Cần có nghị quyết quy định nguồn vốn thực hiện quy hoạch
Ý kiến của ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm hơn trước và đi vào nề nếp. Theo đó, việc đầu tư, xây dựng và phát triển các ngành, các huyện cơ bản tuân thủ theo quy hoạch đã xây dựng và phê duyệt. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị làm quy hoạch chưa gắn với nguồn lực thực hiện nên dẫn đến quy hoạch "treo".
Nguồn vốn bố trí công tác quy hoạch mấy năm lại nay chỉ trích từ 10% tiền đất, (khoảng 35 tỷ đồng/năm), còn nguồn để phục vụ xây dựng cơ bản trong quy hoạch chủ yếu là nguồn từ Trung ương, chỉ xấp xỉ 20 tỷ đồng/năm. Việc tham mưu về công tác quy hoạch, kế hoạch còn nhiều mối, dẫn đến việc bố trí phân bổ nguồn lực còn manh mún, thiếu trọng tâm, trọng điểm, gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá công tác quy hoạch, kế hoạch.
Từ những tồn tại, bất cập trong thực tiễn liên quan đến công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, Sở Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị với Trung ương cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật (pháp lệnh hoặc luật) trong công tác quy hoạch.
Tăng cường công tác quy hoạch vùng nhằm đảm bảo có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch, trong đó có cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ở các địa phương về công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đối với cấp tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, nhất là việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quy hoạch. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý quy hoạch ở các ngành, các cấp. Đặc biệt, đề nghị HĐND tỉnh ra Nghị quyết quy định nguồn vốn thực hiện quy hoạch và đầu tư XDCB từ ngân sách địa phương để các địa phương chủ động (tỉnh Hòa Bình mỗi năm trích 60 tỷ đồng cho công tác này).
Bởi theo nguyên tắc muốn có chủ trương đầu tư thì phải rõ nguồn, trong khi đó nguồn địa phương không bỏ ra thì chủ trương đầu tư rất lúng túng, bị động. Trước khi ra chủ trương quyết định đầu tư thì cơ quan chức năng phải kiểm tra chặt chẽ nguồn vốn, ví dụ công trình này là lấy từ nguồn địa phương thì khi triển khai thực hiện sẽ sử dụng nguồn vốn địa phương để thực hiện.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng cần ban hành Nghị quyết về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn ngân sách như thế, quy định cụ thể (lâu nay không theo một nghị quyết nào cả). Thống nhất cơ quan đầu mối vừa tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện công tác quy hoạch gắn phân bổ vốn lập quy hoạch. Các cơ quan lập quy hoạch cũng chính là cơ quan lập dự toán tài chính, quản lý quy hoạch (hiện tại rất khó phân định)...
Mai Hoa (ghi)