Cán bộ xã chia sẻ mô hình nuôi dế, tắc kè hoa cùng dân bản

Đào Thọ - Đình Tuân 11/01/2019 16:38

(Baonghean.vn) - Vốn có niềm đam mê nên chỉ sau một lần tiếp xúc, Lang Văn Hiển đã quyết tâm làm giàu từ việc nuôi dế, tắc kè. Cái cách làm của Hiển cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên, đó là việc anh vừa nuôi dế thương phẩm vừa làm thức ăn cho tắc kè.

Trong căn nhà nhỏ ở bản Na Tổng (xã Tam Thái, huyện Tương Dương), Lang Văn Hiển (SN 1984) đang cặm cụi kiểm tra hơn chục thùng dế hơn tuần tuổi của mình. Thấy khách vào, anh niềm nở khoe đàn dế đang bám chi chít trên các lá cây. Nghe tiếng động, đàn dế rào rào chạy xuống đáy thùng ẩn nấp.

Mô hình nuôi dế của Lang Văn Hiển. Ảnh: Đào Thọ
Mô hình nuôi dế của Lang Văn Hiển. Ảnh: Đào Thọ

Bên chén nước trà, Lang Văn Hiển tâm sự rằng, đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, tuy khá bận rộn nhưng anh vẫn duy trì đam mê với việc nuôi các loại côn trùng, bò sát. Năm 2016, nhân một lần sang huyện Quỳ Châu, được thưởng thức món dế rang khiến anh thích thú vô cùng. Về nhà, Hiển tìm hiểu cách nuôi, cách chăm sóc và quyết tâm làm giàu từ loài côn trùng này.

Sau khi chuẩn bị nhà nuôi, thùng, năm 2017, Lang Văn Hiển xuống thành phố Vinh mua giống dế về ươm thử. Sau hơn một tuần, anh vui mừng khi thấy từng đàn dế nhỏ li ti như kiến bám dày đặc quanh các thùng. Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng được bao lâu thì đàn dế chết như ngả rạ. “Thời tiết quá lạnh cộng với kinh nghiệm nuôi của mình chưa nhiều nên dế chết hết” - Lang Văn Hiển nói.

Lang Văn Hiển kiểm tra các thùng dế nuôi. Ảnh: Đào Thọ
Lang Văn Hiển kiểm tra các thùng dế nuôi. Ảnh: Đào Thọ

Tuy nhiên, thất bại ấy lại càng làm anh quyết tâm hơn. Trong khi đó, những người dân ở bản vùng cao này thấy việc làm của anh “chẳng giống ai”. Họ cho rằng dế là loài côn trùng sống trong tự nhiên thì làm sao mà nuôi được. Ấy vậy mà anh vẫn miệt mài bắt tay vào làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm của thất bại lần trước, Hiển mạnh dạn đầu tư thêm các bóng đèn sưởi ấm cho dế. Tổng số tiền bỏ ra theo Hiển cũng lên tới gần 40 triệu đồng.

Thức ăn của dế là các loại rau củ được trồng trong vườn nhà. Ảnh: Đình Tuân
Thức ăn của dế là các loại rau, củ được trồng trong vườn nhà. Ảnh: Đình Tuân

Từ đó, 11 thùng dế với diện tích mỗi thùng chừng 2 mét vuông của Lang Văn Hiển lớn nhanh như thổi. “Dế là loài ăn rau cỏ nhưng phải biết cách chăm sóc và theo dõi từng ngày nên cũng rất vất vả. Bù lại chúng lại cho thu hoạch nhanh, chỉ hơn 1 tháng là có thể cho thu hoạch nên dễ thu hồi vốn” - Lang Văn Hiển cho biết.

Đàn dế hơn 1 tuần tuổi. Ảnh: Đình Tuân
Đàn dế hơn 1 tuần tuổi. Ảnh: Đình Tuân

Tính ra, mới thực hiện nuôi lại nhưng năm 2018 Hiển đã có thu hoạch 4 lứa dế. Hiện tại, mỗi kg dế bán ra thị trường với giá từ 200 - 250 nghìn đồng nên đến thời điểm này mô hình của Hiển đã thu được gần 20 triệu đồng.

Hiện nay, anh đang đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi thử nghiệm tắc kè rừng, loại tắc kè này được anh mua từ dân bản với giá từ 150-170 nghìn đồng/con. Thức ăn chính của tắc kè chính là những con dế. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua bóng đèn dụ côn trùng để làm thức ăn bổ sung cho chúng. Chính nhờ đảm bảo được nguồn thức ăn nên tắc kè của Hiển phát triển rất tốt.

Tắc kè rừng, một mô hình mới của Lang Văn Hiển. Ảnh: Đào Thọ
Tắc kè rừng, một giống con mới đang được Lang Văn Hiển nuôi thử nghiệm. Ảnh: Đào Thọ

Hiện nay, với kinh nghiệm và hiệu quả từ mô hình, Hiển đang cung cấp dế giống và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều nông dân trong xã. Theo đánh giá của anh, các hộ được anh chuyển giao kỹ thuật và giống đều phát triển tốt và cho thu nhập khá.

Lang Văn Hiển hy vọng mô hình nuôi dế sẽ giúp đỡ được nhiều hộ nông dân của địa phương vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình./.

Mới nhất
x
Cán bộ xã chia sẻ mô hình nuôi dế, tắc kè hoa cùng dân bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO