Thực hiện Thông tư Số 09/2005/TT-BNV ở Vườn Quốc gia Pù Mát: Cần được đảm bảo đúng, đủ

Đầu tháng 7/2021, Báo Nghệ An nhận được một lá đơn có nhan đề đại diện 67 cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát hỏi về việc thực hiện chính sách theo Nghị định 116/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ.

Nội dung đơn như sau: “Chúng tôi đại diện cho 67 đồng chí đang công tác tại VQG Pù Mát, xin đề xuất một số vấn đề như sau. Về tiền chi trả trợ cấp cho anh em công tác theo Nghị định 116/2010/ND-CP, chúng tôi mới được chi trả từ ngày 30/12/2016 đến nay. Còn khoản truy lĩnh trước năm 2016 chưa được cơ quan chi trả. Các đồng chí đã làm đầy đủ hồ sơ, tờ kê khai gửi về phòng Kế hoạch – Tài chính Vườn, từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được nhận. Trong lúc đó các cơ quan khác đóng trên địa bàn đã chi trả hết cho CBCNVC làm việc.

Trong các cuộc họp các đồng chí đã có rất nhiều ý kiến phản ánh với Ban Giám đốc Vườn, nhưng không có câu trả lời nào thích đáng, bên lãnh đạo Vườn cứ lấy lý do là Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có nguồn. Chứ không đưa ra bất cứ văn bản nào cho các đồng chí có câu trả lời cụ thể. Nếu đồng chí nào ý kiến nhiều, lãnh đạo sẽ uy hiếp cho chuyển trạm, đến nơi khó khăn, nên dần dần anh em cũng để vậy, không ai dám phản ánh nữa, sợ bị trù dập.

Nay chúng tôi đồng lòng gửi đơn này để Báo Nghệ An tiếp nhận ý kiến, làm việc trực tiếp với cán bộ đang công tác tại Vườn Quốc gia Pù Mát, để 67 đồng chí được nhận lại số tiền truy lĩnh gần 3 tỷ 300 triệu đồng. Mong Báo vào cuộc để làm rõ nguyên nhân, cơ quan nào sai, chế độ quyền lợi Nhà nước ban hành mà nói không có nguồn vậy ai tin. Chúng tôi công tác ở rừng sâu, xa gia đình mà tiền trợ cấp chính đáng không được chi trả, thử hỏi công bằng ở đâu…”.

Có hay không việc cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát chưa được hưởng chính sách từ Nghị định 116/2010/NĐ-CP từ năm 2016 trở về trước với số tiền gần 3,3 tỷ đồng? Có hay không việc trù dập cán bộ bằng hình thức chuyển đến trạm khó khăn khi họ có ý kiến về chế độ chính sách? Xác định sự việc đơn thư bắt nguồn từ thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động nên chúng tôi liên hệ, làm việc với Công đoàn Vườn Quốc gia Pù Mát, gồm các ông: Đặng Đình Xuân – Chủ tịch Công đoàn, Lê Xuân Linh – Phó Chủ tịch Công đoàn.

Theo 2 cán bộ chủ chốt Công đoàn của Vườn, việc thực hiện chính sách theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ở Vườn Quốc gia Pù Mát sớm được thực hiện cho tất cả các CB,CC,VC làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (công tác tại các Trạm bảo vệ rừng) theo quy định. Nếu có chậm, chưa được hưởng chính sách Nghị định 116/2010/NĐ-CP, thì cũng chỉ có một vài trường hợp mới luân chuyển từ vùng thuận lợi vào vùng đặc biệt khó khăn, cần có thời gian hoàn tất hồ sơ thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, có một trường hợp từ vùng đặc biệt khó khăn mới chuyển ra vùng thuận lợi, theo quy định của Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì cũng được chính sách hỗ trợ. “Đó là trường hợp của đồng chí Lê Mạnh Trinh, mới được điều ra nhận nhiệm vụ tại phòng Hành chính tổng hợp nên chưa làm thủ tục để hưởng chế độ…” – ông Đặng Đình Xuân khẳng định.

Về công tác luân chuyển cán bộ, theo hai cán bộ Công đoàn, ở Vườn Quốc gia Pù Mát căn cứ các quy định để xây dựng quy chế; đồng thời, hàng năm có xây dựng kế hoạch. Công tác này được thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, không hề có chuyện trù dập. Theo quy chế, thời gian luân chuyển đối với Trạm trưởng, Trạm phó các Trạm bảo vệ rừng là không quá 5 năm; với CC,VC kiểm lâm thì không quá 3 năm. Về quy trình thực hiện, theo kế hoạch, các trạm lập danh sách báo cáo lên Hạt; căn cứ quy chế và các quy định liên quan, Hạt sẽ đánh giá, nhận xét đối với từng cá nhân, sau đó lập danh sách trình lên Đảng ủy, Ban Giám đốc. Đảng ủy sẽ họp, cho ý kiến. Chỉ khi có sự thống nhất của Đảng ủy thì Ban Giám đốc mới phê duyệt kế hoạch luân chuyển.

“Các trạm bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có 2 trạm Cò Phạt và Khe Choăng đóng trong vùng lõi, có xa hơn. Chúng tôi cũng từng là cán bộ nhiều năm công tác tại các trạm, khẳng định không thể so sánh mức độ khó khăn giữa các trạm với nhau. Như ở 2 trạm Cò Phạt, Khe Choăng, nhờ xa dân nên công tác bảo vệ rừng lại đỡ vất vả hơn. Thế nên, nếu ai đó so sánh về mức độ khó khăn giữa các trạm là chưa thực sự hiểu hết tính chất công tác bảo vệ rừng ở Pù Mát…” – ông Lê Xuân Linh – Phó Chủ tịch Công đoàn trao đổi.

Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến đơn thư? Theo Chủ tịch Công đoàn Đặng Đình Xuân, ở Vườn Quốc gia Pù Mát, chính sách Nghị định 116/2010/NĐ-CP được thực hiện đầy đủ, nhưng với chế độ phụ cấp đặc biệt theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV thì chưa. Vì vậy, nguyên nhân đơn thư có thể bắt nguồn từ đây. Giải thích thêm về nội dung này, ông Đặng Đình Xuân cho hay, chính sách theo Thông tư 09/2005/TT-BNV có hiệu lực từ tháng 1/2005. Theo đó, từ ngày 1/10/2004, những CB,CC,VC làm việc ở vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt. Vậy nhưng phải đến năm 2016 thì Vườn Quốc gia Pù Mát mới được tiếp cận. Sau đó, Vườn lập hồ sơ, thủ tục trình các cấp, ngành có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cho các CB,CC,VC đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn hưởng theo quy định từ năm 2017 đến nay. Còn khoảng thời gian từ tháng 12/2016 trở về tháng 10/2004, thì đến năm 2018 mới hoàn tất hồ sơ, được Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo lên UBND tỉnh, và chuyển đến Sở Tài chính, tuy nhiên đến nay chưa được chi trả. “Tổng số tiền mà các CC,VC ở các trạm của Vườn chưa được hưởng từ năm 2004 đến hết năm 2016 là trên 3,3 tỷ đồng. Tôi nghĩ có thể đây là nguyên nhân…” – ông Xuân phân tích.

Tại sao một chính sách quan trọng dành cho CB,CC,VC công tác tại vùng biên giới đặc biệt khó khăn mà Vườn lại không biết đến để thực hiện? Điều này được giải thích là: Từ tháng 9/2008 trở về trước, Vườn Quốc gia Pù Mát trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Công tác điều chỉnh quỹ lương và lập hồ sơ, chứng từ liên quan đến lương, phụ cấp theo lương đều do Chi cục Kiểm lâm thực hiện chi trả nhưng chưa được cấp phụ cấp theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV. Từ tháng 9/2008, Vườn Quốc gia Pù Mát trực thuộc UBND tỉnh. Từ thời gian này đến năm 2015, đơn vị này chưa được Sở Nội vụ phê duyệt kinh phí phụ cấp đặc biệt theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV. Đến năm 2017, khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời thì mới được Sở Nội vụ thống nhất bổ sung vào quỹ lương.

Hai cán bộ Công đoàn đưa ra khá nhiều hồ sơ, văn bản từ năm 2018 trở lại nay để minh chứng. Đáng lưu ý là Công văn số 925/SNV-CCVC ngày 28/5/2018 của Sở Nội vụ về việc thực hiện chế độ phụ cấp theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV, với nội dung: “Sở Nội vụ nhận được Công văn số 2414/UBND-NN ngày 16/4/2018 của UBND tỉnh về việc cấp kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV cho Vườn Quốc gia Pù Mát; Công văn số 1065/STC-TCDN ngày 24/4/2018 của Sở Tài chính về việc giải quyết chế độ chính sách. Sau khi đã thẩm định hồ sơ, đối tượng, chế độ phụ cấp đặc biệt theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV, kèm theo Công văn số 132/VQG-TCHC ngày 12/4/2018 của Vườn Quốc gia Pù Mát, Sở Nội vụ thống nhất danh sách và tổng quỹ tiền phụ cấp tăng thêm (có danh sách kèm theo) để Sở Tài chính căn cứ trình UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, là Thông báo số 264/TB-UBND ngày 25/5/2020 của UBND tỉnh thông báo kết luận của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Vườn Quốc gia Pù Mát. Tại Thông báo này, ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu với đề nghị chi trả chế độ phụ cấp đặc biệt theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV cho CC,VC Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát giai đoạn từ ngày 1/10/2004 đến ngày 31/12/2016 là: “Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương bố trí kinh phí chi trả chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định”.

Hỏi hai cán bộ công đoàn, Sở Nội vụ đã thẩm định, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, vậy Sở Tài chính có ý kiến ra sao? Ông Đặng Đình Xuân cho biết, Sở Tài chính có báo cáo UBND tỉnh là việc Vườn Quốc gia Pù Mát đề nghị giải quyết từ ngày 1/10/2004 đến ngày 31/12/2016 đến nay đã quá niên độ ngân sách, nên không có nguồn kinh phí để giải quyết. Đồng thời cho biết: “Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát đã tiếp tục có văn bản gửi Sở Tài chính. Còn tổ chức Công đoàn của Vườn xác định đã là chính sách của Nhà nước thì phải được thực hiện đúng đối tượng, đầy đủ. Vì vậy, trong tổng hợp kiến nghị, đề xuất lên Công đoàn cấp trên, chúng tôi đề nghị Công đoàn ngành NN&PTNT và LĐLĐ tỉnh hướng dẫn phương pháp tháo gỡ khó khăn, hoặc kiến nghị lên cấp có thẩm quyền giải quyết đầy đủ chế độ phụ cấp đặc biệt cho người lao động. Tới đây, Công đoàn của Vườn có tổ chức đối thoại với CC,VC, chúng tôi cũng sẽ thông tin đầy đủ nội dung này…”.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát thực hiện công tác bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát thực hiện công tác bảo vệ rừng.