Cần ghi nhớ những gì khi di chuyển giữa tâm ‘bão’ viêm phổi do vi rút corona?

Hoàng Bách 30/01/2020 18:18

(Baonghean.vn) - Chúng ta hiện chỉ có rất ít thông tin về dịch bệnh do vi rút corona Vũ Hán gây ra, và các quan chức y tế đang kêu gọi đề cao cảnh giác.

CDC cảnh báo tránh mọi chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc. Ảnh: Getty
CDC cảnh báo tránh mọi chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc. Ảnh: Getty

Điều đó đồng nghĩa những người thường xuyên phải đi lại cần phải cảnh giác với vi rút này, tránh những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa thường dùng để tránh bệnh cúm và các bệnh khác.

Dưới đây là những điều cần ghi nhớ về dịch bệnh do vi rút này đối với những ai thường xuyên di chuyển:

Nhiều khuyến cáo không nên đến Trung Quốc

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã nâng khuyến cáo đi lại đến Trung Quốc lên mức cao nhất. Mức “Cảnh báo cấp 3” kêu gọi mọi người tránh các chuyến đi không cần thiết đến quốc gia này.

Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã gia tăng cảnh báo. Khuyến cáo ngày 29/1 của Bộ này ở “Mức 3: Suy đi tính lại việc di chuyển” đối với phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, và riêng với tỉnh Hồ Bắc thì ở “Mức 4: Không được đến”.

Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO) của Anh đã khuyến cáo không tới tỉnh Hồ Bắc. Trong thông báo của mình, FCO tuyên bố: “Nếu ai đang ở trong khu vực này và có thể rời đi, thì nên làm vậy”.

FCO khuyên rằng ngoại trừ thật cần thiết, không nên tới các khu vực còn lại của lục địa Trung Quốc.

Chính phủ Canada cũng ra khuyến cáo đi lại, hối thúc người dân tránh mọi chuyến đi tới tỉnh Hồ Bắc, nêu đích danh các thành phố Vũ Hán, Hoàng Cương và Ngạc Châu.

Ngày 23/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, vi rút corona Vũ Hán chưa cấu thành trường hợp khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu, nhưng tổ chức này đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: “Đừng nhầm lẫn. Đây là trường hợp khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng chưa trở thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Nhưng vẫn có khả năng sẽ trở thành như vậy”.

Một số chính phủ nước ngoài bao gồm Mỹ, Nhật, Đức và Italy đang sơ tán hoặc lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Vũ Hán.

Một số sân bay ở Mỹ đã áp dụng các biện pháp kiểm tra sức khỏe đối với hành khách đến từ các khu vực nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Ảnh: Getty
Một số sân bay ở Mỹ đã áp dụng các biện pháp kiểm tra sức khỏe đối với hành khách đến từ các khu vực nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

Các hãng hàng không đang dừng các chuyến bay tới Trung Quốc

Các hãng hàng không tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đang hủy các chuyến bay tới Trung Quốc. Hãng hàng không British Airways đã đình chỉ các chuyến bay trực tiếp Anh-Trung hôm 29/1. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ hôm 28/1 thông báo đình chỉ các chuyến bay từ ngày 1/2 đến 8/2 giữa các trung tâm của Mỹ với Bắc Kinh, Hong Kong và Thượng Hải.

Các hãng khác, bao gồm Lufthansa, Air Asia, Cathay Pacific, Air India và Finnair cũng có động thái cắt giảm hoặc đình chỉ cung cấp dịch vụ.

Nhiều hãng tàu biển, bao gồm MSC, Costa và Royal Caribbean, cũng đã hủy kế hoạch tới Trung Quốc và tăng cường các thủ tục kiểm soát hành khách lên tàu từ các cảng của Trung Quốc.

Lời khuyên cho những ai không thể tránh việc tới Trung Quốc

CDC khuyên những người không thể trì hoãn việc di chuyển tới Trung Quốc cần “thực hiện các biện pháp phòng ngừa nâng cao”, thông qua tránh tiếp xúc với người, động vật ốm, chợ động vật và thường xuyên rửa tay kỹ.

CDC khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Nước rửa tay có cồn có thể được sử dụng nếu không có xà phòng và nước.

Cơ quan này cũng cho rằng, cần thông tin về việc đi tới Trung Quốc cho đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời lưu ý người trung niên và những người có vấn đề sức khỏe có thể phải đối mặt nguy cơ cao hơn. Những người từng đến Trung Quốc trong vòng 2 tuần và có dấu hiệu ốm, sốt, ho hoặc khó thở cần phải được điều trị ngay và thông báo cho cơ quan y tế về các triệu chứng kèm thông tin về chuyến đi Trung Quốc gần đó.

CDC cũng khuyến cáo những người có khả năng bị lây nhiễm phải tránh tiếp xúc với người khác, không đi lại trong lúc ốm và phải dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay (không dùng bàn tay) che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Đeo khẩu trang ít tác dụng hơn rửa tay

Giáo sư William Schaffner thuộc Khoa bệnh truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt cho biết, gần đây ông nhận được nhiều câu hỏi về việc liệu có nên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm không.

Ông nhận thấy đây là việc rất phổ biến tại châu Á, nhưng CDC không khuyến cáo điều này cho cộng đồng vì “rất ít căn cứ khoa học cho thấy những người trong cộng đồng đeo khẩu trang thực sự có chút lợi ích nào”.

Giáo sư Yoko Furuya tại Đại học Columbia cũng cho rằng: “Rửa tay sạch luôn là ý tưởng thực sự tốt để bảo vệ bản thân trước bất kỳ vi rút nào cũng như các mầm bệnh khác trong môi trường”.

Di chuyển đường hàng không là một phần cách thức vi rút lây lan

Theo bà Furuya, với các khu vực nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc đi lại bằng máy bay có thể là nguyên do tăng thêm nguy cơ, vì tăng khả năng gặp phải những hành khách quốc tế đi từ các khu vực có tỷ lệ mắc vi rút cao.

“Về khả năng lây lan dịch bệnh toàn cầu, việc đi lại bằng đường hàng không thường là cách thức khiến lây lan nhanh hơn từ nước này sang nước khác”, bà cho biết.

Ông Schaffner cũng khẳng định, việc lây lan các căn bệnh hô hấp trong mùa đông trên các chuyến bay luôn là mối quan ngại. Ông nói: “Tôi hơn 1 lần chắc chắn rằng cá nhân mình đã nhiễm vi rút mùa đông trên máy bay khi đi lại hoặc di chuyển xuyên qua các sân bay đông đúc”.

Một lần nữa, rửa tay thường xuyên và kỹ càng là hết sức cần thiết nhằm giảm khả năng lây nhiễm vi rút.

Theo Theo CNN
Copy Link
Mới nhất
x
Cần ghi nhớ những gì khi di chuyển giữa tâm ‘bão’ viêm phổi do vi rút corona?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO