Cần đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thư viện cơ sở

15/12/2011 14:29

(Baonghean) - Hiện trên địa bàn Nghệ An có hơn 142 thư viện, tủ sách công cộng, hàng năm phục vụ trên 250.000 lượt bạn đọc và 400.000 lượt sách luân chuyển. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ngày càng cao, hệ thống thư viện công cộng đang còn nhiều bất cập...

Là một trong những huyện đứng top đầu trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài thư viện huyện mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu, huyện Nam Đàn còn có một số thư viện tư nhân phục vụ công như Thư viện Làng Sen, Thư viện Nam Anh ... và phủ khắp 24 xã, thị trấn là hệ thống tủ sách, bưu điện văn hóa xã. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều mà các thư viện không biết tỏ cùng ai? Một cán bộ thư viện huyện Nam Đàn, cho biết: Những năm gần đây, để phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, thư viện liên tục mở cửa đều đặn, thường xuyên tất cả các ngày trong tuần (trừ ngày lễ và Chủ nhật), buổi sáng từ 7h30 - 11h30, buổi chiều từ 13h30 - 17h. Thái độ phục vụ vui vẻ, nhiệt tình nên trong điều kiện kho sách nghèo nàn vẫn thu hút khá đông đảo bạn đọc đến với thư viện. Để phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, trăn trở nhất hiện nay là, mặc dù thư viện có gần 12.000 bản sách nhưng chủ yếu vẫn là sách cũ, có quyển quá cũ và xuất bản cũng đã quá lâu, không đa dạng về thể loại nên có rất nhiều bạn đọc đến tìm mượn nhưng vẫn không có để phục vụ. Bên cạnh đó, thư viện có lượng bạn đọc là các em học sinh rất đông, nhu cầu của các em chủ yếu là mượn sách tham khảo - đây cũng là "mặt hàng hiếm" của Thư viện huyện Nam Đàn. Công tác đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nhất là việc bổ sung nguồn sách, báo hàng năm vẫn còn cầm chừng, hạn chế.



Thư viện xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) do nhân dân xây dựng hoạt động rất hiệu quả.

Đó cũng là niềm trăn trở của những người làm công tác thư viện tuyến cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Theo tìm hiểu được biết, hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua không đồng đều, phần lớn hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi không hoạt động như Thư viện huyện Tân Kỳ. Nguyên nhân chính là do kinh phí dành cho hoạt động thư viện quá thấp. Đến thời điểm hiện nay, mới có 2/20 huyện là Yên Thành và Quỳnh Lưu có kinh phí thường xuyên cho thư viện (Quỳnh Lưu 60 – 100 triệu đồng/năm; Yên Thành 30 – 60 triệu đồng/năm). Hơn nữa, nguồn sách ở thư viện huyện chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc nên không thể luân chuyển xuống cho các thư viện cơ sở, dẫn đến thực trạng nhiều thư viện, tủ sách có số lượng quá ít, nghèo nàn. Có nhiều xã cả năm không bổ sung được một đầu sách nào. Chủ yếu nhìn vào nguồn sách do chương trình mục tiêu quốc gia cấp hàng năm.

Bên cạnh những thư viện, tủ sách hoạt động chưa hiệu quả, còn mang tính "cho có" thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình thư viện hoạt động khá tốt từ công tác xã hội hoá như: Thư viện khối 8 phường Quang Trung – TP Vinh; Thư viện tư nhân Cây Tùng (Hưng Tân – Hưng Nguyên); Thư viện dòng họ Hoàng Khiêm (Diễn Cát - Diễn Châu); ở Thanh Chương có Thư viện xã Cát Văn, Thư viện xóm Phú Nhuận 2 – Thanh Ngọc… Thư viện Cây Tùng xuất hiện năm 2003 ở xã Hưng Tân do Đại tá về hưu Nguyễn Huy Thục thành lập. Vốn sách ban đầu 800 cuốn, đến nay đã lên tới trên 5.000 cuốn. Số lượng bạn đọc đều đặn khoảng trên 50 người. Để tiện cho việc phục vụ bạn đọc, vài năm nay bác Thục đã cho mở thêm 3 tủ sách tại 3 xóm trong xã. Thư viện Cây Tùng còn tổ chức rất nhiều hoạt động bổ trợ: Thành lập giải thưởng khuyến học “Bông Sen vàng” hàng năm liên tục từ 2003 đến nay; thi viết báo tường vào dịp đầu xuân; thi tìm hiểu các sự kiện, có sơ kết khen thưởng; nói chuyện chuyên đề; tổ chức cho các độc giả tích cực đi tham quan thủ đô. Hay Thư viện xã Cát Văn (Thanh Chương) khởi nguồn từ một tủ sách nhỏ được các thầy giáo quê nhà gây dựng những năm trước 1990. Đến năm 2007, xã tiếp nhận thư viện của gia đình cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Tủ sách trở thành một thư viện cơ sở vững mạnh với vốn sách hiện nay đã lên tới trên 3.000 bản, trong đó số sách của gia đình cố nhà thơ là trên 2.000 bản.

Bà Nguyễn Thị Tú Anh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thư viện tư nhân phục vụ công xuất hiện như là một điểm sáng cho bức tranh thư viện tỉnh nhà. Đây là một điển hình của việc xã hội hóa rất cần được khuyến khích. Thời gian tới, để thư viện hoạt động đúng chức năng, ngoài phát động xã hội hoá trong các hoạt động thư viện như: Vận động con em thành đạt ở địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước … hỗ trợ các dịch vụ cho thư viện thì Chính phủ cần có những dự án tổng thể để phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh tạo nguồn lực tập trung để phát triển mạng lưới thư viện. UBND tỉnh cũng cần có cơ chế tài chính phù hợp để đầu tư, phát triển thư viện cấp xã theo tinh thần Pháp lệnh Thư viện (cấp xã được hưởng ngân sách Nhà nước).


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Cần đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thư viện cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO