Cần có giải pháp quản lý

28/11/2011 15:49

(Baonghean.vn) Việc kiểm soát, quản lý số lượng vịt được người dân nuôi theo hình thức thả đồng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là một trong những nguồn lây nhiễm và phát tán ra diện rộng khi có dịch bệnh xảy ra. Cần mở ra một hướng chăn nuôi mới cho người dân trong phát triển kinh tế là vấn đề đặt ra hiện nay.

(Baonghean.vn) Việc kiểm soát, quản lý số lượng vịt được người dân nuôi theo hình thức thả đồng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là một trong những nguồn lây nhiễm và phát tán ra diện rộng khi có dịch bệnh xảy ra. Cần mở ra một hướng chăn nuôi mới cho người dân trong phát triển kinh tế là vấn đề đặt ra hiện nay.

Quản lý vịt… trên giấy

Nuôi vịt thả­ đồng đang là hình thức phát triển kinh tế mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân. Vào những đợt thu hoạch vụ mùa xong, đàn vịt được người dân thả đồng rất nhiều. Chúng ăn vét những hạt lúa rụng và những động vật sống ở ruộng như cua, ốc, dế... Cứ sáng lùa đi, tối lùa về nhốt tạm ở những chuồng đơn sơ cạnh bờ kênh, góc ruộng. Nhờ vậy, người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.



Biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm phòng vắc-xin cho vịt khi thả ngoài đồng.

Anh Võ Văn Truyền ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên có hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng. Anh cho biết nghề nuôi vịt nhiều rủi ro, nhưng không thể bỏ được vì đã quen nghe tiếng vịt kêu và niềm vui đếm trứng hàng ngày. Tuy anh nuôi không nhiều, mỗi đợt chỉ có vài trăm con vịt đẻ nuôi thả đồng sau các vụ thu hoạch lúa và mùa nước nổi vào tháng 9, tháng 10 âm lịch;nhưng gia đình anh nhờ vậy có thu nhập khá ổn định. Như năm nay, anh nuôi đàn vịt đẻ gần 750 con, thả chúng ngoài đồng tìm thức ăn tự nhiên như cua, cá, lúa đổ trên đồng, nên chi phí tiêu tốn thức ăn công nghiệp rất ít. Hơn nữa, do thả đồng “đủ mồi ăn” nên tỷ lệ vịt đẻ rất cao, bình quân mỗi ngày anh thu trên 600 trứng . Với giá bán trứng như hiện nay, anh kiếm trên 1 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí anh còn lãi gần60%.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nghề nuôi vịt chạy đồng là gặp rủi ro về dịch bệnh. Nuôi vịt thả đồng là hình thức chăn nuôi “thả rông” trên phạm vi rộng từ vùng này sang vùng khác, nếu dịch bệnh xâm nhập sẽ dễ lan nhanh. Do đó, các địa phương không chỉ quản lý tốt đàn vịt của các hộ dân nuôi tại chỗ, mà còn cần theo dõi và quản lý chặt chẽ các đàn vịt từ các vùng khác đến. Đây là công tác mà ngành chức năng và chính quyền cơ sở phải làmthường xuyên. Tuy nhiên, vấn đề an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn đòi hỏi ý thức cao và sự hợp tác của người chăn nuôi.

Liên tiếp từ năm 2004 đến nay, những đợt dịch cúm gia cầm, thủy cầm H5N1 đã làm cho nhiều hộ khốn đốn, có hộ phá sản và bỏ nghề. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vịt chạy đồng trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 1,1 triệu con. Hiện vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau về việc phát triển đàn vịt nuôi thả đồng và ngành Thú y cho rằng hình thức nuôi này không an toàn sinh học. Tuy nhiên, vì lợi ích và là nghề lâu dài nên nông dân vẫn còn nuôi.

