Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất và hỗ trợ sản xuất cho bà con
Sau 1, năm hơn 1.300 hộ dân vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na về xây dựng cuộc sống mới tại 13 điểm tái định cư, tuy nhiên, do chưa quen với nơi ở mới, đất sản xuất chưa được chính thức bàn giao, chưa triển khai công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nên cuộc sống của bà con còn hết sức tạm bợ…
(Baonghean) - Sau 1, năm hơn 1.300 hộ dân vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na về xây dựng cuộc sống mới tại 13 điểm tái định cư, tuy nhiên, do chưa quen với nơi ở mới, đất sản xuất chưa được chính thức bàn giao, chưa triển khai công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nên cuộc sống của bà con còn hết sức tạm bợ…
Sáng đánh bắt cá, chiều hái măng rừng
Có mặt tại điểm tái định cư Puxai Cáng, thuộc xã Thông Thụ, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó là sự quy hoạch ngăn nắp hệ thống nhà cửa, các công trình hạ tầng thiết yếu cho điểm tái định cư. Bám dọc theo QL 48, từng nếp nhà sàn các hộ dân mới dựng lên tươi mới san sát trong bạt ngàn màu xanh của cây rừng, đồi núi. Vào thăm gia đình anh Hà Văn Thanh, một trong những hộ năng động làm ăn kinh tế của điểm tái định cư, anh cho biết: Quê cũ ở bản Lốc, gia đình anh chuyển ra vùng tái định cư từ tháng 5/2012, chưa được giao đất sản xuất trên thực địa nhưng trên diện tích đất tạm giao gia đình tiếp tục trồng sắn, trồng ngô. Vốn năng động trong tính toán làm ăn ngay sau khi về vùng tái định, gia đình anh mua sắm xe ô tô chở hàng, xây bể nuôi cá thịt, làm đồ mộc… nên kinh tế gia đình về nơi ở mới tạm ổn.
Gia đình anh Hà Văn Thanh là một trong số ít gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống nơi ở mới. Do điểm tái định cư bố trí ngay cạnh lòng hồ thủy điện nên bà con khi về nơi ở mới đều học nhau mua lưới, sắm thuyền đánh bắt cá. Chợ cá lòng hồ Thủy điện Hủa Na vì thế cũng hình thành và hoạt động thường xuyên. Nhiều nhà đầu tư phương tiện, ngư cụ với số lượng lớn nên nguồn lợi từ cá tự nhiên mang lại khá lớn như hộ ông Sỹ, ông Sáu… Tuy nhiên, việc đánh bắt cá tự do chưa có quy định cụ thể đang tạo nên những vụ việc mất an ninh trật tự, như lấy cắp lưới, tranh chấp khu vực đánh bắt cá. Để khai thác lợi thế nguồn nước hồ rộng lớn, xã Thông Thụ đã thực hiện kế hoạch lồng ghép hỗ trợ nông dân nuôi cá lồng(mỗi lồng hỗ trợ 6 triệu đồng: 4 triệu đồng vật tư và 2 triệu đồng tiền cá giống). Mặc dù tại đây có nguồn lợi thủy sản để bà con tái định cư tạm thời có thu nhập nhưng về lâu dài rất cần có phương án sản xuất để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Điểm tái định cư Xốp Cọ - Nậm Niêng, bà con đang dần ổn định cuộc sống. |
Tại điểm tái định cư Xốp Cọ - Nậm Niêng bà con cũng đã được nhận đất nông nghiệp tạm thời nhưng ruộng lúa nước quá ít, nguồn nước chưa đảm bảo cho việc tưới tiêu, cải tạo đồng ruộng nên năng suất lúa rất thấp. Gia đình Lang Văn Phương có 6 khẩu nhưng sản lượng lúa thu về mỗi vụ chỉ được khoảng 70 kg. Anh Phương cho biết: Mùa này là mùa măng nên cả gia đình ta đều vào rừng hái măng nên cũng có thu nhập, không biết hết mùa măng thì biết làm gì đây?. Nếu điểm tái định cư Puxai Cáng các hộ đua nhau đánh bắt nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ làm kế sinh nhai thì tại điểm Xốp Cọ - Nậm Niêng bà con mùa này hết thảy đều vào rừng hái măng để có thêm thu nhập. Vừa cùng con trai, con dâu khiêng khệ nệ bì măng, thành quả lao động gần 1 buổi của 3 bố con vào rừng từ sáng sớm, Trưởng bản Lang Văn Cần cho biết: Cả bản Na Công có 34 hộ bây giờ tất cả thu nhập đều dựa vào rừng. Đất ruộng sản xuất đã được giao tạm nhưng rất ít, chưa được cải tạo nên năng suất không cao. Bà con kiến nghị cần sớm giao đủ đất theo định mức và có phương án cải tạo đất, hỗ trợ sản xuất để bà con yên tâm ổn định cuộc sống.
Đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn hỗ trợ phát triển sản xuất
Trong số 13 điểm tái định cư của toàn bộ dự án duy nhất chỉ có điểm tái định cư Piêng Cu (xã Tiền Phong) đã được giao đất thực địa 152ha/ 776 ha tổng diện tích đất theo quy hoạch, còn 12 điểm còn lại mới chỉ bàn giao tạm thời ranh giới quy hoạch đất nông nghiệp cho người dân phát quang sản xuất với diện tích 630 ha. Đối với đất lâm nghiệp đến thời điểm này cũng mới chỉ bàn giao ngoài thực địa tại 3 điểm TĐC cho 351 hộ với diện tích 1.187 ha. Như vậy, so với yêu cầu tiến độ đề ra là quá chậm.
Về hỗ trợ sản xuất, tại điểm TĐC Piêng Cu, UBND huyện Quế Phong đã có Quyết định số 281 QĐ-UBND ngày 28/3/2012 “Phê duyệt đề án hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp điểm tái định cư Piêng Cu, giai đoạn 2012-2013”. Tưởng rằng, với tiến độ nhanh việc xây dựng đề án bà con tái định cư điểm Piêng Cu sẽ nhanh ổn định cuộc sống và là cơ sở để rút kinh nghiệm triển khai đề án tại 12 điểm tái định cư tiếp theo. Tuy nhiên, sau 1 năm rưỡi UBND huyện Quế Phong có quyết định phê duyệt thì đề án vẫn nằm trên giấy, nguyên nhân do chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Hủa Na- HHC) vẫn chưa duyệt kinh phí theo đề án, do một số nội dung trong đề án “chưa phù hợp” với các quy định hiện hành về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình Thủy điện Hủa Na. Ngày 11/9/2013, HHC có công văn gửi UBND huyện Quế Phong kiến nghị đẩy nhanh việc hoàn thiện các nội dung đã thống nhất điều chỉnh của đề án để HHC giải ngân nguồn vốn triển khai đề án.
Điều này cho thấy, lẽ ra trước khi UBND huyện Quế Phong ra quyết định phê duyệt “Đề án hỗ trợ sản xuất” cho điểm tái định cư Piêng Cu thì 2 bên phải thống nhất dự thảo các hạng mục, phần việc trong danh mục theo quy định, đơn giá thì lại “việc ông ông làm, việc tôi tôi lo”, và kết quả đến bây giờ sau khi đề án có quyết định phê duyệt 1 năm 7 tháng vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng để triển khai thực hiện. Việc tắc trách hay nói đúng hơn thiếu trách nhiệm, không thống nhất của các bên dẫn đến chậm trễ tiến độ cấp đất sản xuất và triển khai hỗ trợ sản xuất đang làm bà con điểm tái định cư Piêng Cu nói riêng và hơn 1.300 hộ cả vùng tái định cư thất vọng, bức xúc.
Mặc dù chủ đầu tư, Hội đồng bồi dường GPMB và tái định cư đã rà soát lại quỹ đất sản xuất, đất trồng lúa nước đã có trên toàn vùng để tạm giao cho bà con. Do vậy, trên những diện tích đất sản xuất, đất trồng lúa nước tạm giao bà con đã triển khai trồng lúa nước, trồng sắn, trồng khoai. Tuy nhiên, chưa có phương án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, vấn đề trồng cây gì? Nuôi con gì bà con vẫn chưa được biết. Để đẩy nhanh tiến độ cấp đất sản xuất, mới đây huyện Quế Phong và Công ty CP Thủy điện Hủa Na đã rà soát thống nhất diện tích đất lúa cần khai khoang xây dựng mới, diện tích đất lúa nước cần phục hóa để lên phương án đầu tư đường sản xuất, hệ thống cấp nước tưới. Theo đó, diện tích theo yêu cầu tối thiểu của toàn bộ 13 điểm tái định cư là 67,8 ha; diện tích cần phục hóa 62,5 ha và diện tích cần khai hoang mới là 30 ha. Trước mắt để bà con tái định cư có nguồn lương thực bảo đảm cuộc sống khi chưa triển khai các phương án sản xuất, chủ đầu tư phối hợp với huyện thực hiện hỗ trợ lương thực theo định mức 30 kg/ người/ tháng trong vòng 4 năm.
Làm việc với chủ đầu tư (HHC) ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT HHC cam kết từ nay đến cuối năm sẽ tập trung phối hợp với địa phương thực hiện việc giao đất thực địa, khảo sát phương án khai hoang ruộng lúa nước và giải ngân nguồn vốn đối với các đề án sản xuất đã được phê duyệt phát triển sản xuất cho bà con. Mong rằng, lời hứa đi liền với trách nhiệm của chủ đầu tư được sớm thực hiện, để bà con vùng tái định cư Thủy điện Hủa Na sớm ổn định cuộc sống.
Hữu Nghĩa