Thời sự

Cần giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện thành công các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội

Mai Hoa 02/06/2024 15:17

Hiện nay, Nghệ An có một số chỉ tiêu văn hóa – xã hội giai đoạn 2021 - 2025 dự báo khó đạt; đòi hỏi các cấp, ngành cần có giải pháp quyết liệt để thực hiện.

bna-_-doan-cong-tac-cua-hdnd-tinh-khao-sat-du-an-xay-dung-ha-tang-khu-tai-dinh-cu-cho-nguoi-dan-bi-anh-huong-do-thien-tai.-anh-mai-hoa.jpg
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát tiến độ triển khai dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Khó đạt ở một số chỉ tiêu, nhiệm vụ

Kỳ Sơn là 1 trong 74 huyện nghèo nhất trong cả nước cùng với 3 huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu trong tỉnh tại Quyết định số 353, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghèo và khó khăn ở huyện Kỳ Sơn, bên cạnh điểm xuất phát thấp thì có nhiều yếu tố cả tự nhiên và xã hội. Điều này chi phối đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có một số chỉ tiêu văn hóa - xã hội.

Như chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mới đạt 17/kế hoạch 30 trường; xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế là 15/kế hoạch 17 - 18 xã; xã, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia là 8/kế hoạch 21 xã…

bna_hd.jpg
Trường Tiểu học Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đã đạt chuẩn mức độ 1. Ảnh: CSCC

Lý giải nguyên nhân một số chỉ tiêu khó đạt, bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng: Khó trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở huyện Kỳ Sơn, nguyên nhân cơ bản là cơ sở hạ tầng không đạt chuẩn. Mặt khác, đặc thù trường học ở huyện Kỳ Sơn có nhiều điểm trường lẻ, để đáp ứng đầy đủ các điều kiện dạy và học cũng là bài toán khó.

Một vấn đề khó nữa là nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa thể đáp ứng việc dạy Tin học và tiếng Anh cho học sinh tiểu học, dù những năm qua huyện đã tổ chức tuyển dụng, có năm có 12 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 2 hồ sơ nộp tuyển dụng.

Hay trong thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, kế hoạch 17 - 18 xã, nhưng hiện mới chỉ có 11 xã đạt theo Quyết định số 1300, ngày 9/3/2023 của Bộ Y tế. Năm 2024, huyện xây dựng kế hoạch công nhận mới 1 xã và thẩm định lại 4 xã, song vẫn khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, các tiêu chí điểm như hố xí hợp vệ sinh chưa đảm bảo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao.

bna_-mh6.jpg
Một dãy nhà của Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân. Ảnh: Mai Hoa

Tương tự, việc thực hiện chỉ tiêu xã, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia chưa đạt do khó khăn về diện tích. Ví dụ, theo quy định, diện tích quy hoạch trung tâm văn hóa - thể thao xã phải đảm bảo tối thiểu 1.500 m2 (chưa tính sân vận động); nhưng do địa hình huyện Kỳ Sơn ít diện tích đất bằng, chủ yếu đồi dốc, mặc dù một số xã đã san lấp mặt bằng để làm nhưng không sử dụng được do sụt lún, sạt lở... Kể cả con người vận hành quản lý các thiết chế không có nhân lực chuyên trách mà do công chức văn hóa kiêm nhiệm…

bna_-nd.jpg
Thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư đồng bộ tại xóm 7, xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Cùng với huyện Kỳ Sơn, một số huyện như Tương Dương, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò cũng dự báo khó đạt về tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chậm so với kế hoạch ở một số huyện như Quỳ Hợp, Yên Thành.

Một số chỉ tiêu tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt thấp, chưa thu hút được nhiều bác sĩ về địa phương như Nghĩa Đàn, Tương Dương, Diễn Châu, Quỳ Hợp…; chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân chưa đạt kế hoạch ở một số huyện Diễn Châu, Quỳ Hợp…

Ngoài một số chỉ tiêu dự báo khó đạt vào năm 2025, thông qua giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 18, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) tỉnh Nghệ An; HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận nhiều hạn chế, tồn tại liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Nhân lực ngành Y tế, nhất là tuyến cơ sở, vùng khó khăn vừa thiếu về số lượng bác sĩ, vừa thiếu bác sĩ chuyên khoa giỏi. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh và công tác giảm nghèo thiếu bền vững…

bna_-dc.jpg
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa

Phản ánh thêm những hạn chế, khó khăn thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, ông Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa và Xã hội, HĐND tỉnh cho biết: Bên cạnh thiếu thiết chế văn hóa - thể thao, không gian sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi cho người dân; thì vẫn còn tình trạng lãng phí ở một số địa phương khi sân vận động đầu tư xây dựng lớn, nhưng mỗi năm chỉ sử dụng ít lần vào dịp lễ, tết. Một số chính sách liên quan đến hỗ trợ xây dựng bể bơi, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích do HĐND tỉnh ban hành được triển khai chậm