Ông Phạm Hồng Tiến, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có hơn 100 ngàn con vịt, trong đó có đến gần 80 ngàn con được nuôi theo hình thức thả đồng. Chúng tôi cũng chỉ quản lý trên giấy qua báo cáo của các xã lên, chứ không thể kiểm soát hết”. Mặc dù theo quy định thì tất cả số vịt đều phải qua tiêm phòng nhưng “có nhiều hộ nuôi vịt đẻ nên họ không muốn tiêm vì sợ tiêm xong vịt khó đẻ hơn”. Điển hình như vào tháng 9 vừa qua, đàn vịt của ông Nguyễn Bá Phúc tại xóm 6, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) bị nhiễm cúm H5N1 nhưng ông Phúc không tiêm phòng cho vịt. “Nhận thức của người chăn nuôi về tiêm phòng còn rất hạn chế. Hơn nữa, vắc-xin phòng dịch còn thiếu nên nguy cơ lây nhiễm khi có dịch bệnh là rất cao”, ông Tiến cho biết thêm.

Đổi mới mô hình chăn nuôi

Từ nay đến cuối năm là thời điểm rất thuận lợi cho dịch cúm H5N1 xuất hiện. Điều đáng chú ý là vi-rut H5N1 có trong các mẫu gia cầm bị nhiễm bệnh trong thời gian gần đây đều có độc lực cao. Để đối phó với dịch bệnh này, ngành Thú y đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tính chất nguy hiểm của bệnh cúm H5N1 hiện nay, đề cao cảnh giác trong việc phòng chống, ngăn chặnkhả năng xuất hiện và lây lan trên diện rộng.

Để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là đối với đàn vịt được nuôi theo hướng chạy đồng, cách tốt nhất hiện nay vẫn là sử dụng vắc-xin tiêm phòng. Ông Ngô Văn Quỳnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hưng Nguyên, cho biết: Ngành Thú y đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiến hành tiêm phòng đúng qui trình, tiêm đủ liều, đủ thời gian và đúng kỹ thuật. Ngoài ra, ngành còn vận động các hộ chăn nuôi gia cầm và nuôi vịt chạy đồng với số lượng lớn nên có ý thức trách nhiệm, trung thực khai báo và đăng ký với chính quyền địa phương để được cấp sổ theo dõi, đảm bảo cho công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thuận tiện.

Để duy trì và phát triển nghề nuôi vịt, trong những năm qua, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên ngành chăn nuôi đã tìm ra những hình thức chăn nuôi mới phù hợp điều kiện hiện nay, nhất là quản lý vịt chống chịu tốt với dịch cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Việc nuôi vịt theo hướng mới được khuyến cáo là chuyển đổi nuôi theo hướng trang trại, trong đó có sự quản lý chặt chẽ về mặt thú y, cụ thể như các hình thức như: Nuôi nhốt kết hợp chăn thả (cách làm này thích hợp cho nuôi vịt đẻ trứng). Vịt nuôi nhốt trên bờ kênh, có mở lối cho vịt xuống nước.

Đến mùa thu hoạch lúa thì thả vịt ra đồng; Nuôi kết hợp vịt - cá có thể áp dụng ở những cơ sở sản xuất vịt con nuôi thịt. Nuôi vịt trên ao cá, phân vịt thải ra cho cá ăn hoặc tạo nguồn thủy sinh trong ao phát triển làm thức ăn cho cá. Đây là hình thức nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học được khuyến cáo chăn nuôi ở nhiều tỉnh; Nuôi nhốt hoàn toàn, không thả ra kênh, ra đồng. Phần lớn thức ăn cho vịt phải mua, vịt ăn thức ăn nhiều hơn nên giá thành cao. Hình thức này phù hợp trong lúc có dịch cúm, giúp người nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, người chế biến và người tiêu dùng an tâm hơn.

Bên cạnh đó, cần áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học như nuôi tập trung, xa khu dân cư, tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, cùng với con giống tốt, vệ sinh chuồng trại để đảm bảo an toàn về dịch bệnh.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Cần có giải pháp quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO