Cận cảnh 'nếp' xóm trọ công nhân
(Baonghean.vn) - Giữa bộn bề vất vả, thiếu thốn, niềm vui của người lao động ở các xóm trọ dành cho công nhân vô cùng giản đơn và mộc mạc.
Trong tất cả các khu nhà trọ dành cho công nhân lao động trên địa bàn TP. Vinh, những xóm trọ ở khu công nghiệp Bắc Vinh có “lịch sử” lâu nhất. Trước khi khu công nghiệp Bắc Vinh phát triển, những chủ nhà trọ dọc đường Đặng Thai Mai vốn là những nông dân trồng rau. Vì khó khăn trong sản xuất hoa màu và nhu cầu ở trọ của công nhân cao, nên họ sử dụng đất trồng rau để xây nhà cho thuê. Ảnh: Diệp Thanh |
Mỗi khu nhà trọ thường được xây với chiều dài từ 50-80m với một lối đi ở giữa để dựng xe và phơi đồ, 2 bên là 2 dãy nhà với những cánh cửa gỗ thô mộc... Sự giống nhau này khiến nhiều người mới đến rất dễ bị nhầm lẫn giữa các dãy nhà hoặc các phòng với nhau. Ảnh: Diệp Thanh |
Sau giờ tan ca, tiếng xe máy, tiếng cười nói, tiếng nước chảy, tiếng xào nấu, bát đĩa lanh canh... khiến xóm trọ trở nên vô cùng sinh động. Ảnh: Diệp Thanh |
Một người đàn ông giúp vợ sơ chế thức ăn để chuẩn bị bữa tối. Ảnh: Diệp Thanh |
Thỉnh thoảng các thành viên trong xóm trọ lại rủ nhau ăn “cơm góp”, mỗi phòng “đạo diễn” một món, góp lại thành một mâm cơm chung. Ảnh: Diệp Thanh |
Với diện tích trung bình từ 10-15m2, bao gồm cả bếp và công trình phụ, nhiều phòng trọ chỉ kê một chiếc giường và một chiếc bàn. Mỗi khi tụ tập ăn uống, đồ đạc trong phòng phải đặt chồng lên nhau hoặc dẹp lại để đủ chỗ. Và vì phòng hẹp không có chỗ để tủ, nên những dây phơi quần áo lúc lỉu cũng là một đặc trưng của xóm trọ công nhân. Ảnh: Diệp Thanh |
Dù phải làm việc từ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày và đồng lương không cao, nhưng cuộc sống ở xóm trọ công nhân không thiếu những niềm vui bình dị, chân phương. Ảnh: Diệp Thanh |
Niềm vui, kỳ vọng lớn nhất ở những xóm trọ có lẽ được đặt vào những đứa trẻ. Dù sống cùng bố mẹ trong xóm trọ hay cùng người thân ở quê thì chúng cũng là động lực để những ông bố, bà mẹ cố gắng mỗi ngày, mong cho con có một tương lai tươi sáng. Ảnh: Diệp Thanh |