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cũng nêu vấn đề chênh lệnh tỷ lệ bác sĩ/vạn dân giữa khu vực thành phố Vinh là 60 bác sĩ/vạn dân, trong khi có những huyện chỉ 4 - 5 bác sĩ/vạn dân đang kéo xa khoảng cách chăm sóc sức khỏe nhân dân giữa khu vực trung tâm và vùng khó khăn; đòi hỏi cần phải có giải pháp thúc đẩy việc tăng cường bác sĩ cho tuyến cơ sở.

bna_-mot-ca-phau-thuat-tai-benh-vien-da-khoa-khu-vuc-tay-bac-nghe-an.jpg
Nhân lực ngành Y tế đang là vấn đề thách thức của Nghệ An hiện nay. Ảnh: Một ca phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc. Ảnh: Mai Hoa

Cần có giải pháp căn cơ, bền vững

Khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu văn hóa - xã hội không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội mà còn tác động đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần được nghiên cứu giải quyết đảm bảo lâu dài và bền vững.

Liên quan đến vấn đề thiếu số lượng và nhân lực y tế chất lượng cao, Giám đốc Sở Y tế, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết: Qua rà soát, tuyến y tế cơ sở toàn tỉnh còn thiếu khoảng 1.300 nhân viên y tế theo Thông tư số 03 của Bộ Y tế. Đây là khó khăn, thách thức của ngành Y tế, bởi hiện nay, chính sách, chế độ tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu đời sống, làm việc cho bác sĩ tuyến cơ sở chưa thật sự tạo được “sức hút”.

bna_-trung-thanh.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khảo sát việc chăm sóc sức khỏe người dân ở tuyến y tế xã, huyện Con Cuông. Ảnh: Trung Thành

Một cái khó nữa, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Hồng Hoa, việc tuyển dụng điều dưỡng cho các cơ sở y tế cũng khó khăn và khi điều dưỡng không tuyển dụng được thì bác sĩ cũng không được tuyển dụng bởi Thông tư số 03 của Bộ Y tế quy định rõ tỷ lệ cơ cấu điều dưỡng và bác sĩ. Trong điều kiện nhân lực y tế thiếu, việc cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu, trình độ cao không thực hiện được vì không có người làm việc. Và khi nhân lực không đảm bảo thì số giường bệnh ở các cơ sở y tế cũng phải tính toán đảm bảo cân đối để đáp ứng tốt yêu cầu khám, điều trị và phục vụ tốt nhân dân.

Từ những bất cập từ thực tiễn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, hiện ngành Y tế đang xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế cơ sở và đội ngũ có trình độ chuyên sâu; đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền không áp dụng việc tinh giản 10% biên chế đối với tuyến y tế cơ sở.

Giải pháp cho bài toán chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm bền vững phải mang tầm quốc gia và tỉnh liên quan đến phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, các dịch vụ phúc lợi: nhà ở, nhà mẫu giáo, phương tiện công cộng…

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Cùng với nhân lực ngành Y tế, một vấn đề xã hội được quan tâm hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động chất lượng cao qua đào tạo, giải quyết việc làm bền vững cho người dân.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng chí Đoàn Hồng Vũ cho rằng: Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh khá nhiều với 53 cơ sở; nhưng xét về góc độ đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thì đang khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn thiếu, yếu.

Mặt khác, mặc dù số một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh cần tuyển số lượng lao động lớn, song họ chủ yếu tuyển lao động phổ thông, vì lao động có tay nghề của mình không đáp ứng dây chuyền sản xuất của họ; đào tạo hiện chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Một yếu tố nữa là thị trường lao động Nghệ An chưa hấp dẫn khi mức thu nhập thấp, các điều kiện phúc lợi như nhà ở, nhà mẫu giáo chưa có và kể cả giá cả nhà trọ, điện, nước… cao. Đây là lý do, số người Nghệ An đi lao động các tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 1/3 trong tổng số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm (số ở lại làm việc trong tỉnh khoảng 1/3 và số xuất khẩu lao động cũng chiếm 1/3) và việc thu hút lao động từ các địa phương ngoài tỉnh cũng chỉ khoảng 300 lao động/năm.

Công nhân Nhà máy sản xuất ván ghép thanh và sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ, tại cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hoà. Ảnh: Mai Hoa
Công nhân Nhà máy sản xuất ván ghép thanh và sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ, tại cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa. Ảnh: Mai Hoa

Bài toán cho câu chuyên này, theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An là cần có giải pháp căn cứ mang tầm quốc gia và tỉnh liên quan đến phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng các dịch vụ phúc lợi gồm nhà ở, nhà mẫu giáo, phương tiện công cộng…; để đảm bảo giải quyết việc làm tại địa phương một cách bền vững, khắc phục thiếu lao động cục bộ như hiện nay ở một số doanh nghiệp cần lượng lao động lớn nhưng không tuyển dụng được.

Các sở, ngành cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cắt các chính sách dàn trải, hiệu quả thấp để tập trung xây dựng một số chính sách đủ mạnh cho phát triển trước mắt và lâu dài.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Từ những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành chủ động nghiên cứu rà soát cùng với UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách có tính khả thi, đủ “sức nặng” hơn nhằm thực hiện các chỉ tiêu văn hóa - xã hội có tính bền vững, nhất là chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở; đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm…

Cần giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện thành công các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO