Cần nhân rộng mô hình bể bơi trong nhà trường

19/05/2017 10:38

(Baonghean.vn) - Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh có 36 tai nạn đuối nước trẻ em và hàng trăm trẻ bị tai nạn thương tích.

Sáng 19/5, tại UBND tỉnh diễn ra buổi làm việc đánh giá kết quả công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em năm 2016; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2017.

Đồng chí Lê Minh Thông - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Đánh giá kết quả công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước năm 2016, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, tỷ lệ trẻ em tai nạn thương tích giảm nhiều so với các năm trước.

Có được kết quả này là nhờ hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em; công tác tuyên truyền và đào tạo, tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; công tác kiểm tra, giám sát…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông chủ trì hội nghị. Ảnh: Phước Anh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh

Tuy nhiên, các đại biểu dự họp cũng nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, tồn tại. Ông Đào Công Lợi - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, bể bơi trong nhà trường là giải pháp hiệu quả để góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, tuy nhiên kinh phí xây dựng bể bơi vượt quá khả năng ngân sách của các nhà trường.

“Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 6 bể bơi trong nhà trường, trong đó 4 bể bơi ở huyện Nghĩa Đàn, 1 bể bơi ở huyện Anh Sơn và 1 bể bơi ở Tp Vinh. Đáng chú ý là 4 bể bơi ở huyện Nghĩa Đàn được UBND huyện đầu tư xây dựng, kinh phí mỗi bể khoảng 75 triệu đồng theo công nghệ của Italia. Mô hình này cần nhân rộng, phát huy” - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT nói.

Bể bơi
Mô hình bể bơi di động ở Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn. Ảnh tư liệu

Ông Đào Công Lợi cũng đặt vấn đề, nhìn từ số liệu tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em trong năm qua, có thể thấy tỉ lệ trẻ gặp tai nạn trong nhà trường rất ít.

“Hầu hết các em gặp tai nạn trong quá trình lao động, làm việc, vui chơi… ngoài nhà trường. Điều này đặt ra vấn đề về nhận thức, vai trò quản lý của gia đình và chính quyền địa phương. Trong dịp hè, ai sẽ là người theo dõi, quản lý, đôn đốc các em? Chúng ta hiện thiếu khu vui chơi, giải trí cho trẻ, nhất là trẻ các vùng quê và miền núi lại thường có thói quen vui chơi, tắm giặt ở sông, suối vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn rủi ro”.

Nhìn nhận thẳng thắn tồn tại trong công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, ông Dương Hoàng Vũ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn nói: “Hàng năm các ngành, đơn vị ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo. Khi xuống cơ sở kiểm tra thì hầu hết đều có văn bản triển khai nhưng thực tế thì hiệu lực, hiệu quả chưa cao”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết, trong năm 2016, toàn tỉnh đã cắm được hơn 2.000 biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và dạy bơi cho khoảng 600 em. Dù cán bộ đoàn các cấp đã rất nỗ lực nhưng vì khó về nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động nên con số ấy còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tiễn.

Tình trạng trẻ em đuối nước gia tăng trong dịp hè
Tình trạng trẻ em đuối nước gia tăng trong dịp hè

Công tác tuyên truyền cũng còn nhiều tồn tại. Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: “Trong quá trình kiểm tra, nhận thấy chương trình truyền thanh ở nhiều địa phương không đề cập đến nội dung phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, trong khi đây là kênh tuyên truyền đến được với từng gia đình, từng người dân. Điều này cần chấn chỉnh lại”.

Tại buổi làm việc, nhiều kiến nghị, đề xuất được đại diện các ngành, đoàn thể nêu lên. Đáng chú ý có ý kiến của đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp: "Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu, có như vậy mới nâng trách nhiệm, vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương, giảm thiểu tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em".

Lắng nghe và phân tích những ý kiến của đại diện các ban, ngành, kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông ghi nhận trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời chỉ đạo, trong năm 2017 cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp liên ngành; tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các quy định về ATGT, ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ em. Đặc biệt, tới đây sẽ đưa chỉ tiêu giảm thiểu tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em vào đánh giá hàng năm.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cần nhân rộng mô hình bể bơi trong nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO