Cần hướng đi hợp lý cho sản phẩm từ cây, con đặc sản

01/07/2013 18:22

Có tiềm năng, lợi thế để sản xuất nông nghiệp bằng các giống cây, con truyền thống, nhưng Kỳ Sơn vẫn chưa lấy đó làm tiền đề tạo bứt phá trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Những sản phẩm như bò vàng, gà đen, lợn đen, cây bo bo, chè shan tuyết…vẫn đang rất cần được nhân rộng, phát triển bền vững.

(Baonghean) - Có tiềm năng, lợi thế để sản xuất nông nghiệp bằng các giống cây, con truyền thống, nhưng Kỳ Sơn vẫn chưa lấy đó làm tiền đề tạo bứt phá trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Những sản phẩm như bò vàng, gà đen, lợn đen, cây bo bo, chè shan tuyết…vẫn đang rất cần được nhân rộng, phát triển bền vững.

Trong những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ, nhiều giống cây, con mới được đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Tùy vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác khác nhau mà mỗi địa phương lựa chọn hướng đi và nhân rộng quy mô sản xuất. Nhiều giống cây, giống con như như mận tam hoa, đào Mỹ, đào Pháp, sắn cao sản, gà lai, bò lai sind… bước đầu ở dạng mô hình thì cho hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn sau khi nhân rộng, những giống mới này bắt đầu “chết” dần. Ngoài do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thì còn do tình trạng được mùa, rớt giá, khiến cho người dân không còn mặn mà và chuyển sang trồng những cây, con truyền thống.

Điển hình là cây mận tam hoa, được đưa vào địa bàn xã Mường Lống từ những năm 1996 dưới sự hỗ trợ của Dự án UNICEF với mục đích thay thế cây thuốc phiện. Khi dự án mới được triển khai, nông dân được hỗ trợ nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, cam kết trợ giá sản phẩm sau khi thu hoạch, nên đông đảo các hộ dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng. Diện tích trồng mận toàn xã không ngừng mở rộng, đỉnh điểm lên đến 200 ha. Mỗi năm, sản lượng thu hoạch mận của cả xã lên đến gần 1.500 tấn quả.

Tuy nhiên, khi bước vào thu hoạch, thì khó khăn mới bắt đầu biểu hiện rõ. Giá mận rớt thảm hại từ 10.000 - 13.000 đồng/kg đầu vụ; đến khi giảm xuống còn 2.000 đồng/kg khiến người dân chán nản. Giá giảm mạnh mà cũng không dễ tiêu thụ, nhiều hộ dân chỉ biết nhìn quả rơi rụng, thối rữa bên gốc cây. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng như ông Xồng Và Xúa - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, thì căn nguyên chính là đầu ra không ổn định. “Cây mận đến thời kỳ chín mà không được thu mua kịp thời thì sẽ hư hết, bán không được, nếu bán được thì giá rất thấp. Đã thế, mận ở trên cao, để gùi được mận xuống bán cho thương lái cũng là rất vất vả. Nay chỉ còn khoảng 6ha trong vườn nhà” - ông Xúa cho biết thêm.



Mô hình nuôi bò vỗ béo ở Nậm Cắn - Kỳ Sơn. Ảnh: V.T

Bò vàng là giống bò địa phương của người Mông. Đây là giống bò có nhiều tính trạng vượt trội so với các giống bò khác như: khả năng sản xuất cao, tầm vóc lớn, phẩm chất thịt thơm ngon, thích nghi với điều kiện vùng núi đá, khí hậu lạnh, địa hình hiểm trở, độ dốc cao, khan hiếm thức ăn, nước uống. Do đó, việc chú trọng phát triển giống bò Mông bản địa, nâng cao chất lượng cũng như số lượng giống, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, hơn nữa, có thể làm giàu từ vật nuôi địa phương, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi cao là việc làm rất cần thiết và ý nghĩa.

Tại các xã như Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn,… mỗi gia đình đều nuôi từ 2-5 con bò. Nhưng do quá trình chăn nuôi lạc hậu, chủ yếu là chăn nuôi thả rông, không được chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ nên đã làm giảm đáng kể hiệu quả kinh tế của giống bò này. Tại xã Mường Lống, tổng đàn bò của xã là khoảng hơn 3.000 con. Bình quân, mỗi gia đình nuôi bò có thu nhập từ 400-500 ngàn đồng/ tháng. Theo như ông Nguyễn Đình Trị, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết thì quy mô, cũng như trình độ nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật chăm sóc. Vì thế, năm nào đàn bò của huyện cũng chết do bệnh tật, thậm chí chết đói trong rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những đơn vị sản xuất cây hàng hóa đạt hiệu quả cao và hình thành được chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững. Điển hình như sản phẩm dong riềng ở các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Ải … với sự giúp đỡ của Đoàn kinh tế quốc phòng 4, Quân khu IV. Trong 10 năm xây dựng, Đoàn 4 triển khai nhiều mô hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế có hiệu quả. Trong đó, phát triển cây dong riềng và xây dựng nhà chế biến, bao tiêu sản phẩm là một điểm nhấn trong đề án về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân huyện miền núi Kỳ Sơn.

Năm 2011, Đoàn 4 đã vận động người dân mở rộng diện tích trồng dong riềng từ 30 ha lên 80 ha, thu mua và chế biến được 185 tấn dong riềng cho người dân. Giá dong riềng gần như ở mức ổn định là 3 - 4 nghìn đồng/kg. Hay như cây chè shan tuyết tại xã Huồi Tụ với sự giúp đỡ của Tổng đội TNXP 8. Từ chỗ 3 ha chè mô hình thì đến nay, diện tích chè đã được nhân rộng lên hơn 300 ha chè sản lượng cao. Ngoài việc hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc chè, Tổng đội còn bao tiêu sản phẩm cho người dân, mỗi năm tiêu thụ gần 20 tấn chè khô cho người dân.

Trao đổi về những vấn đề trên, ông Mùa Nỏ Xừ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư rất nhiều cho đồng bào trên địa bàn trong phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo bền vững bằng đưa các cây, con mới vào sản xuất. Song, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Định hướng trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển các giống cây, con vốn là đặc sản như bò vàng, cây bo bo, chè shan tuyết và các giống ngô lai, lúa lai. Về vấn đề đầu ra, huyện sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện vào ký kết, liên kết với người dân. Huyện sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp này trong vấn đề thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, sẽ làm tốt công tác tập huấn cho người dân về KHKT, quy hoạch sản xuất, định hướng đầu ra để có được hiệu quả cao nhất.

Thiếu sự đầu tư và sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm đã dẫn đến kết quả là nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Kỳ Sơn sản xuất ra nhưng không biết bán cho ai. Một số khác thì ở dạng quy mô nhỏ lẻ, mà chưa tạo được thương hiệu để xây dựng thành hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Những tiềm năng, lợi thế của huyện chưa được phát huy hết, kéo theo những hệ quả là người dân vẫn còn nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, điều cần thiết bây giờ là bên cạnh đưa các dự án về với người dân, thì chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành cần phải có những chính sách quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, kêu gọi, liên kết với các đầu mối tiêu thụ để sản xuất canh tác theo đơn đặt hàng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm của Kỳ Sơn.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Cần hướng đi hợp lý cho sản phẩm từ cây, con đặc sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO