào có đủ 2 con chắc chắn thuộc diện hộ nghèo.

Cán bộ UBND phường 7, quận Phú Nhuận đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ UBND phường 7, quận Phú Nhuận đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ngày 27/3, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu dẫn đầu đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016 tại TPHCM.

Ông Châu Văn La, chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, việc tạm dừng tuyển viên chức kế toán, y tế cấp học mầm non chờ phê duyệt đề án đã gây rất nhiều khó khăn cho địa phương vì nhiều kế toán đã đến tuổi nghỉ hưu, địa phương không được tuyển người mới nên phải sử dụng những người không có chuyên môn để thay thế.

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm, việc sử dụng người không có chuyên môn làm kế toán rất nguy hiểm vì nguồn thu nhiều trường từ 5-7 tỷ đồng/tháng.

Ông Hoàng Văn Tài, chủ tịch UBND phường 13 (quận Tân Bình) cho biết cùng là cán bộ, công chức trong UBND phường nhưng công chức (định biên) hưởng lương theo hệ số còn viên chức không chuyên trách chỉ được hưởng lương tối thiểu và không được hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, thất nghiệp…

“Với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng (bán chuyên trách 3 triệu đồng/tháng), cán bộ nào có đủ 2 con chắc chắn thuộc diện hộ nghèo”, ông Tài nói.

Giải trình chất vấn của đoàn giám sát vì sao TPHCM thiếu các mô hình, tổ chức bộ máy có tính đột phá, giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết TPHCM đã xin chủ trương và được Bộ Chính trị cho lập đề án chính quyền đô thị. TPHCM xây dựng xong đề án thì Quối hội đã “quyết” xong Hiến pháp năm 2013. TPHCM trình đề án sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến các Bộ, Ngành thì Trung ương yêu cầu không thực hiện nữa.

“TPHCM vấp vì sự thay đổi của trung ương. Như vấn đề quản lý đất đai chẳng hạn. Trước kia có văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc 24 quận huyện nhưng sau này trung ương yêu cầu sáp nhập, chỉ còn một văn phòng trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. Sát nhập rất hay nhưng không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến Ban bồi thường các quận, huyện tập trung về Sở. Không gắn với chính quyền địa phương thì bồi thường giải toả sẽ ách tắc. Đó là lý do vì sao có nhiều quy hoạch treo, dự án chậm triển khai”, ông Lắm nói.

Thừa nhận biên chế TPHCM còn thừa hơn 3.000 người so với đề án Chính phủ đã phê duyệt năm 2015 nhưng ông Lắm cho rằng TPHCM là một đô thị đặc biệt. 13 triệu dân của TPHCM khác rất xa so với các tỉnh thành khác vì bao gồm cả hàng vạn doanh nghiệp, quy mô làm việc phải phù hợp.

“Nếu tinh giản đến con số 8.500 biên chế thì sẽ không thể đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý đô thị rất nặng nề. TPHCM không thể giảm biên chế giáo dục, y tế. Vừa qua, các sở ngành trình kế hoạch. Đơn vị nào cũng đòi tăng thêm biên chế”, ông Lắm nói./.

Theo TPO

TIN LIÊN QUAN

'Cán bộ phường có 2 con, thu nhập 4,5 triệu' chắc chắn diện hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO