Kinh tế

Cán bộ trực tiếp có mặt tại cơ sở, cùng người dân ven sông Lam trắng đêm ứng phó lũ dữ

Thanh Phúc 24/07/2025 08:11

Trước diễn biến bất thường của mưa lũ và thủy điện xả điều tiết nước từ thượng nguồn, nhiều địa phương hạ du sông Lam đã bị ngập sâu, cô lập cục bộ. Chính quyền các cấp tại Nghệ An đã kịp thời huy động lực lượng, trực tiếp có mặt tại cơ sở, cùng nhân dân ứng phó, sơ tán khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn.

bna_2.jpg
Cán bộ, nhân dân xã Nhân Hoà trắng đêm di dời người và tài sản. Ảnh: CSCC

Chiều 23/7, do ảnh hưởng của việc xả lũ từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn, nước sông Lam dâng nhanh khiến nhiều khu dân cư tại các xã vùng trũng như Vĩnh Tường, Nhân Hoà, Anh Sơn, Yên Xuân… (thuộc Anh Sơn cũ) rơi vào tình trạng ngập sâu, chia cắt. Tại thôn Đỉnh Hợp (thôn 19/5 cũ), thuộc xã Nhân Hòa, nước bắt đầu tràn vào từ chiều và đến tối cùng ngày đã ngập sâu nhiều nhà dân, khiến hàng chục hộ bị cô lập.

Ông Nguyễn Đức Thắng, người dân thôn Đỉnh Hợp cho biết: “Nước lên quá nhanh. Chiều chỉ mới mấp mé cổng, đến tối đã vào tận nhà. Nhờ sự hỗ trợ của bà con lối xóm, chúng tôi kịp kê cao lúa, đưa vật nuôi đi gửi và sơ tán người đến nơi an toàn”.

bna_nvh.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Anh Sơn phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể khẩn trương thiết lập điểm trú ngụ tạm thời, tổ chức cung ứng lương thực, nước uống, chăn màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: T.P

Cùng thời điểm, nhiều người dân đã chủ động huy động xuồng máy, thiết bị nổi để di chuyển trong vùng ngập, hỗ trợ người dân di dời. Anh Nguyễn Hữu Thân, một người dân địa phương, cho biết: “Từ chiều chúng tôi đã đi từng nhà cảnh báo, hỗ trợ di chuyển tài sản. Đêm xuống nước lên rất nhanh, nhiều điểm bị cô lập, buộc phải dùng xuồng để di dời người dân”.

Trước tình hình phức tạp, UBND xã Nhân Hòa đã kích hoạt phương án phòng chống thiên tai, huy động lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, công an, quân sự nhanh chóng tiếp cận hiện trường, hỗ trợ sơ tán nhân dân. 1 giờ 10 phút sáng 24/7, đồng chí Đặng Đình Lục - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã trực tiếp có mặt tại thôn Đỉnh Hợp để chỉ đạo công tác di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

bna_yx.jpg
Tài sản của người dân cũng được hỗ trợ di dời an toàn. Ảnh: T.P

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nhân Hòa phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể khẩn trương thiết lập điểm trú ngụ tạm thời, tổ chức cung ứng lương thực, nước uống, chăn màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Những hộ có người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật và neo đơn được ưu tiên bố trí nơi sơ tán phù hợp, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu trong thời gian tránh lũ.

Không riêng xã Nhân Hòa, tại nhiều địa phương vùng hạ du sông Lam, chính quyền cơ sở đã chủ động ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp cứu hộ, cứu nạn trong đêm 23/7. Tại xã Yên Xuân, khi xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ ở một số thôn thấp trũng, lãnh đạo xã đã trực tiếp có mặt tại cơ sở, chỉ đạo lực lượng công an, quân sự phối hợp với nhân dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt tại thôn 8 và thôn 9 (xã Long Sơn cũ), đồng chí Phạm Văn Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo việc gia cố nhà cửa, mở lối thoát nước, đảm bảo an toàn các công trình dân sinh.

bna_bt.jpg
Cán bộ xã Yên Xuân có mặt trong đêm để chỉ đạo các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ người dân chạy lũ. Ảnh: CSCC

Tại xã Lĩnh Sơn và Cao Sơn cũ, lãnh đạo xã đã kịp thời có mặt tại các điểm xung yếu, cùng tổ xung kích địa phương hỗ trợ người dân sơ tán. Các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ được huy động tối đa trong đêm, triển khai phương án “4 tại chỗ”, kịp thời ứng cứu các điểm ngập sâu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

“Ngay trong đêm, ban chỉ đạo và 7 tổ xung kích gồm lực lượng công an, quân sự, dân quân... với 50 đồng chí đã tập trung về các thôn có nguy cơ cao để di dời người và tài sản. Theo đó, đã di dời người và tài sản của 115 hộ dân vùng ngập úng đến nơi an toàn. Tính đến 8h sáng 24/7, trên địa bàn xã có 7 thôn bị cô lập làm ảnh hưởng đến 566 hộ dân bị cô lập; Diện tích lúa bị ngập ngập nước là 45 ha; ngô 23 ha, mía 60ha.", ông Hoàng Đình Mỹ - Chủ tịch UBND xã cho biết.

bna_qd.jpg
Lực lượng công an xã Yên Xuân giúp dân kê cao lúa. Ảnh: T.P

Tại xã Vĩnh Tường (huyện Anh Sơn cũ), khi nước sông dâng cao gây ngập nhiều khu dân cư, lãnh đạo xã đã chỉ đạo thành lập 3 tổ ứng phó nhanh, huy động 100% cán bộ, công chức bám cơ sở, phối hợp cùng người dân di dời đồ đạc, tài sản, tổ chức nơi ở tạm thời.

Ông Đặng Anh Tân – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Trước diễn biến bất thường của lũ, cán bộ và nhân dân Vĩnh Tường đã trải qua một đêm trắng. Tất cả đều tập trung cho mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”.

bna-cb-vt(1).jpg
Cán bộ xã Vĩnh Tường xắn tay cùng bà con di dời tài sản khỏi nơi ngập úng. Ảnh: T.P

Mưa lớn kéo dài kết hợp thủy điện xả lũ đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền, sự chủ động, khẩn trương của các lực lượng chức năng và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, thiệt hại đã được giảm thiểu rõ rệt.

bna_tc.jpg
Đến sáng nay, một số nơi nước tiếp tục dâng cao, công tác di dời, sơ tán dân vẫn đang khẩn trương thực hiện. Ảnh CSCC

Sự có mặt kịp thời, đồng hành sát sao của lãnh đạo địa phương đã tiếp thêm niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong thời điểm khó khăn nhất.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cán bộ trực tiếp có mặt tại cơ sở, cùng người dân ven sông Lam trắng đêm ứng phó lũ dữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO