Cân nhắc cơ hội cho nguyện vọng 2

29/08/2015 08:50

(Baonghean) - Mặc dù thời điểm xét tuyển nguyện vọng 2 chỉ kéo dài trong 10 ngày (từ 26/8 đến 5/9) và lại diễn ra trong dịp nghỉ lễ, nhưng cuộc đua để giành những chỉ tiêu còn lại của các trường Đại học, Cao đẳng vẫn rất căng thẳng... Trong đợt 2 này, thí sinh chỉ có một nguyện vọng và không có cơ hội để thay đổi nhiều như trong lần xét tuyển trước.

Ngày thứ 2 của đợt 2 xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng diễn ra đúng vào dịp Rằm tháng Bảy. Mặc dù vậy, tại Trường Đại học Vinh lượng thí sinh đến làm thủ tục nhập học khá đông. Phía ngoài phòng đón tiếp, thí sinh và người nhà chăm chú theo dõi bảng thông báo các chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 còn lại của trường. Hơn 2.000 chỉ tiêu cho 26 ngành, trong đó ngành có nhiều chỉ tiêu nhất là ngành luật (200 chỉ tiêu), các ngành còn lại xấp xỉ từ 50 - 150 chỉ tiêu, dường như đã làm thí sinh khá an lòng. Tại phòng nhận hồ sơ, bất cứ một thí sinh nào vào đăng ký cũng được đội tư vấn khuyên cân nhắc trong lựa chọn ngành nghề và nhắc nhở tìm hiểu thật kỹ, bởi các em chỉ có duy nhất một nguyện vọng và không được thay đổi nữa.

Cập nhật hồ sơ thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở Trường Đại học Vinh.
Cập nhật hồ sơ thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở Trường Đại học Vinh.

Đến thời điểm này, Đại học Vinh đã nhận được khoảng 200 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 và nhiều nhất vẫn là hồ sơ đăng ký vào ngành Luật, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin. Đặc biệt, trái với suy nghĩ ban đầu thí sinh nộp nguyện vọng 2 thường có điểm số thấp, nhưng trên thực tế điểm trúng tuyển của thí sinh đăng ký khá cao. Thí sinh Trần Phan Cường (khối 4, phường Trung Đô, TP. Vinh) đến đăng ký nộp hồ sơ vào khoa Luật Kinh tế với tâm trạng khá buồn. Kỳ thi năm nay, em thi khối C được 23,75 điểm. Tự tin vào điểm số của mình, Cường đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Chính trị, nhưng cuối cùng bị trượt vì thiếu 0,5 điểm. Với điểm xét tuyển vào nguyện vọng 2 chỉ lấy 18,5 điểm, Cường khá tự tin vào khả năng đỗ của mình, nhưng như em tâm sự: “Đợt 1, em không tìm hiểu kỹ nên nộp vào một trường cạnh tranh lớn. Giá như em suy nghĩ kỹ càng thì em đã có nhiều cơ hội hơn để nộp vào nhiều trường tốp đầu khác”.

Cùng với Cường, bạn học cùng trường là Phấn Trung thi khối C được 25,25 điểm. Tuy nhiên, sau khi thất bại ở Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Trung đã về Trường Đại học Vinh để nộp nguyện vọng 2. Theo theo dõi điểm số của các thí sinh, tình nguyện viên Nguyễn Thị Hồng Lâm cho biết: Điểm số của thí sinh nộp nguyện vọng 2 khá cao, đa phần là trên 20 điểm. Và hầu hết các thí sinh đều nộp đơn vào những khoa có điểm xét tuyển từ 18 điểm trở lên...

Tư vấn cho thí sinh qua đường dây nóng ở Trường Đại học Vinh.
Tư vấn cho thí sinh qua đường dây nóng ở Trường Đại học Vinh.

Trực tiếp xuống phòng nộp hồ sơ để theo dõi và tư vấn cho thí sinh, tiến sỹ Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Vinh cho hay: Đợt 1, Trường Đại học Vinh đã tuyển sinh được khoảng 85% và hơn một nửa số ngành đã tuyển đủ sinh viên. Vì đợt 2 thí sinh chỉ được nộp một bộ hồ sơ duy nhất và không được thay đổi nguyện vọng và không rút hồ sơ chuyển sang trường khác nên thí sinh cần phải suy nghĩ chắc chắn trước khi lựa chọn. Làm sao chọn ngành, chọn nghề trước hết phải là nghề mình có đam mê. Tiếp đó phải chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh và điều kiện. Không nên chọn ngành, chọn nghề theo số đông và đây cũng là thất bại của nhiều thí sinh sau đợt xét tuyển vào nguyện vọng 1... Trong đợt 2, để hỗ trợ cho thí sinh, Trường Đại học Vinh đã tăng cường các thông tin về xét tuyển của trường trên Website, các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, đường dây nóng của trường thông qua hai số điện thoại (0388. 988.989 và 0383. 856.394) nối thường xuyên để kịp thời tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh...

Ở Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trong đợt 1, thông qua hai phương thức xét tuyển (xét điểm và xét học bạ), trường chỉ mới tuyển được khoảng 58% chỉ tiêu. Cũng chính vì lý do đó, nên trong đợt 2 trường xác định đây là đợt quan trọng nhất đối với một trường tốp dưới. Và để tạo thuận lợi cho thí sinh, ngay từ cổng vào, trường đã thành lập đội sinh viên tình nguyện (đã được qua tập huấn) để trực tiếp hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và tư vấn cho người nhà và thí sinh khi có mong muốn đến tìm hiểu nộp hồ sơ ở trường. Bên cạnh đó, dù là ngày nghỉ nhưng trường vẫn trực thường xuyên và sẵn sàng làm thêm giờ nếu có thí sinh đến đăng ký. Chia sẻ về công tác tuyển sinh nguyện vọng 2, cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã rút được rất nhiều kinh nghiệm sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Như trước đây một tuần, rất nhiều thí sinh đã rút hồ sơ từ trường khác và xin nộp vào trường chúng tôi nhưng không cập nhật lên mạng được. Sau đó, chúng tôi đã trực tiếp báo cáo với Cục Khảo thí và xử lý kịp thời để thuận lợi cho thí sinh. Hay như trong đợt 1, chúng tôi đã cập nhật điểm nhưng lại chưa sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Sang đợt 2 chúng tôi đã rút kinh nghiệm để thí sinh dễ dàng theo dõi. Hiện khoa được thí sinh đăng ký nhiều nhất là Kế toán. Tiếp đó là các ngành Kinh tế, Quản lý đất đai”...

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 đã có gần 506.000 thí sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng (so với dự kiến số thí sinh đạt từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với hệ đại học là hơn 531.000 thí sinh). Trong số khoảng hơn 100 trường đại học nằm trong nhóm đầu chỉ có 57 trường tuyển đủ từ 80% chỉ tiêu trở lên, còn lại hơn 300 trường đại học, cao đẳng khác đều đang dành chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 2...Từ thống kê này cho thấy, dù không trúng tuyển vào nguyện vọng 1 nhưng thí sinh không nên quá lo lắng mà cần phải bình tĩnh, cân nhắc khi chọn trường chọn nghề. Kinh nghiệm từ đợt 1 cũng cho thấy, số thí sinh phải chạy loạn từ trường này sang trường khác chủ yếu là các em có mức điểm thi thấp hơn và nhiều em không tự lượng được sức mình, không cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh và thí sinh ngộ nhận về năng lực thực sự của thí sinh. Thực tế, điểm thi năm nay cao hơn mọi năm bởi đề thi năm nay phải tích hợp 2 trong 1 nên đề dễ hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, những em thi năm nay được 18, 19 điểm thực tế chỉ bằng điểm của những em được 13, 14 điểm năm trước. Ngoài ra, nhiều thí sinh “nóng tay bắt lỗ tai”, mặc dù Bộ đã có chủ trương cho các em thay đổi nguyện vọng ở địa phương nhưng các em vẫn cố tình đến các trường đại học để thay đổi dẫn đến lộn xộn, mất thời gian và tốn kém. Ngay như tại Nghệ An, gần 30.000 thí sinh đăng ký dự thi đại học nhưng qua gần 10 ngày chỉ có 1.027 thí sinh xin đăng ký thay đổi nguyện vọng tại các trường THPT. Phần còn lại chắc chắn các em đổ xô về các trường đại học, dù không cần thiết.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau những ý kiến của dư luận và của các trường đại học, đợt xét tuyển nguyện vọng 2 đã có những thay đổi tích cực và khá hợp lý. Trong đó, trong đợt xét tuyển bổ sung, sau khi đã đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Thí sinh sử dụng số mã vạch của mỗi Giấy chứng nhận kết quả thi để Đăng ký xét tuyển vào một trường duy nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trong thời gian xét tuyển, các sở Giáo dục tổ chức tiếp nhận đăng ký xét tuyển của thí sinh; chuyển dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh cho các trường. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, các trường phải gửi lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh của Bộ điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Ngoài ra, thí sinh có thể xin tư vấn trực tiếp qua các số điện thoại 04.36231138 - 0436230816 - 04.36231137 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mỹ Hà

Mới nhất

x
Cân nhắc cơ hội cho nguyện vọng 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO