Cần hiểu đúng hoạt động ở các ngôi chùa

(Baonghean) - Có nhiều hoạt động mới xuất hiện ở các nhà chùa thời gian gần đây mà nhiều khi chưa hẳn liên quan đến các hoạt động thực hành của Phật Giáo. Điều đó phần nào thể hiện sự quan tâm của nhà chùa đến các vấn đề xã hội nhưng cũng cần phải nhìn nhận lại, nhằm giữ cho các hoạt động của nhà chùa không đi quá xa với chức năng Phật giáo.
Cố gắng “gieo duyên” vào lớp trẻ
Nhiều năm trở lại đây, Phật giáo ở miền Bắc có xu hướng chạy theo các hoạt động mang tính phong trào và theo mùa vụ của xã hội. Từ việc tổ chức cầu tài cầu lộc đầu năm rồi tổ chức giỗ tổ… Và hiện nay, khi mà kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi thi đại học đang đến gần, thì nhiều nhà chùa như chùa Hà, chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Ngưu Tử (Thanh Chương), chùa Đức Hậu, chùa Diệc (TP. Vinh), chùa Hồng Phúc (Nghi Lộc)… lại tổ chức cầu nguyện, tư vấn và tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử. Những hoạt động này cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ những người quan tâm.
Có người cho rằng điều này là tốt khi nhà chùa luôn đồng hành với con em quê hương trong việc học hành. Nhưng cũng không ít người bày tỏ sự ái ngại, lo lắng khi nhà chùa ngày càng tổ chức các hoạt động không liên quan nhiều đến việc thực hành tôn giáo hay làm sai lệch đi các giá trị văn hóa gắn liền với nó hàng ngàn năm nay. Có thể nói đây là một vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống tâm linh, đến niềm tin của nhiều người, nên cần nhận thức một cách khách quan và cần nhiều ý kiến thảo luận để cùng tìm những tiếng nói phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa thu hút đông đảo phật tử là phụ nữ. Ảnh: Thành Cường
Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa thu hút đông đảo phật tử là phụ nữ. Ảnh: Thành Cường
Chùa là nơi để thờ Phật, để các nhà sư tu hành và cũng là nơi để thực hành tôn giáo của Đạo Phật. Trong giai đoạn đầu của Phật giáo, không xuất hiện chùa chiền. Phật ngộ đạo ở dưới gốc bồ đề và đi thuyết giáo với các đệ tử ở nhiều nơi khác nhau. Chùa chiền có lẽ xuất hiện khi các thiết chế quyền lực cũng muốn dựa vào Phật giáo để củng cố quyền lực mà dựng nên để các nhà sư tu hành và thuyết giáo mà khởi nguyên của nó là các bảo tháp (Stupa) được xây dựng nhiều từ thời vua Ashokha ở Ấn Độ. Các Stupa cũng là nguồn cội để hình thành các chùa chiền khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời nhà Đường. Càng ngày, những ngôi chùa lớn được xây dựng để làm nơi thờ phụng Đức Phật, nơi để các nhà sư tu hành và những người dân có nhu cầu đến lễ Phật.
Nhà chùa cũng là nơi để tổ chức các nghi lễ, các hoạt động liên quan đến đời sống tôn giáo của những người theo Phật giáo hay tin Phật giáo. Nói chính xác thì đây là một không gian tôn giáo cụ thể. Vậy nên, chùa thường gắn với không gian êm đềm, vắng lặng, yên tĩnh, nhiều khi còn được xây cất ở những nơi rừng núi, ít người để thuận tiện cho người tu hành. Sự yên tĩnh của nhà chùa là, cho Phật tử khi vào chùa cảm thấy an tâm, thanh thản và bớt đi sự náo nhiệt của cuộc sống hàng ngày. Cơ bản, các hoạt động của nhà chùa gắn với Phật giáo.
Đông đảo Phật tử thập phương về tham dự một lễ hiệp kỵ. Ảnh tư liệu Thành Cường
Đông đảo Phật tử thập phương về tham dự một lễ hiệp kỵ. Ảnh tư liệu Thành Cường
Nhưng hiện nay, nhiều chùa đứng ra tổ chức nhiều hoạt động khác ngoài thực hành Đạo Phật. Có lẽ nguồn gốc sâu xa của vấn đề này là quá trình Việt hóa Phật giáo của người Việt trong nhiều thế kỷ qua. Phật giáo ở Việt Nam luôn gắn với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển của đất nước. Vậy nên, dù các nhà sư tu hành trong chùa nhưng cũng luôn thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống thực tại và luôn có khao khát đóng góp cho cuộc sống trần tục. Đó là sự gắn kết giữa Đạo và Đời.
Trong bối cảnh hiện nay, sự thế tục hóa Phật giáo lại càng thể hiện rõ nét hơn. Nhà chùa, trong một hệ thống thống nhất qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn gắn với các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương cũng như tình hình chung của cả đất nước. Đó cũng là căn nguyên mà gần đây, nhiều nhà chùa lại tổ chức các hoạt động khác ngoài thực hành Đạo Phật như tổ chức giỗ tổ Hùng Vương, tổ chức cầu nguyện, tiếp sức cho sĩ tử…
Về mặt tích cực, những hoạt động này thể hiện trên một số phương diện. Trước hết, đó là sự quan tâm của những người tu hành, tu đạo trong nhà chùa đến văn hóa dân tộc, đến cuộc sống của con em trong địa phương. Thứ hai là có thể qua hoạt động này làm cho tâm lý của những người sĩ tử và gia đình của họ nhẹ nhàng hơn, yên tâm và tự tin hơn trong quá trình thi cử hay trước những sự việc phiền não. Thứ ba là qua các hoạt động này cũng làm cho người dân gắn bó hơn với nhà chùa, với Phật giáo, mà như Tiến sĩ văn hóa học Đặng Hoàng Giang gọi là nhà chùa đang cố gắng “gieo duyên” vào lớp trẻ, tạo nên những Phật duyên tốt lành. 
Hàng năm vào dịp đầu Xuân, chùa Cổ Am lại tổ chức lễ cầu an. Ảnh tư liệu Huy Thư
Hàng năm vào dịp đầu Xuân, chùa Cổ Am lại tổ chức lễ cầu an. Ảnh tư liệu Huy Thư
Cần gìn giữ các giá trị văn hóa 
Nhưng bên cạnh đó, cũng cần phải nhận thức được những mặt trái của những hoạt động này. Đó là việc đưa các quan điểm thực dụng, tinh thần thực dụng vào đời sống tôn giáo, làm thay đổi các giá trị văn hóa mà tôn giáo đã định hình trong hàng ngàn năm qua.
Như TS Đặng Hoàng Giang cảnh báo thì những hoạt động này, nếu gặp phải những người quá mê tín thì có thể lại hình thành những nghi lễ giải hạn cầu may cho sĩ tử trước khi đi thi, thậm chí nhiều khi trở thành các hoạt động mang tính dịch vụ về vấn đề này. Điều này nếu như xảy ra thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả nhà chùa, đến Phật giáo và đến cuộc sống người dân. Nó cũng dễ tạo ra tâm lý cầu may, “hên - xui” cho một số sĩ tử khi thiếu niềm tin vào bản thân mình.
Và cũng phải kể đến việc các nhà chùa khi quá coi trọng các hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến việc tu hành cũng như các hoạt động liên quan đến Phật giáo, vốn là chức năng cơ bản của nhà chùa. Sẽ nguy hiểm hơn khi mà nhà chùa xem đây là những hoạt động thu hút du khách, người dân đến chùa, giống như các khu di tích, các khu du lịch tổ chức hoạt động câu khách. Chúng ta nên hiểu rõ rằng, việc người dân lên chùa thắp hương cầu nguyện (hoạt động cá nhân) khác với việc nhà chùa tổ chức cầu may cho sĩ tử (là hoạt động của nhà chùa - một tổ chức tôn giáo). Nhà chùa càng coi trọng những hoạt động này thì các mặt trái càng thể hiện rõ hơn. 
Các học sinh lắng nghe tư vấn mùa thi tại chùa Hà. Ảnh tư liệu
Các học sinh lắng nghe tư vấn mùa thi tại chùa Hà. Ảnh tư liệu
Nói tóm lại, mọi vấn đề đều có hai mặt giá trị của nó. Việc các nhà chùa tổ chức các hoạt động ít liên quan đến việc thực hành Đạo Phật trong nhà chùa cũng vậy. Nhưng trong trường hợp tổ chức các hoạt động như cầu may, tiếp sức sĩ tử mùa thi thì lợi bất cập hại. Nhà chùa và Phật giáo là một phần của văn hóa dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc. Vậy nên các nhà chùa, các nhà sư gắn các hoạt động của mình với địa phương, đồng hành với người dân trong vùng là điều tốt, là việc nên làm.
Nhưng lựa chọn những hoạt động nào thì cần phải suy nghĩ sao cho phù hợp với chức năng của nhà chùa, của nhà sư. Sao không trả nhà chùa lại với các hoạt động gắn với Đạo Phật, gắn với tinh thần của Đức Phật. Đó có thể là tổ chức các khóa học tu hành, khóa giảng về đạo hiếu, về tinh thần khoan dung, yêu thương con người cho lớp trẻ. Qua đó gieo nhân duyên tốt cho nhiều người, hướng các bạn trẻ hình thành đức tin lành mạnh, tin vào chính mình, vào những điều tốt đẹp và tính nhân quả của thiện nghiệp, điều mà Đức Phật luôn muốn truyền đạt đến chúng sinh.

tin mới

Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm trước, một ngôi làng ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) được gọi với cái tên chẳng mấy tự hào là “làng giả sư”, bởi người dân học theo nhau đóng giả nhà sư, đi rong ruổi xin tiền, khất thực. 

Tế tổ

Ấm áp ngày Rằm tháng Giêng ở các vùng quê Nghệ An

(Baonghean.vn) - Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, khắp các vùng quê Nghệ An rộn ràng tiếng trống tế và niềm vui hội ngộ của con cháu các dòng họ. Đây là dịp để người dân hướng về gia đình, tổ tiên, thể hiện tấm lòng hiếu kính với những thế hệ đã khuất.

Toà Giám mục Giáo phận Vinh chúc Tết nguyên đán Giáp Thìn huyện Yên Thành

Toà Giám mục Giáo phận Vinh chúc Tết huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Nhân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, ngày 1/2, Toà Giám mục Giáo phận Vinh do Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các phòng, ban huyện Yên Thành.

Thanh niên công giáo góp sức trẻ xây dựng quê hương

Thanh niên công giáo góp sức trẻ xây dựng quê hương

(Baonghean.vn) - Hiện Nghệ An có hơn 30 nghìn thanh niên công giáo. Thời gian qua, lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong tiên phong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.