Xã hội

Cận cảnh thi công xử lý sạt lở Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc, huyện Thanh Chương

Huy Thư 26/06/2024 17:42

Mùa mưa đến, Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc, huyện Thanh Chương thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Dự án xử lý sạt lở đang thi công tại đây sẽ góp phần xóa điểm đen giao thông ở núi Nguộc.

bna_1..jpg
Núi Nguộc nằm ven sông Lam thuộc địa bàn 2 xã Thanh Ngọc và Ngọc Sơn (Thanh Chương) có 3 ngọn, cao 109m. Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc khá hiểm trở vì một bên núi cao, một bên sông sâu. Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường qua núi Nguộc đã bị địch bắn phá ác liệt. Ngày nay, tuyến đường này vẫn đang là điểm đen giao thông. Ảnh: Huy Thư
bna_2.jpg
Những năm qua, vào mùa mưa, tại núi Nguộc thường xuyên xảy ra sạt lở. Đặc biệt, vào năm 2020, núi Nguộc đã sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 2 km, gây ách tắc hoàn toàn Quốc lộ 46B. Sau mỗi lần sạt lở, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý, khắc phục sự cố, như nổ mìn phá đá, dựng lưới thép, kè sông, làm mương, chỉnh đường... Ảnh: Huy Thư
bna_3.jpg
Việc xử lý sạt lở ở núi Nguộc một cách quy mô, nhằm tạo ra một đoạn đường an toàn, hạn chế thấp nhất việc sạt lở mỗi mùa mưa đến không chỉ là sự mong mỏi, trông chờ của người tham gia giao thông trên tuyến đường này mà còn là của người dân địa phương. Ảnh: Huy Thư
bna_4.jpg
Hiện Dự án "Xử lý sạt lở đoạn KM39 +200 - KM39 +750 Quốc lộ 46B, tỉnh Nghệ An" do Khu Quản lý đường bộ II làm chủ đầu tư đang được thi công ở núi Nguộc. Công trường nằm trên địa bàn xã Thanh Ngọc (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
bna_5(2).jpg
Đại diện Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 470 đang thi công tại công trường xử lý sạt lở cho biết: Dự án có nhiều hạng mục, do 3 công ty trực tiếp thi công. Các đơn vị đang huy động, nhân lực, phương tiện lao động khẩn trương. Công trình khởi công từ ngày 18/5, dự kiến sẽ hoàn thành trong 6 tháng. Ảnh: Huy Thư
bna_6(2).jpg
Theo dự án này, các điểm nhô của núi Nguộc án ngự Quốc lộ 46B trên đoạn KM39 +200 - KM39 +750 đều được xẻ sâu, giải phóng đất, đá để mở rộng lòng đường. Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Một vị trí thường xuyên sạt lở tại núi Nguộc (nơi từng được giăng lưới thép bảo vệ) đang được hạ độ cao. Theo các đơn vị thi công, hiện máy móc và phương tiện đang làm việc khá thuận lợi. Trong quá trình xẻ núi, nếu gặp những khối đá lớn, sẽ xin giấy phép các cơ quan chức năng nổ mìn phá đá. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Núi Nguộc sẽ được bạt ta luy theo bậc (từ 2 đến 6, 7... bậc) tùy vào vị trí và độ cao của núi nhằm chống sạt lở. Đường dây điện đi trên núi ảnh hưởng đến công trình đang thi công sẽ được di dời lên phía trên. Ảnh: Huy Thư
bna_9(2).jpg
Một số đoạn bê tông kiên cố chắn phía bờ sông của Quốc lộ 46B đã được phá dỡ để thi công công trình. Có những khối đá lớn lăn từ trên núi xuống sông, không bị mắc lại trên đường. Người và phương tiện lưu thông qua đây cần quan sát cẩn thận. Các đơn vị thi công cũng cần gia tăng việc phun nước chống bụi, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Huy Thư
bna_10(1).jpg
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông, hằng ngày từ 7h - 11h, 14h - 17h, các đơn vị thi công đã dựng rào chắn trên Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc, cấm người và phương tiện qua lại trong từng thời điểm cụ thể, cứ 15 phút sẽ mở rào chắn 1 lần. Việc chấp hành nghiêm quy định của công trường sẽ góp phần gìn giữ an toàn chung cho mọi người. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Dự án chống sạt lở tại núi Nguộc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đi lại của nhân dân huyện Thanh Chương, bởi đây là con đường huyết mạch kết nối giữa huyện Thanh Chương với thành phố Vinh và các vùng phụ cận. Chính vì lẽ đó, khi Cục Đường bộ có chủ trương xử lý đoạn này, Ủy ban nhân dân huyện đã tích cực phối hợp giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện. Dự án hoàn thành sẽ giúp cho các phương tiện giao thông lưu thông qua đoạn đường này thuận lợi hơn, đặc biệt là khi mùa mưa đến". Ảnh: Huy Thư
Xử lý sạt lở ở núi Nguộc. Video: Huy Thư
Cận cảnh thi công xử lý sạt lở Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc, huyện Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO