Cần ngăn chặn hoạt động "đòi nợ thuê"

(Baonghean) Khi “tín dụng đen” nở rộ cũng là lúc xuất hiện hoạt động đòi nợ thuê mang tính "xã hội đen". Từ đây phát sinh các loại tội phạm như cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Qua người quen, chúng tôi đã tiếp cận được H, một tay anh chị có số má từng hành nghề "đâm thuê, chém mướn" tại đất cảng Hải Phòng, sau này dạt vào Nghệ An làm nghề bảo kê các quán karaoke, vũ trường, kiêm đòi nợ thuê. H cho biết, hiện nay các băng nhóm đòi nợ có “đất diễn” xuất phát từ nhu cầu của các chủ nợ muốn thu hồi nhanh số nợ, cũng như dằn mặt con nợ mỗi khi có ý chây ì không muốn trả. Việc đòi nợ thuê không đơn giản chỉ “dùng nước bọt”, mà khi cần buộc phải dùng đến dao, súng để "nói chuyện" là bình thường.

  2 trong 6 đối tượng nổ súng để đòi nợ vào ngày 26/9 tại xã Nghi Xuân, Nghi Lộc.

Điển hình như vào hồi 20h ngày 26/9/2012, Lê Xuân Dần (SN 1986, quê ở Thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã cùng với 6 đối tượng khác đi trên 2 chiếc xe ô tô, mang theo súng đạn và một số hung khí khác đến nhà ông Kiểm (trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc), bố mẹ đẻ của Quách Thị Thủy, người mà Dần đã giao số tiền 200 triệu đồng để xin cho người nhà vào làm việc tại Ngân hàng Bảo hiểm, chi nhánh Nghệ An nhưng chờ mãi không thấy việc, đòi lại tiền thì cũng chỉ nhận được lời hứa suông. Tại đây, sau khi xảy ra cãi vã, để “dằn mặt” con nợ, nhóm đối tượng trên đã dùng súng bắn liên tiếp vào nhà ông Kiểm, gây náo động cả một vùng quê.

Còn nhớ, vào năm 2011, một vụ án mạng cũng đã xảy ra từ việc đòi nợ thuê. Ngày 21/1/2011, Nguyễn Thị Bích Thủy (trú tại xóm 2, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) rủ Hoàng Anh Toan và Nguyễn Đình Dương (trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc) đến xóm 2, xã Nghi Phong gặp Trần Viết Trọng để đòi nợ. Tại đây cả nhóm gặp Trần Viết Trọng, là một con nợ khác của Thủy. Trọng chưa có tiền nên đề nghị cuối năm trả một nửa, nửa còn lại năm sau sẽ trả. Nghe Trọng nói thế, Hoàng Anh Toan cho rằng Trọng không nể Thủy và nhảy vào đánh Trọng, Trọng cũng đánh lại. Trong quá trình ẩu đả, Hoàng Anh Toan đã rút con dao bấm mang theo trong người đâm vào bụng, khiến Trọng tử vong trên đường đi cấp cứu.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh, người trực tiếp chỉ huy phá các vụ án kiểu hợp đồng đòi nợ thuê, cho biết: Đòi nợ thuê có hai trường hợp xảy ra: Trường hợp thứ nhất, người đòi nợ chính chủ đến đòi không được nên ủy quyền đối tượng nào đó để đi đòi; thứ hai là chủ nợ trực tiếp đi đòi cùng một số đối tượng giang hồ. Các đối tượng đòi nợ thuê chủ yếu có tiền án, tiền sự, không có nghề nghiệp ổn định hoặc nghiện ma túy. Chúng thực hiện biện pháp đòi nợ thuê rất tinh vi và dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan công an. Chúng hợp thức hóa việc đòi nợ bằng giấy ủy quyền, thực hiện các biện pháp đòi nợ "mềm" như liên tục đến nhà "nhắc nhở", không dọa nạt nhưng cử người ở tại nhà con nợ làm đảo lộn sinh hoạt gia đình, gây sức ép lên người thân... làm con nợ mất ăn mất ngủ phải xoay tiền trả nợ. Một số nhóm thực hiện việc kéo số đông dùng hung khí đe dọa, ép buộc, hoặc bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản.

Từ những “hợp đồng” đòi nợ thuê được lực lượng công an triệt phá cho thấy, tình hình tội phạm phát sinh từ đòi nợ thuê trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua khá phức tạp. Thượng tá Võ Đức Xuân- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khởi tố, điều tra 4 vụ, 14 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến đòi nợ thuê; xử lý hành chính 3 vụ, 7 đối tượng với các hành vi tàng trữ vũ khí nguy hiểm, gây rối trật tự công cộng; lập hồ sơ đưa 4 đối tượng vào cơ sở giáo dục. Cùng với đó, các đơn vị nghiệp vụ cũng đã lập danh sách 7 nhóm tội phạm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến đòi nợ thuê để theo dõi; tiến hành gọi hỏi 25 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động đòi nợ thuê để phòng ngừa chung.

Theo Thượng tá Võ Đức Xuân, tội phạm liên quan đến đòi nợ thuê xuất phát từ một số nguyên nhân: Trước hết, chế tài của pháp luật về nghĩa vụ trả nợ chưa đủ mạnh, nên một số đối tượng đã cố tình lách luật, cố tình không trả nợ, dẫn đến việc chủ nợ phải thuê đối tượng đi đòi nợ. Khi có tranh chấp về việc nợ nần dẫn đến khởi kiện tòa án dân sự, nhiều trường hợp mặc dù đã có bản án của tòa nhưng các con nợ vẫn cố tình không chịu trả, trong khi cơ quan chức năng vẫn không có chế tài đủ mạnh để buộc con nợ trả nợ. Chủ nợ vừa mất tiền án phí, vừa không lấy được nợ nên nhiều người đã thuê các đối tượng hình sự đòi nợ. Một số trường hợp có dấu hiệu của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" nhưng khó xử lý theo điều luật vì không thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của tội phạm trên, làm cho các đối tượng (con nợ) coi thường pháp luật, lách luật, không trả nợ dẫn đến đòi nợ thuê. Mặt khác, sau thời gian dài không đòi được nợ, chủ nợ thường có tâm lý đòi được chừng nào hay chừng đó nên đã thuê các đối tượng đòi nợ với thù lao cao. Vì lợi nhuận hấp dẫn, các nhóm tội phạm không trừ hành vi, thủ đoạn nào.

Thiết nghĩ, để tránh những trường hợp đòi nợ theo kiểu xã hội đen, trước hết người dân cần hiểu được sự nguy hiểm của việc tham gia các hoạt động “tín dụng đen” để có kế hoạch cụ thể trong việc vay và trả nợ. Bên cạnh đó, cơ quan pháp luật khi có tin báo cần kịp thời lập hồ sơ xử lý, làm rõ đối tượng để có hình thức răn đe, tránh tình trạng để cho những đương sự giải quyết theo con đường trái pháp luật. Với người dân, khi có thông tin liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê phải báo ngay cơ quan công an gần nhất hoặc Cảnh sát 113 để được xử lý kịp thời. Mặt khác, với chủ nợ khi có nhu cầu đòi nợ, nên chọn cách đòi nợ văn minh, thông qua cơ quan tòa án để được giải quyết đúng pháp luật, không nên tự tổ chức đòi nợ theo kiểu xã hội đen, tránh tình trạng tiền mất, tội mang.

Đ.N

tin mới

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản đôn đốc các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Đây là vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh tại bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp”.

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

(Baonghean.vn) - Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì? Luật Hình sự quy định như thế nào? Đó là vấn đề quan tâm của bà Trần Anh Nguyệt (Hưng Hoà, thành phố Vinh, Nghệ An).