Cần ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng

Phạm Bằng 14/05/2019 10:30

(Baonghean) - Hiện chưa có một đánh giá cụ thể từ cơ quan chức năng về tình trạng vi phạm Luật An ninh mạng trên địa bàn tỉnh, nhưng thông qua một số vụ việc cụ thể có thể thấy rằng, vi phạm đang diễn biến phức tạp.

Vi phạm tràn lan

Làm không hết việc, đó là câu trả lời của Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an Nghệ An) khi được hỏi về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao. “Năm 2018, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã khám phá 10 chuyên án, bắt giữ, khởi tố, xử lý hành chính 76 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao.

6 trong 8 đối tượng bị Công an TX Thái Hòa Khởi tố, băt tạm giam trong chuyên án triệt xóa đường dây đánh bạc trực tuyến. Ảnh: P.B
6 trong 8 đối tượng bị Công an TX Thái Hòa khởi tố, bắt tạm giam trong chuyên án triệt xóa đường dây đánh bạc trực tuyến. Ảnh: P.B

So với năm 2017, tăng 6 vụ, 30 đối tượng. Cơ quan công an cũng đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng”, Thiếu tá Đức nói và cho biết thêm rằng, quý I năm 2019 phòng chưa tổng hợp nhưng số vụ và đối tượng ngày càng tăng lên. Tính chất của những vụ lừa đảo qua mạng cũng ngày càng phức tạp khiến cho công tác điều tra gặp khó khăn hơn.

Các đối tượng có hành vi lừa đảo qua mạng và tang vật. Ảnh: Phạm Bằng
Các đối tượng có hành vi lừa đảo qua mạng và tang vật. Ảnh: Phạm Bằng

Điển hình là Công an TP. Vinh phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an phá chuyên án, bắt 13 đối tượng quê ở tỉnh Quảng Trị có hành vi hack facebook rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ nhóm này đã lừa hơn 500 nạn nhân, thu lợi bất chính hơn 20 tỷ đồng. “Mỗi vụ chúng chiếm đoạt với số tiền trung bình từ 50 - 100 triệu đồng, nhưng cũng có một số trường hợp hơn 300 triệu đồng. Nạn nhân của nhóm đối tượng này khắp các tỉnh, thành, thậm chí là ở nước ngoài. Khi chúng tôi ập vào bắt giữ, nhóm này cũng đang lừa một người phụ nữ ở TP. Đà Lạt 50 triệu đồng”, Trung tá Nguyễn Hữu Cường - Phó trưởng Công an TP. Vinh cho biết.

Không chỉ lừa đảo, các hành vi lợi dụng mạng internet để tổ chức đánh bạc thông qua các trò chơi đang ngày càng phổ biến. Cuối tháng 4/2019, Công an TX. Thái Hòa đã triệt xóa một đường dây đánh bạc qua mạng internet với hình thức và thủ đoạn hết sức tinh vi thông qua hình thức game “nổ hũ”, đã khởi tố 8 bị can và xử lý 40 đối tượng. Điều đặc biệt là đường dây này hoạt động khắp nơi, ra đến Hà Giang, về Hà Tĩnh. Ở tỉnh Nghệ An, các đối tượng này lập đại lý cấp 2 ở TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, TP. Vinh rồi “chiêu mộ” các con bạc tham gia sát phạt nhau trên mạng.

“Cơ quan CSĐT xác định, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước còn có khoảng 23 đại lý cấp 1 khác của đường dây đánh bạc này. Trung bình 1 phút có hàng trăm con bạc tham gia với số tiền giao dịch lên đến hàng trăm triệu đồng. Bước đầu, xác định và chứng minh được số tiền mà đường dây này đã sử dụng để biến tiền ảo thành tiền thật và ngược lại là khoảng 10 tỷ đồng”, Trung tá Trần Ngọc Tuấn - Trưởng Công an TX. Thái Hòa cho biết.

Cần nhận thức đầy đủ

Thực tế, những hành vi bị cấm trên không gian mạng được quy định tại nhiều điều trong Luật An ninh mạng, nó bao quát rất rộng ở nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề. Hiện cũng chưa có một báo cáo cụ thể tổng hợp những vụ việc vi phạm Luật An ninh mạng bị cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xử lý.

Ở bài viết này chỉ đề cập những hành vi đã xảy ra và được cơ quan chức năng xác minh, xử lý trong thời gian vừa qua. Trong đó, điển hình nhất là 2 hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet, trên không gian mạng.

Bình luận thất thiệt của Lương Ngọc Tuấn trên mạng xã hội.
Bình luận thất thiệt về vỡ đê Mường Mộc (Thủy điện Nậm Mô) trên mạng xã hội khiến nhiều người dân hoang mang.

Một ngày cuối tháng 7/2018, anh Lương Ngọc Tuấn (trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), khi đó đang là kỹ sư tổ sửa chữa Nhà máy Thủy điện Nậm Mô ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn viết trên mạng xã hội Facebook với nội dung: “Đê Mường Mộc cách Nậm Nô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. A e di dời đi còn kịp...”. Thực tế, tại thời điểm đó Thủy điện Nậm Mô đang tiến hành xả lũ theo quy trình để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân, nên nước trên sông Nậm Mộ đang dâng cao. Bình luận của Tuấn đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương.

Nhiều gia đình đã di dời tài sản vì tin vào thông tin do Tuấn viết ra. Sau khi tiến hành xác minh, Công an huyện Kỳ Sơn đã làm việc và yêu cầu Lương Ngọc Tuấn xóa ngay bình luận trên và đăng tin xin lỗi người dân trên trang cá nhân. Tuấn sau đó cũng bị Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng vì hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook.

Hay như mới đây, ông Lê Hữu Thuận - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh) vừa bị đình chỉ chức vụ. Nguyên nhân là ông này đã đăng thông tin sai sự thật về sức khỏe của cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước lên trang Facebook cá nhân của mình. Hiện Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đang xem xét mức độ sai phạm của ông Lê Hữu Thuận để đưa ra quyết định kỷ luật ông này. Rõ ràng, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng và các quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là quy định những điều đảng viên không được làm. Việc làm của ông Thuận đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bản thân và uy tín của tổ chức Đảng và nhà trường, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội.

Hàng trăm người dân xã Xá Lượng, huyện Tương Dương kéo nhau lên núi vì thông tin sai sự thật về vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ trên mạng xã hội. Ảnh: Tư liệu
Hàng trăm người dân xã Xá Lượng, huyện Tương Dương kéo nhau lên núi vì thông tin sai sự thật về vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu

Trường hợp của Lương Ngọc Tuấn, hay của ông Lê Hữu Thuận chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc chưa kiểm chứng thông tin nhưng đã có những bình luận, ý kiến không đúng sự thật trên Facbook chỉ với lý do “cho vui”. Hay như thông tin bắt cóc trẻ em, thời gian qua tần suất và mật độ người dân đăng, chia sẻ, bình luận khá dày đặc trên mạng xã hội. Khi cơ quan chức năng xác minh thì những thông tin đó đều không đúng sự thật. Tuy nhiên, hậu quả là nhiều người đã tin, rồi từ đó có những hành vi không đúng. Nếu chiếu theo Luật An ninh mạng, đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Phải khẳng định lần nữa, việc Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, qua đó đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, người dân cần có một nhận thức đầy đủ, một thái độ đúng đắn trước những hành vi trên không gian mạng. Mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, không có ngoại lệ và không thể biện minh rằng “cho vui”, “không biết”.

Mới nhất

x
Cần ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO