Cần lưu ý gì khi sử dụng vỏ chanh để không gây hại cho cơ thể?
Vỏ chanh có nhiều công dụng với sức khỏe như chống ung thư, tăng cường miễn dịch… Tuy nhiên, không vì thế mà bạn sử dụng bao nhiêu cũng được, điều này nhằm tránh nguy cơ hình thành sỏi thận.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của vỏ chanh
Mặc dù vỏ chanh thường bị vứt đi nhưng nghiên cứu cho thấy nó mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hàm lượng chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa của nó có thể hỗ trợ sức khỏe răng miệng, miễn dịch và tim mạch. Nó thậm chí có thể có một số đặc tính chống ung thư.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, cho biết, vỏ chanh chứa một lượng lớn chất xơ và vitamin C, cung cấp 9% giá trị hàng ngày chỉ trong 1 thìa canh (6 gram). Ngoài ra, nó còn chứa một lượng nhỏ canxi, kali và magie.
Bên cạnh đó, vỏ chanh có nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm D-limonene và vitamin C.
Việc hấp thụ các chất chống oxy hóa flavonoid như D-limonene có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường type 2. Vitamin C trong vỏ chanh hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và tương tự như vậy giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.
Chiết xuất vỏ chanh cũng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch do hàm lượng flavonoid và vitamin C.
Nghiên cứu cũng cho thấy các hợp chất như flavonoid, vitamin C và pectin - chất xơ chính trong vỏ chanh - có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì... Pectin trong vỏ chanh cũng có thể làm giảm mức cholesterol bằng cách tăng bài tiết axit mật do gan sản xuất và liên kết với cholesterol.
Theo BS Vũ, vỏ chanh có thể có một số đặc tính chống ung thư. Ví dụ, hấp thụ flavonoid có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư và vitamin C có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào bạch cầu, giúp loại bỏ các tế bào ung thư đột biến.
D-limonene cũng có thể có đặc tính chống ung thư, đặc biệt là chống ung thư dạ dày. Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy hợp chất này giúp tiêu diệt tế bào ung thư dạ dày. Tuy nhiên, vỏ chanh không nên được coi là phương pháp điều trị hoặc chữa bệnh ung thư.
Một số nghiên cứu cho thấy D-limonene có thể giúp điều trị sỏi mật, dù vậy vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn về công dụng này của vỏ chanh.
Một số bài thuốc từ vỏ chanh
Dưới đây là một số bài thuốc hiệu quả được kết hợp từ vỏ chanh và nhiều loại dược liệu lành tính khác bạn có thể tham khảo theo BS Vũ:
- Bài thuốc chữa ho: 10gr rễ và vỏ cây chanh, 10gr vỏ rễ cây dâu tằm, 8gr lá trắc bá mang đi thái nhỏ rồi sao vàng. Kế tiếp, bạn sắc hỗn hợp thuốc với 200ml nước đến khi nước cạn còn 50ml thì chắt lấy nước dùng trong ngày.
Cách thứ hai: 12gr vỏ chanh, 10gr lá chua me đất hoa vàng, 8gr lá hẹ, 8gr lá xương sông, 5gr hạt mướp đắng, 2gr phèn chua sắc lấy nước uống. Trước khi uống, có thể cho vào 1-2 thìa cà phê đường để dễ uống hơn.
- Chữa đau răng, sâu răng: Nguyên liệu gồm 12gr vỏ chanh tươi, 10gr vỏ cây lai, 10gr rễ cây cà dại, 10gr vỏ cây trám. Các nguyên liệu cho vào nồi và sắc đến khi dung dịch cô đặc lại. Mỗi lần sử dụng, ngậm một ngụm trong miệng khoảng 5-10 phút rồi nhổ bỏ để điều trị đau răng.
- Chữa nhức đầu, cảm cúm: Sắc thuốc gồm 50gr lá chanh, 50gr vỏ chanh, 50gr lá tre, 50gr lá bưởi, 50gr hương nhu, 50gr cúc tần, 20gr bạc hà, 3 tép tỏi, 2 củ sả. Đến khi nồi thuốc sôi, tỏa mùi thơm ngào ngạt thì xông người cho ra nhiều mồ hôi, giải cảm.
Lưu ý gì khi sử dụng vỏ quả chanh?
Dù vậy, BS Vũ cũng khuyên, không phải vì vỏ chanh có công dụng tốt mà có thể lạm dụng các bài thuốc từ vỏ chanh bao nhiêu cũng được.
Sử dụng quá nhiều vỏ chanh có thể đối mặt với nguy cơ hình thành sỏi thận. Nguyên nhân của điều này là do hàm lượng oxalat trong vỏ chanh khá cao, khi được đưa vào cơ thể sẽ biến đổi thành dạng tinh thể. Những tinh thể này làm ngăn cản cơ thể hấp thu canxi, từ đó hình thành sỏi thận.
Vì thế, để an toàn hơn, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết liều lượng dùng bài thuốc phù hợp với thể trạng của mình.