Cần cái nhìn khoa học về chân dung Vua Quang Trung
(Baonghean.vn) - Cả tuần qua, giới nghiên cứu không ngừng tranh luận sau khi trên báo Tuổi trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính công bố bài viết có tính hệ thống lại quá trình tìm kiếm hình ảnh chân dung vua Quang Trung từ trước đến nay. Bức chân dung vừa được tìm thấy đặt ra vấn đề về thái độ ứng xử với tư liệu lịch sử và nhân vật lịch sử.
Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ là một nhân vật lịch sử đặc biệt. Cuộc đời ông gắn liền với những lần chinh phạt đánh thù trong giặc ngoài, đặc biệt là chiến thắng vang dội quét sạch 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Hình ảnh Vua Quang Trung được đăng tải trên nhiều tạp chí, pano, áp phich. Ảnh: Internet |
Thế nhưng, cùng với sự ra đi quá sớm của ông, triều đại Tây Sơn cũng tồn tại quá ngắn ngủi trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, khiến những tư liệu mô tả về ông cho đến nay vẫn chưa đầy đủ. Trong đó, có chuyện tranh vẽ chân dung ông kèm giai thoại về Vua Quang Trung giả cùng đoàn tùy tùng đi sứ sang Trung Hoa chúc thọ bát tuần vua Càn Long nhà Thanh.
Vì vậy, việc nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính công bố tài liệu về bức tranh cổ, do nhà nghiên cứu Trần Quang Đức sưu tầm tại bảo tàng cố cung Trung Quốc được cho là chân dung Vua Quang Trung đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới nghiên cứu lịch sử văn hóa, mặc dù phần lớn ý kiến đều cho rằng bức chân dung bán thân vẽ Vua Quang Trung trong hình dáng gầy gò, già hơn nhiều so với tuổi 37 của ông là không đáng tin cậy.
Người Việt Nam lâu nay dường như đã quá quen với hình ảnh Vua Quang Trung là một võ tướng anh hùng. Vì vậy, mà bức chân dung vẽ Vua Quang Trung cưỡi ngựa đăng trên Đông Thanh tạp chí số 1 năm 1932 mặc nhiên được mọi người chấp nhận. Sau đó, bức tranh chân dung này xuất hiện ở Tập san Sử Địa, số 9-10 phát hành Tết Mậu Thân và được in lại trên nhiều ấn phẩm khác, với ghi chú: “Ảnh do Vua Càn Long sai vẽ năm 1790”, được dẫn nguồn là từ tập “Mãn Châu cổ họa”.
Bức chân dung này đã được sử dụng chính thức làm chân dung Vua Quang Trung, được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh ở miền Nam trước năm 1975, được các họa sĩ thiết kế đưa vào in chính thức trên tờ giấy bạc 200 đồng của Ngân hàng quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn).
Cùng với các tư liệu lịch sử, hình ảnh này đã trở thành một cơ sở quan trọng để các nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tượng đài Hoàng đế Quang Trung cả trong và ngoài nước.
Tượng đài Quang Trung ở trung tâm thành phố Qui Nhơn. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, giai thoại “Vua Quang Trung giả” cũng là một câu chuyện được lưu truyền từ hàng trăm năm nay. Theo tài liệu lịch sử, sau khi đại thắng quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu 1789, Ngô Thì Nhậm tổ chức đoàn sứ bộ sang Yên Kinh trao trả 800 tù binh và cầu phong. Hoàng đế Càn Long chấp nhận nhưng lại mời đích thân Vua Quang Trung sang triều kiến nhân lễ bát tuần đại khánh của mình.
Đến tháng 11, Vua Càn Long cử sứ bộ mang chiếu sang Thăng Long phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Ngô Thì Nhậm đã chọn người đóng giả vua Quang Trung để tiếp chiếu. Đầu năm Canh Tuất (1790), Vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm tổ chức sứ đoàn sang Bắc Kinh mừng thọ vua Càn Long. Đoàn sứ bộ gồm hơn 150 người. Chỉ có điều dẫn đầu là Vua Quang Trung giả (theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” sơ tập quyển 30 của Quốc sử quán triều Nguyễn, người đóng giả Quang Trung là cháu bên vợ của ông - Phạm Công Trị).
Ngoài vua giả, còn có Nguyễn Quang Thùy (con trai Vua Quang Trung), Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Duật...
Bìa tập san Sử Địa - chụp lại. Ảnh: Internet |
Những bức vẽ chân dung Vua Quang Trung được cho là ra đời nhân sự kiện này, khi Vua Càn Long sai họa sĩ trong cung vẽ lại cảnh sứ thần các nước vào mừng thọ. Theo TS Nguyễn Duy Chính - người có bài viết giới thiệu tài liệu về bức chân dung bán thân được ông Trần Quang Đức công bố được cho là "hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh”.
TS Nguyễn Duy Chính căn cứ vào kiểu mũ xưng thiên Vua Quang Trung đội trong hình, đọc được ba dấu triện đóng trên tranh, dịch bài thơ ngự bút của Vua Càn Long viết phía trên bức tranh mà cho rằng, bức hình này là bản trắng đen của một trong ba bức bán thân vẽ màu do các họa sĩ Trung Hoa vẽ Vua Quang Trung và cho rằng đây có thể được xem là chân dung trung thực nhất của vị vua huyền thoại này.
Tuy nhiên, phần đông người đọc và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì lại không đồng tình, cho là thiếu thuyết phục. Bởi cứ theo những gì mà sách xưa để lại thì "Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ" (Đại Nam chính biên liệt truyện). Một người anh hùng chiến công lừng lẫy, áo bào nhuộm thuốc súng, trực tiếp chỉ huy ba quân đánh tan 29 vạn quân Thanh chỉ trong vài tuần, lại mới 37 tuổi, cái tuổi tinh anh đang phát tiết đầy dũng khí anh hào, không thể là một ông già hom hem như những gì mà bức tranh kia mô tả.
Chân dung vua Quang Trung - ảnh do Trần Quang Đức công bố. |
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về Vua Quang Trung, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ở Huế cho rằng “đây thật ra là bức vẽ về nhân vật đóng giả Vua Quang Trung khi sang Bắc Kinh mừng thọ Càn Long mà thôi”.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa 80 tuổi này chia sẻ trên báo Văn hóa thì “Chân dung một ông vua đánh tan 29 vạn quân Thanh lại được vẽ với dáng dấp gầy gò, ốm yếu, râu ria chắc hẳn phải đặt nghi vấn. Người Trung Quốc rất cẩn trọng và chi tiết trong xem nhân tướng học. Việc vẽ ra một bức chân dung như thế để gọi là Vua Quang Trung là ý muốn xem thường nước ta”.
Và ông cũng cho biết thêm là trước đây, từng có nhà nghiên cứu của Trung Quốc công bố bức hình vẽ được cho là Vua Quang Trung. Tuy nhiên, ông đã có bài phản biện và chứng minh đó là hình ảnh một ông vua của Trung Quốc.
Chân dung vua Quang Trung trên giấy bạc. Ảnh: Internet |
Quang Trung là vị Hoàng đế anh hùng. Sự nghiệp của ông để lại tuy ngắn ngủi nhưng đầy kỳ tích. Vì nhiều lý do của lịch sử mà những tư liệu về vị Hoàng đế này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, trong đó có việc xác định chân dung của ông.
Tuy nhiên, với hình ảnh mà nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính vừa công bố, thiết nghĩ cần xem đây là dịp để các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử có những tranh luận hết sức khoa học, chính xác để chấm dứt những nhầm lẫn đáng tiếc về vị Hoàng đế lừng lẫy chiến công - vị anh hùng dân tộc Quang Trung.